5 điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030

Sáp nhập huyện Cao Lộc vào TP Lạng Sơn; phát triển mới 5 KCN và 23 CCN; ưu tiên đầu tư 24 dự án khu đô thị, khu dân cư... là một số điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm. (Ảnh: Báo Dân tộc).

Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Lạng Sơn sẽ trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía bắc.

Lạng Sơn sẽ là “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8 - 9%/năm; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 đạt khoảng 150 triệu đồng...

Dự kiến sáp nhập huyện Cao Lộc vào TP Lạng Sơn

Quy hoạch đưa ra phương án quy hoạch hệ thống đô thị. Cụ thể, đến năm 2030, toàn tỉnh có 17 đô thị, gồm: Một đô thị loại II (TP Lạng Sơn mở rộng); ba đô thị loại IV (Hữu Lũng, Đồng Mỏ, Lộc Bình); 13 đô thị loại V (Chi Lăng, Vạn Linh, Na Sầm, Tân Thanh, Thất Khê, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Ngả Hai, Na Dương, Chi Ma, Đình Lập, Nông trường Thái Bình).

Phương án quy hoạch đô thị tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050:

(Ảnh chụp màn hình từ Quyết định phê duyệt Quy hoạch).

Phát triển mới 5 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp

Về phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh, thời kỳ 2021 - 2030, Lạng Sơn định hướng phát triển 7 khu công nghiệp với diện tích 2.055 ha; thu hút đầu tư, xây dựng thêm 8 khu công nghiệp khi được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp.

Các khu công nghiệp được bố trí tại các huyện có vị trí thuận lợi về giao thông và điều kiện địa hình, quỹ đất phát triển, tập trung tại các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình.

Phương án phát triển các khu công nghiệp thành lập mới và có tiềm năng, dự kiến thành lập mới tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050:

 

Đối với cụm công nghiệp, thời kỳ 2021 - 2030, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phát triển 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.158,1 ha; gồm Cụm công nghiệp địa phương số 2 đã đi vào hoạt động và 23 cụm công nghiệp phát triển mới.

Tỉnh cũng sẽ thu hút đầu tư, xây dựng thêm các cụm công nghiệp khi được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về cụm công nghiệp.

Phương án phát triển các cụm công nghiệp thành lập mới tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050:

 (Ảnh chụp màn hình từ Quyết định phê duyệt Quy hoạch). 

Nhiều dự án sân golf tiềm năng

Quy hoạch cũng đưa ra phương án phát triển khu du lịch. Theo đó, Lạng Sơn sẽ tập trung phát triển các khu du lịch bao gồm: Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn; các khu du lịch cấp tỉnh và một số khu du lịch tiềm năng khi đủ điều kiện; xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn; thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, sân golf tại các huyện và TP Lạng Sơn.

Ngoài các dự án sân golf triển khai thực hiện theo chỉ tiêu phân bổ đất được duyệt, Lạng Sơn đề xuất các dự án tiềm năng, dự kiến triển khai thực hiện khi được điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gồm: Dự án sân golf Văn Quan tại huyện Văn Quan, sân golf Chi Lăng 2 tại huyện Chi Lăng, sân golf Đình Lập 1 và 2 tại huyện Đình Lập, sân golf Bắc Sơn tại huyện Bắc Sơn, sân golf Hữu Lũng 2 tại huyện Hữu Lũng, sân golf Lộc Bình tại huyện Lộc Bình...

Hệ thống ba cao tốc và 8 quốc lộ

Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, hệ thống đường bộ quốc gia qua địa bàn tỉnh sẽ được thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể: Các tuyến cao tốc, Lạng Sơn sẽ đầu tư xây dựng hai tuyến cao tốc đoạn qua địa phận tỉnh Lạng Sơn gồm: Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); đối với Cao tốc Tiên Yên (Quảng Ninh) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) được quy hoạch đầu tư sau năm 2030 (trường hợp huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm hơn);

Các tuyến quốc lộ, tỉnh đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện 7 tuyến hiện có và một tuyến mới.

Phương án phát triển mạng lưới cao tốc, quốc lộ tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050:

 (Ảnh chụp màn hình từ Quyết định phê duyệt Quy hoạch). 

 Công tác GPMB dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Dự án đứng đầu danh sách dự án ưu tiên đầu tư của Trung ương trên địa bàn tỉnh). (Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam).

Về hệ thống đường tỉnh, 23 tuyến đường tỉnh hiện có sẽ được nâng cấp, cải tạo; 16 tuyến đường tỉnh mới và các tuyến tránh quốc lộ được phát triển.

Các tuyến đường tỉnh (ĐT) mới gồm có: Đường liên tỉnh nối KCN Hữu Lũng đến QL31 - cảng Mỹ An (245B); đường liên tỉnh nối QL48 với QL18 (ĐT249B); đường Cao Lộc - Ba Sơn (ĐT235B); đường Bản Giềng - Đèo Cướm - Bằng Mạc (ĐT233B); đường Tồng Nọt - Y Tịch - thị trấn Chi Lăng (ĐT233C); đường Xuân Dương - Ái Quốc - TTNT Thái Bình (ĐT247); đường Cường Lợi - Đồng Thắng - Lâm Ca (ĐT249); đường Mỏ Nhài - Ngà Hai và nhánh nối đi Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên (ĐT243B), nhánh nối đường Mỏ Nhài - Ngà Hai với huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên (ĐT243C); đường Bến Bắc - Khuối Mạ - Khánh Khê (ĐT243B); đường nối ĐT245 với ĐT289 tỉnh Bắc Giang (ĐT 245C); đường nối Hữu Lũng - Yên Thế, tỉnh Bắc Giang (QH14); đường nối ĐT243 ĐT244 huyện Hữu Lũng với QL17 huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang (QH16); đường Tri Lễ - Hữu Liên (ĐT233D); đường Hải Yến - Thanh Loà - Bảo Lâm (ĐT235C); đường Lâm Sơn - Quan Sơn - QL279 (ĐT238B); đường nối QL4B với ĐT342 và QL18C tỉnh Quảng Ninh (QH 13); các đoạn tránh trên quốc lộ 1B, 4B, 4A, 279, 31...

Hệ thống đường sắt, đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng được quy hoạch mới giai đoạn sau năm 2030.

24 dự án khu đô thị, khu dân cư ưu tiên đầu tư

Danh mục dự án khu đô thị, khu dân cư ưu tiên đầu tư tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050:

 (Ảnh chụp màn hình từ Quyết định phê duyệt Quy hoạch). 

chọn
Đấu giá đất ở Thanh Oai (Hà Nội): Chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền
Tiếp tục thông tin về tiến độ nộp tiền sau trúng đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), ngày 16/9, lãnh đạo huyện cho biết: Với 68 thửa đất trúng đấu giá, đến thời hạn cuối cùng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền; 56 thửa đất không nộp tiền hoặc không nộp đủ. Đáng chú ý, 12 trường hợp nộp tiền có giá trúng cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2.