Không riêng cộng đồng LGBT mà nhiều khán giả cũng biết đến cặp đôi đồng tính gốc Việt nổi tiếng ở Canada Nguyễn Thái Nguyên và Đinh Công Khanh (tên thường gọi là Anh và Cưng). Kể từ khi quen nhau, cặp đôi này thường gọi nhau bằng tên thân mật là Anh và Cưng. Cả hai đang hoạt động hỗ trợ tài chính cho những tổ chức ở Việt Nam có những hoạt động tích cực nhằm ủng hộ vai trò của cộng đồng đồng tính tại Việt Nam.
Anh Nguyễn Thái Nguyên, hiện đang làm việc cho Quốc hội Canada về mảng chính sách môi trường. Còn Công Khanh là kiến trúc sư chuyên về cơ sở hạ tầng của Bộ Nông nghiệp Canada. Cùng lắng nghe câu chuyện sau hơn 12 năm về chung một nhà của cặp đôi nay qua những chia sẻ của anh Thái Nguyên.
Đám cưới ấn tượng của cặp đôi Thái Nguyên (trái) và Công Khanh (phải)
- Câu chuyện của "Anh và Cưng" đã trở thành câu chuyện cổ tích được ấp ủ như niềm tin về một cái kết hạnh phúc cho nhiều người đồng tính tại Việt Nam. Anh có bất ngờ về sức lan tỏa từ tình yêu của mình cho đến tận bây giờ?
Nhớ lại ngay từ khoảng thời gian đầu năm 2007, tôi đã khá bất ngờ về sự lan toả câu chuyện của chính mình. Tình cờ một nhà báo tại Việt Nam đã đến bộ ảnh cưới của hai anh và xin phỏng vấn để viết bài. Từ đó câu chuyện được nối tiếp kể lại với nhiều góc cạnh mới và được nhiều sự quan tâm từ trong và cả ngoài nước.
Đến nay cũng hơn 12 năm trôi qua, "Anh và Cưng" vẫn nhận được rất nhiều tình cảm của mọi người. Đó là một niềm vui và động lực tốt trong mái ấm gia đình của "Anh và Cưng". Nhưng điều khiến chúng tôi vui nhất trong việc này không phải là mình được biết đến, mà đó là đã truyền tải được niềm tin trong cuộc sống và giúp mọi người có cái nhìn chính diện hơn về đời sống gia đình của một cặp đồng tính.
- Cuộc sống hôn nhân hiện tại của anh và Công Khanh như thế nào?
Cuộc sống hôn nhân hiện tại của tôi và Công Khanh vẫn diễn ra y như 12 năm đã qua. Cả hai may mắn có công việc ổn định, luôn vun vén cho mái ấm của chính mình. Vẫn cùng nhau chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ về bất kỳ vấn đề nào đó, kể cả những điều diễn ra trong cộng đồng LGBT. Sự trao đổi ôn hoà luôn giúp cả hai thấu hiểu nhau hơn.
Khi có thời gian rảnh, cả hai vẫn tranh thủ đi du lịch đây đó, vừa để thư giãn lẫn học hỏi và hiểu biết hơn về thế giới xung quanh. Đồng thời những chuyến đi đó cũng góp phần xây đắp thêm nên sự khắng khít, thắt chặt giữa hai người với nhau. Bởi khi chúng ta ở một môi trường mới chúng ta sẽ đối diện với hoàn cảnh mới lạ và từ đó chúng ta sẽ khám phá được những khía cạnh mới mẻ từ đôi bên.
Con người chúng ta luôn thay đổi theo thời gian. Người mà mình kết hôn 10, 20 năm trước đây, ít nhiều không còn là người mà mình vẫn luôn yêu thương và sống kề bên suốt 10, 20 năm vừa qua. Cá nhân chúng ta cũng vậy, cũng thay đổi theo thời gian. Chính vì thế mà sự quan tâm, chia sẻ, học hỏi và khám phá lẫn nhau theo ngày tháng rất quan trọng trong đời sống gia đình. Nó giúp chúng ta tránh tình trạng bất ngờ một ngày nào đó chợt nhận ra đôi ta đã khác nhau thật nhiều.
- "Come out" luôn là hành trình đầy nước mắt của LGBT. Câu chuyện của anh như thế nào?
Quá trình khám phá để hiểu về chính mình cũng tương tự như quá trình của tuổi trưởng thành khi khám phá về những cảm xúc đầu đời. Tuy nhiên điều khó khăn lúc đó là tâm lý luôn bị đè nặng bởi mô hình nam - nữ, nghĩa là nam phải yêu nữ và nữ phải yêu nam, chứ không có chuyện nam được yêu nam. Vì thế mà nội tâm mình luôn phải tranh đấu giữa những ham muốn bản năng và giá trị lý thuyết áp đặt.
Tự dằn vặt khi thấy cảm xúc của mình không giống với đa số bạn bè cùng trang lứa. Đồng thời cũng không biết chia sẻ cùng ai, luôn phải che giấu cảm xúc và tự thấy không ai hiểu mình. Đó là quãng thời gian khá nặng nề về mặt tâm lý.
"Come out" cũng là hành trình nhiều khó khăn
Sau một quãng thời gian dài như thế, từ từ tiếp thu được thêm nhiều thông tin về cộng đồng LGBT qua các trang mạng và bắt đầu có nhiều bạn bè đồng tính hơn. Cảm thấy mình không còn đơn độc, được chia sẻ, được lắng nghe và đồng cảm. Từ đó giúp tôi cởi mở hơn và dần dà chấp nhận chính mình.
Mình còn nhớ khi ấy đã dùng hai tên khác nhau, một tên vẫn dùng xưa nay và một tên riêng chỉ dùng trong cộng đồng LGBT lúc bấy giờ. Để khi ai tìm mình với tên gọi nào thì mình còn biết ứng xử làm sao cho phù hợp. Sau này khi đã chia sẻ cho gia đình hiểu hơn về chính mình thì cái tên ấy cũng dần mai một đi, không còn cần thiết nữa. Nhìn lại nó như chiếc mặt nạ cũ đã nhạt dấu son.
Hành trình "Come out" của tôi ít bi kịch hơn Khanh. Có lẽ một phần do tôi định cư ở Canada từ nhỏ nên tư tưởng không bị trói buộc bởi khuôn mẫu nam - nữ. Khi mình lớn lên trong nền văn hoá không đậm nét truyền thống Á đông, từ đó tư duy cũng được thông thoáng hơn. Lại có thêm nhiều nguồn thông tin để tự tìm hiểu về những cảm xúc lẫn ham muốn đầu đời. Nên tôi nhận thức về mình khá sớm và không bị gánh nặng tâm lý như Khanh.
Ngay ở độ tuổi trưởng thành, tôi đã biết điều gì quyến rũ được mình, mặc dù đó không phải là đại đa số nhưng cũng không phải là điều sai trái. Cứ thế tôi lớn lên với một cảm xúc.
- Ai là người ảnh hưởng nhiều nhất trên hành trình ấy của anh?
Để nói về sự ảnh hưởng rõ rệt nhất thì có lẽ không một cá nhân nào, mà chính là những thông tin cộng đồng. Từ sách báo, băng hình đến internet đã từ từ giúp chúng tôi nhận thức và hiểu rõ hơn về cảm xúc tình cảm và cảm xúc tình dục của chính mình. Dần dà, hiểu ra rằng mình không quá đặc biệt và cũng chẳng cô đơn mà còn có cả một cộng đồng để trao đổi, chia sẻ và bảo vệ lẫn nhau. Chính vì thế khi tư vấn riêng cho các bạn trẻ, chúng tôi thường hướng các bạn đến với cộng đồng, để tìm được sự đồng cảm và cảm nhận sức mạnh đồng hành.
- Là người từng trải, theo anh, hôn nhân của cặp đôi LGBT sẽ có điểm gì khác với hôn nhân của những đôi nam - nữ khác?
Theo tôi, về căn bản, hôn nhân của cặp đôi đồng tính không có mấy khác biệt so với hôn nhân của cặp đôi dị tính (nam - nữ). Nền tảng của hôn nhân vẫn là tình yêu. Vẫn dựa trên sự yêu thương, tình nghĩa, che chở, đùm bọc, gắn kết bên nhau. Vẫn cùng nhau bươn chải trong cuộc sống, cùng nhau trải nghiệm và trưởng thành theo tháng năm.
Có chăng sự khác biệt đó là tính bình đẳng trong hôn nhân đồng giới được thể hiện công bằng hơn, bởi họ thường không phân chia trách nhiệm và công việc theo lối truyền thống chồng - vợ. Ngoài ra, giữa hai cá thể cùng giới tính thường có nhiều sự đồng điệu hơn về tính cách và quan điểm, dẫn đến ít xung đột hơn và đời sống hạnh phúc viên mãn hơn. Điều này cũng từng được nhắc đến trong một nghiên cứu đã viết trên tờ New York Times.
- Hơn một thập kỉ bên nhau, trải qua nhiều điều cùng nhau, hai anh đã từng có mâu thuẫn căng thẳng nào?
Mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình ắt là phải có, bởi mỗi chúng ta đôi khi còn tự mâu thuẫn với chính mình, huống chi khi hai cá thể sống chung với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau và quyết định cùng nhau. Nhưng bản chất của mâu thuẫn không phải là điều xấu, vì rõ ràng trong mỗi mâu thuẫn chúng ta đều rút ra được bài học khinh nghiệm. Những kinh nghiệm đó sẽ giúp chúng ta thích nghi với nhau tốt hơn. Thế thì mặt trái của mâu thuẫn là cách thức giải quyết. Nó đòi hỏi chúng ta phải điềm tĩnh và tránh không nên xúc phạm nhau, không nên gay gắt khi đang nóng giận.
Nếu như cần phải có "chiến tranh lạnh" để hạ hỏa của cuộc mâu thuẫn thì đó cũng là một phương cách, nhưng không nên kéo dài quá lâu và cũng nên tránh để tổn thương hay gây tự ái cho đôi bên. Cuối cùng ai là người làm lành trước sẽ không còn là vấn đề khi hòa khí gia đình đã được ổn định lại.
Cặp đôi thường cùng nhau du lịch nhiều nơi
- Giữa những xô bồ cuộc sống, nhiều cạm bẫy. Điều gì là sợi dậy gắn kết hai trái tim của anh và Công Khanh ?
Chúng tôi luôn cảm thấy may mắn khi tìm thấy nhau và đến với nhau trong cuộc đời. Tính cách của cả hai cũng có nhiều điểm tương đồng lẫn hỗ trợ cho nhau chẳng hạn như một người thì điềm đạm và một người thì thấu đáo. Những điều đó giúp chúng tôi luôn hiểu rõ giá trị của mỗi bên trong cuộc đời mình và luôn trân quý những gì mình có với nhau. Và tình yêu chính là sợi dây vô hình đã và vẫn đang tiếp tục nảy nở suốt 17 năm nay (tính từ khi quen nhau năm 2002).
- Theo anh, để "giữ lửa" hôn nhân, những cặp đôi LGBT nên làm gì?
Tôi không nghĩ sẽ có một công thức chung nào dành cho tất cả các cặp đôi để "giữ lửa" hôn nhân cả. Nhưng để mỗi người cảm nhận được hạnh phúc trong hôn nhân thì trước tiên họ phải được yêu, được tôn trọng và được là chính họ. Thế thì hãy yêu người bạn đời của mình y như mình muốn người đó yêu mình; hãy tôn trọng người bạn đời của mình y như mình muốn được người đó tôn trọng mình; và hãy chân thật cùng nhau, sống thật cùng nhau, giúp nhau thích nghi với chính con người của mình.
Hồi tháng trước, tôi có người cháu gái vừa lấy chồng, trong một dịp đi chơi, cháu khẽ hỏi cậu "Cậu ơi, cậu làm gì để hâm nóng tình yêu vậy cậu?" Anh bình thản đáp: "Con đừng để nó nguội rồi phải hâm nóng và hãy luôn nhớ vì sao mình đến với nhau". Ngoài ra trong cuộc sống lứa đôi, ai cũng cần phải có khoảng không của riêng mình. Phải để đôi bên được thoải mái và tự nguyện nhất có thể.
Yêu bạn đời như yêu chính mình là ngọn lửa cho hôn nhân
- Hai anh có dự định gì mới cho hôn nhân của mình?
Hiện tại chúng tôi không có dự tính gì quan trọng cả, mà phần lớn cả hai đều dành quỹ thời gian cho sự nghiệp và rất may cuộc sống khá ổn định nên khi có thời gian sẽ lại cùng nhau ngao du sơn thuỷ. Từ khi sang Canada, chúng tôi chưa có lần nào đón Tết cổ truyền tại Việt Nam, nên hi vọng sẽ sớm có dịp cùng nhau đón năm mới trên chính quê hương mình để cảm nhận lại những hương vị Tết trong tim mọi người.
Cảm ơn anh về những chia sẻ!
Cùng nhìn những hình ảnh hạnh phúc sau 12 năm chung sống của cặp đôi.