Áp dụng giá cước linh hoạt: 'Đơn thuốc' mới cho taxi truyền thống Việt Nam?

Một hãng taxi ở Hà Nội áp dụng giá cước linh hoạt theo giờ trong bối cảnh cạnh tranh với "taxi công nghệ" Grab, Uber.
ap dung gia cuoc linh hoat don thuoc moi cho taxi truyen thong viet nam
Taxi Victory là đơn vị đầu tiên áp dụng giá cước linh hoạt. Ảnh: Di Linh

Thời gian gần đây, "cuộc chiến taxi công nghệ - truyền thống" tiếp tục "nóng" khi một số taxi dán logo, biểu ngữ phản đối Quyết định 24 của Bộ GTVT, phản đối Uber-Grab.

Trong khi nhiều hãng taxi truyền thống "loay hoay" với việc bình đẳng trong cuộc chiến này, một hãng taxi ở Hà Nội đã thay đổi để cạnh tranh bằng cách linh hoạt giá cước.

Nhằm làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thu Trang, Giám đốc chiến lược của Taxi Victory - đơn vị vừa được Sở GTVT Hà Nội chấp thuận áp dụng linh hoạt giá cước theo các khung giờ.

PV: Thời gian quan, nhiều hãng taxi truyền thống đã "tấn công" Uber, Grab bằng cách tố cáo, dọa kiện, dán biểu ngữ... Tuy nhiên, điều này không mang lại hiệu quả. Vậy theo quan điểm của bà, taxi truyền thống đang cần điều gì?

Bà Trần Thị Thu Trang: Có 3 yếu tố gồm giá cả, chất lượng và sự tiện lợi giúp đảm bảo thắng lợi, giữ chân khách hàng khi cung cấp mọi loại dịch vụ. Uber, Grab đều đảm bảo đủ cả 3 yếu tố này so với taxi truyền thống và đương nhiên giành lợi thế cạnh tranh.

Taxi ở Việt Nam hiện kinh doanh giống như "đi câu, làm nông và đánh bạc". Tức là có kỳ vọng rất lớn nhưng sẵn sàng chấp nhận kết quả rất nhỏ và hoàn toàn không chủ động kiểm soát doanh thu, tính may rủi cao.

Và một nghịch lý nữa là taxi Việt Nam áp dụng một giá toàn thời gian trong khi đó giá thành của từng thời điểm là khác nhau.

Khi Uber, Grab vào Việt Nam, họ đưa ra khái niệm thu nhập theo giờ làm việc với lái xe và đã thực hiện rất tốt nên kết quả thu nhập theo ngày làm việc, theo tháng của lái xe công nghệ luôn được đảm bảo.

Người lái xe đi làm với vai trò giống như công nhân trong nhà máy, làm đủ giờ và lĩnh đủ lương, có cuộc sống ổn định. Điều này giải thích tại sao taxi công nghệ lại thu hút một lượng lớn lái xe trong thời gian rất ngắn.

Giá linh hoạt là điểm mới trong kinh doanh taxi truyền thống. Việc áp dụng mức giá linh hoạt được tính toán trên cơ sở nào, thưa bà?

Phòng kinh doanh của chúng tôi đã phải ngồi tính lại rất kỹ giá thành dịch vụ theo từng thời điểm trong ngày.

Thu nhập theo giờ của cả tài xế và xe phải đảm bảo tối thiểu 70.000 đồng/h. Giá cước sẽ được tính bằng 70.000 đồng thu nhập cộng với chi phí xăng và chia cho số km vận hành có khách dự kiến.

Theo cách tính này, như thời điểm hiện tại chúng tôi có thể phục vụ với giá cước 7.500đ/km trong giờ thấp điểm và 11.000đ/km cho 20km đầu trong giờ cao điểm.

Sắp tới, khi triển khai dịch vụ “Taxi đi chung”, “Taxi chia sẻ” (giống như dịch vụ GrabShare), dự kiến giá cước của chúng tôi sẽ giảm xuống mức thấp nhất chỉ còn 5.000đ/km.

ap dung gia cuoc linh hoat don thuoc moi cho taxi truyen thong viet nam 'Cuộc chiến taxi': Xem xét, xử lý việc dán logo phản đối Uber-Grab

Thanh tra Sở GTVT sẽ xem xét việc dán logo phản đối Uber-Grab có vi phạm việc thực hiện niêm yết logo, biểu trưng hay ...

Như trên đã đưa, giá cả, chất lượng và sự tiện lợi là yếu tố đảm bảo thắng lợi, giữ chân khách hàng. Vậy ngoài giá cả linh hoạt, chất lượng Taxi Victory có gì khác?

Từ trước đến nay, các hãng taxi có quan tâm đến chất lượng dịch vụ nhưng do đặc thù ngành là phục vụ tận nơi trên địa bàn rất rộng nên không thể tổ chức kiểm soát chặt chẽ được.

Hệ thống tiếp nhận phản hồi và xử lý không được coi trọng đúng mức dẫn đến việc khách hàng được đối xử theo kiểu “tùy tâm” của lái xe và “may nhờ rủi chịu”.

Grab, Uber đã tổ chức dịch vụ tốt hơn, triệt tiêu động cơ tranh giành và chụp giật của lái xe cùng với việc xây dựng hệ thống phản hồi bằng cách chấm điểm lái xe theo bậc 5 sao đã chinh phục thị trường bằng chất lượng dịch vụ vượt trội so với taxi truyền thống. Đây là điều thứ 2 chúng tôi cần phải học hỏi.

Chúng tôi đã chọn cách xử lý bằng chương trình “Bật camera và vẫy xe”. Theo đó, khách hàng có thể ghi hình vi phạm của lái xe bằng điện thoại (có hướng dẫn chi tiết việc ghi hình với màn hình điện thoại tắt, màn hình chơi game hoặc ngay cả khi đang gọi điện thoại).

Khi có clip với bằng chứng thuyết phục, khách hàng sẽ được nhận một món quà cám ơn là 1 triệu đồng tiền mặt. Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ phạt rất nặng đối với lái xe.

Việc bất kỳ ai mang theo điện thoại cũng có thể đang ghi hình sẽ làm lái xe không dám vi phạm bất kỳ điều gì có ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Uber, Grab có đủ các yếu tố gồm giá cả, chất lượng và sự tiện lợi. Vậy làm sao để sự tiện lợi của taxi truyền thống tốt hơn Uber, Grab?

Taxi là để vẫy đã tồn tại rất lâu trước khi chúng ta đặt xe bằng điện thoại hay thông qua ứng dụng smartphone.

Như vậy có thể thấy, khi taxi không quá hiếm và được tổ chức tốt với chất lượng dịch vụ cao, giá cước rẻ, vẫy xe trên phố mới là sự tiện lợi số một.

Khách hàng có xe ngay với chỉ một cái vẫy tay, không cần mở máy, nhìn và bấm màn hình điện thoại, cũng không cần phải chờ phản hồi từ ứng dụng dù chỉ là một vài phút.

Chúng tôi đang tái định nghĩa về dịch vụ “taxi là để vẫy” bằng việc sẽ tăng rất nhanh độ phủ của đội xe trên địa bàn nội thành Hà Nội và tin rằng có thể đáp ứng nhu cầu của khách theo thời gian.

Xin cảm ơn bà!

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã chấp thuận cho Taxi Victory áp dụng giá cước linh hoạt với giá cước mở cửa là 20.000 đồng/2,5km (khoảng 8.500 đồng/km); giá cước trong khung giờ thấp điểm (8h30 tới 16h từ thứ Hai tới thứ Bảy) là 7.500 đồng/km.

Các khung giờ còn lại (bao gồm Chủ nhật) sẽ giữ nguyên mức giá cho tới km 20 áp dụng giá cước 11.000 đồng/km; từ km 21 trở đi là 9.000 đồng/km; giá mở cửa là 20.000 đồng/1,8 km.

Giá cước mới của hãng taxi này áp dụng trong giờ thấp điểm được cho là thấp hơn mức cước hiện tại của Uber và Grab.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.