Ngày 26/9, TAND TP HCM xét hỏi bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm để làm rõ hành vi Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Bà Lan bị cáo buộc từ năm 2012 đến 2022 đã chỉ đạo Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty tập đoàn Acumen) phối hợp Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư, đang bị truy nã) lập các hợp đồng khống. Nhóm bà Lan sau đó dùng các hợp đồng này vay tiền ở nước ngoài chuyển về Việt Nam, khi trả nợ sẽ thông qua hệ thống Ngân hàng SCB chuyển ra nước ngoài. Tổng số tiền bà Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép qua biên giới là 4,5 tỷ USD - tương đương 106.730 tỷ đồng.
Trước khi tòa thẩm vấn, bà Lan xin phép được trình bày, bởi liên quan đến việc chuyển tiền đi và về, bà nắm rõ nhất. "Bị cáo không có ý kiến gì về lời khai của 8 bị cáo trước (thừa nhận cáo trạng đúng), nhưng họ không nắm được nguồn gốc dòng tiền", bà Lan nói.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho biết, khi đặt vấn đề vay tiền bạn bè ở nước ngoài thì được họ nói phải có các pháp nhân đứng ra nhận. Lúc đó họ chỉ cho vay ngắn hạn, nên cứ 3 tháng là bị cáo phải lo nguồn tiền để trả.
"Khi đang Covid, ngân hàng khó khăn lắm, không có tiền. Nhưng trời thương, đúng lúc đó những người bị cáo từng cho vay mượn đã trả 3 tòa nhà ở Ba Son, một tòa nhà ở Cống Quỳnh nên có tiền trả nợ. Tiền này là của bị cáo chứ không phải tiền của SCB", bà Lan nói, thêm rằng chỉ mượn SCB để chuyển tiền và để ngân hàng này nhận phí vì "SCB lúc đó rất cần USD".
Về cáo buộc lập các hợp đồng khống để chuyển - nhận tiền, bà Lan nói không hiểu về quy trình, nhưng nguồn tiền chuyển về, chuyển đi là có thật và "đều được báo cho Cục Phòng chống rửa tiền". Hơn nữa, thời điểm đó bà tin tưởng rằng "các anh em" thực hiện là phải đúng quy định pháp luật.
Bà Lan cũng phủ nhận việc chỉ đạo đồng phạm thực hiện hành vi chuyển tiền ra nước ngoài, cho rằng mình "chỉ biết việc vay tiền từ nước ngoài và dùng tiền cá nhân để trả nợ". Tuy nhiên, ngay sau đó bị cáo khẳng định "việc vận chuyển tiền chỉ liên quan tới mình và xin nhận hết toàn bộ trách nhiệm", xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các đồng phạm trong nhóm tội danh này.
Trước khi kết thúc thẩm vấn, chủ tọa hỏi "cáo trạng truy tố bị cáo có oan sai không", bà Lan đáp: "Việc truy tố là quyền của cơ quan điều tra, VKS, bị cáo không có ý kiến; nhưng xin HĐXX xem xét thấu đáo không liên quan tới Vạn Thịnh Phát".
Lời khai của bà Lan mâu thuẫn với lời khai của một số bị cáo trước đó. Cụ thể, khi trả lời thẩm vấn, bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu tổng giám đốc SCB) cho rằng số tiền chuyển ra nước ngoài "có nguồn gốc từ tiền tham ô".
Hoàng là một trong những đồng phạm giúp sức tích cực cho bà Lan chuyển ra nước ngoài và nhận về hơn 68.000 tỷ đồng. Bị cáo khai không có chuyên môn sâu về tài chính, ngân hàng nên có nhiều hạn chế trong lĩnh vực thanh toán quốc tế. Chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết hồ sơ chuyển - nhận tiền không đúng quy định của pháp luật.
Tương tự, Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB, tiền nhiệm của Hoàng) cũng cho rằng, lúc thực hiện hành vi phê duyệt các lệnh chuyển tiền ra nước ngoài và ký duyệt hồ sơ nhận tiền từ nước ngoài chuyển về đều không biết sai quy định của pháp luật.
"Khi cơ quan điều tra giải thích nguồn tiền này là bất hợp pháp thì bị cáo mới hiểu vì sao mình bị xử lý thêm tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", ông Văn nói, thừa nhận đã phê duyệt 20 hợp đồng chuyển tiền ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam. Trong đó có 12 hợp đồng thanh toán các khoản vay nước ngoài, tổng số tiền là 11.000 tỷ đồng.
Chiều nay, VKS và luật sư sẽ tham gia xét hỏi các bị cáo.
Ngoài hành vi nói trên, những ngày làm việc trước đó, HĐXX đã thẩm vấn bà Lan cùng đồng phạm về hành vi chiếm đoạt 30.000 tỷ đồng của 35.824 trái chủ thông qua việc phát hành trái phiếu; Rửa tiền 445.748 tỷ đồng.
Chủ đầu tư 07:40 | 17/11/2024
Chủ đầu tư 15:17 | 15/11/2024
Chủ đầu tư 13:58 | 12/11/2024
Chủ đầu tư 07:29 | 09/11/2024
Chủ đầu tư 07:17 | 08/11/2024
Chủ đầu tư 15:29 | 07/11/2024
Chủ đầu tư 06:50 | 06/11/2024
Chủ đầu tư 07:27 | 05/11/2024