Bác sĩ chuyển giới nam: 'Mẹ bảo tôi đừng nam không ra nam, nữ không ra nữ'

“Liệu đến bao giờ mình mới được là con trai đúng nghĩa? Liệu đến bao giờ bố mẹ mới có thể chấp nhận sự thật mình không phải là con gái, mà là con trai?” Câu hỏi ấy cứ xoay vần trong tâm trí của chàng bác sĩ chuyển giới Trần Vĩ Trí.

Khao khát được cắt tóc ngắn, được mặc bộ quần áo nam nhi dường như vẫn còn xa trong chặng đường tìm lại chính mình của chàng bác sĩ chuyển giới Trần Vĩ Trí bởi ngưỡng cửa gia đình như đang đè nặng trên đôi vai và suy nghĩ của anh.

bac si chuyen gioi nam me bao toi dung nam khong ra nam nu khong ra nu
Bác sĩ Trần Vĩ Trí.

“Mẹ cầu nguyện mỗi ngày để tôi là cô gái thùy mị”

Bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình bằng chất giọng trầm khan buồn, Vĩ Trí miêu tả nơi mình sinh ra bằng những câu từ nhỏ nhẹ như chỉ muốn giấu kín thân phận mình trong chiếc kén: “Mình sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề y tại một thành phố nhỏ. Nuôi đam mê trở thành bác sĩ tiếp nối nghề của ba.

Từ lớp 3, mình đã cảm nhận mình thiệt khác. Lớn lên một chút, biết được người đàn ông đầu tiên trên thế giới mang bầu (ảnh là người chuyển giới), mình cũng tự nhủ sau này mình sẽ thế, dùng hormone và cấy ghép phần còn thiếu. Sau đó lớn rồi, hiểu rộng hơn tí thì biết còn có cơ chế đào thải nữa. Nên mình quyết định theo nghiệp ba, trở thành bác sĩ để có cơ hội thay đổi bản thân”.

Với Trí, gia đình là ngưỡng thử thách vô cùng gian nan với anh. “Cha mẹ mình ở quê nên không được tiếp xúc nhiều với kiến thức LGBT, lại là gia đình truyền thống nên luôn răn dạy mình phải sống đúng khuôn mẫu, hình tượng.”

Thế nên, mỗi lần nhìn cái lắc đầu ngao ngán, cái chép miệng của cha mẹ khi thấy cô bạn hàng xóm đối diện (là chuyển giới nam): “Đứa con gái giống đàn ông ấy bây giờ học gì?” Trí lại cảm thấy như càng bị đẩy tới tận cùng của hố sâu tuyệt vọng. Anh sợ ánh nhìn của cha mẹ. Cứ tưởng tượng đến viễn cảnh tương lai công khai chính mình là anh lại nhắm chặt mắt lại để xua tan đi nỗi sợ hãi.

bac si chuyen gioi nam me bao toi dung nam khong ra nam nu khong ra nu
Vĩ Trí sợ công khai giới tính sẽ làm mẹ buồn.

Trí kể: “Mẹ chỉ luôn quan tâm chăm sóc phòng mạch của mình. Mẹ ít theo dõi thời sự. Nhưng từ khi có Bộ luật về công nhận quyền chuyển giới thông qua, mẹ lại suy nghĩ tiêu cực rất nhiều. Mẹ gọi lên hỏi thăm tình hình học tập rồi tâm sự luôn "con gái yêu của mẹ ráng ra dáng con gái nha, đừng nam không ra nam, nữ không ra nữ, xã hội giờ loạn lạc lắm". Nhiều lúc bức bối tăng cao, mình muốn nói cho mẹ hiểu nhưng phải kìm chế không sợ mẹ nghe xong lại đổ bệnh.”

Trải lòng về những lo toan trong gia đình, thi thoảng, Trí lại thở dài não nề. Cậu sợ hãi ngày công khai gia đình đến nỗi có những đêm giấc mơ trở thành con trai chợt về rồi giật mình tỉnh dậy ướt đẫm mồ hôi. Trí biết, mỗi lần mẹ anh đi cầu nguyện không bao giờ bỏ qua điều ước: “Mong sao con gái con thùy mị nết na, nữ tính xinh xắn như những đứa con gái khác.”

“Mình nghĩ mẹ hiểu về mình một phần. Nhưng có lẽ sự thật ấy quá khủng khiếp đến nỗi mẹ không dám tin, không dám chấp nhận. Nên mẹ mới thường xuyên cầu nguyện cho mình như vậy.” – Trí nói.

Khát khao trở thành bác sĩ phẫu thuật chuyển giới

Ngày Trí quyết định công khai bản thân mình qua bộ ảnh: “Giới tính không quyết định năng lực”. Anh không dám để lộ khuôn mặt của mình. Vì anh sợ… tất cả sẽ sụp đổ phía trước. Với Trí, việc hiện tại của anh bây giờ chính là quyết tâm giành học bổng toàn phần sang nước ngoài du học. Anh muốn nâng cao trình độ tay nghề của mình để có thể trở thành một bác sĩ ngoại khoa giỏi. Trí biết: “Công việc của bác sĩ ngoại khoa rất vất vả nên người theo chủ yếu là con trai. Mình chưa tiêm hormone nên mình càng cần phải nỗ lực nhiều để thay đổi đam mê.”

bac si chuyen gioi nam me bao toi dung nam khong ra nam nu khong ra nu
Trí mơ ước trở thành bác sĩ phẫu thuật giỏi.

Đối với Trí, công việc của một bác sĩ chuyển giới cũng như bao bác sĩ khác: “Nhiệm vụ của bác sĩ là chăm sóc tận tình với bệnh nhân. Thế nên, dù họ nghĩ ra sao về mình, điều đó không quan trọng bằng việc mình sẽ trở thành một bác sĩ thực thụ như thế nào.”

Trí cho biết, gặp gỡ những người trong cộng đồng LGBT, Trí mới thấu hiểu hết nỗi khổ của họ đặc biệt là người chuyển giới nữ. Thế nên, Trí mơ ước được trở thành bác sĩ phẫu thuật giỏi để giúp đỡ những người chuyển giới. “Vẫn như suy nghĩ lúc nhỏ, học bác sĩ để giúp người nghèo, chỉ có điều trước khi làm thế, mình muốn giúp cộng đồng chuyển giới Việt Nam có cơ hội phẫu thuật để có cơ thể như lẽ ra họ phải có. Nếu mình không đủ khả năng phẫu thuật, mình muốn kiếm thật nhiều tiền để thành lập quỹ phẫu thuật dành cho người chuyển giới.”

Kể về những dự định trong tương lai của mình, giọng Trí vui tươi hơn hẳn. Anh mong đợi con đường phía trước sẽ rộng mở hơn. “Khi mình thành đạt, mình sẽ nói với bố mẹ sự thật. Và mình sẽ đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính”.

Hy vọng rằng, trong tương lai gần, chàng bác sĩ chuyển giới Trần Vĩ Trí sẽ thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình: trở thành người con trai thực thụ và là một bác sĩ giỏi. Đúng như câu nói của bác sĩ trước mọi người: “Tôi không bao giờ để định kiến xã hội tước đi cơ hội được sống với đam mê và khả năng của mình. Tương lai của tôi chỉ có thể được tạo nên từ chính đôi tay tôi, chứ không phụ thuộc vào thái độ của người khác. Tôi cũng tin chắc rằng đôi tay của mình đã và đang đóng góp tích cực cho sức khỏe của cộng đồng.”

chọn
Sẽ lập quy hoạch để đấu thầu thêm 15 khu đô thị ở Đông Anh
UBND huyện Đông Anh đề xuất TP Hà Nội giao cho huyện tổ chức lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đối với 15 khu đô thị để đấu thầu.