Được mang bao nhiêu tiền khi lên máy bay là câu hỏi rất lớn của rất nhiều hành khách. Dựa trên việc tham khảo những quy định của pháp luật về việc mang theo hành lí và yếu tố đảm bảo an ninh chuyến bay. Chúng tôi xin cung cấp thông tin cho bạn về việc bạn được mang tối đa bao nhiêu tiền khi đi lên máy bay?
Ảnh minh họa. |
Đối với những chuyến bay nội địa, không có qui định hành khách được mang tối đa bao nhiêu tiền. Tuy nhiên để an toàn, bạn chỉ nên đem vừa đủ và thẻ ATM là giải pháp hữu hiệu nhất.
Còn với những chuyến bay quốc tế được quy định tại điều 2 thông tư số 15/2011/TT-NHNN.
Cụ thể, Điều 2 Thông tư 15/2011/TT-NHNN ngày 12/8/2011, cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo hải quan cửa khẩu:
- 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương;
- 15.000.000 VNĐ (mười lăm triệu đồng Việt Nam).
Trường hợp cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối cũng phải khai báo hải quan cửa khẩu.
Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có xác nhận của hải quan cửa khẩu về số tiền mặt mang vào là cơ sở để tổ chức tín dụng được phép cho gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán.
Mức ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam tiền mặt phải khai báo với hải quan cửa khẩu không áp dụng đối với những cá nhân mang theo loại phương tiện thanh toán, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam như séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và các loại giấy tờ có giá khác.
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 9 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH ngày 11/7/2013 của Văn phòng Quốc hội về Pháp lệnh Ngoại hối, người cư trú, người không cư trú là cá nhân khi nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt và vàng trên mức quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì phải khai báo hải quan cửa khẩu.
Đối với cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu không phải là cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu và các giấy tờ khác có giá trị thay cho hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp có mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt thì thực hiện theo quy định tại Quyết định số 92/2000/QĐ-NHNN7 ngày 17/3/2000 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cụ thể, theo Điều 4 Quyết định này, cá nhân khi xuất nhập cảnh có mang tiền của nước có chung biên giới và đồng Việt Nam trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu:
+ Đối với trường hợp qua cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc: trên 6.000 Nhân dân tệ Trung Quốc và trên 10 triệu đồng Việt Nam.
+ Đối với trường hợp qua cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào: trên 3 triệu kíp Lào và trên 10 triệu đồng Việt Nam.
+ Đối với trường hợp qua cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia: trên một triệu Riel Campuchia và trên 10 triệu đồng.
Theo Nghị định 45/2016/NĐ-CP áp dụng từ ngày 1/8, người xuất cảnh không khai hoặc khai sai số vàng, ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam vượt mức quy định sẽ bị phạt các mức sau:
- 1-3 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5 triệu đến dưới 30 triệu đồng.
- 5-15 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 30 triệu đến dưới 70 triệu đồng.
- 15-25 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 70 triệu đến dưới 100 triệu đồng.
- 30-50 triệu đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100 triệu đồng trở lên mà không phải là tội phạm.
Với người nhập cảnh, mức phạt như sau:
- 1-2 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5 triệu đến dưới 50 triệu đồng.
- 5-10 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 50 triệu đến dưới 100 triệu đồng.
- 10-20 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100 triệu đồng trở lên mà không phải là tội phạm.
Nếu số ngoại tệ tiền mặt, tiền Việt Nam bằng tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo, người vi phạm có thể bị phạt từ 5 đến 25 triệu đồng.
Trường hợp người xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành hoặc giấy chứng minh thư biên giới mang theo ngoại tệ tiền mặt thuộc diện không được mang theo mà không khai hoặc khai sai thì bị phạt từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, tùy vào giá trị tương đương của tang vật vi phạm.
Hành vi đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 20 đến 60 triệu đồng).
Nhà chức trách sẽ xử phạt từ một triệu đồng đến hai triệu đồng với hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đã được đăng ký mà không ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp hoặc không vi phạm chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Lãnh đạo Cần Thơ nói về vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết quyết định xử phạt đối với ông Nguyễn Cà Rê là đúng luật. |
Vì sao đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng? Theo quy định, các tổ chức kinh tế (tiệm vàng, khách sạn...) muốn hoạt động đổi ngoại tệ phải đăng ký đại lý đổi ngoại ... |
Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn. Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại đây! Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng. |