Lục tung rừng già tìm gỗ quý
Đồ nghề dùng để săn gỗ quý của các "phu gỗ". |
Vào vai người yêu thích nghề “săn” gỗ, muốn được đi theo để học hỏi kinh nghiệm “săn” những gốc gỗ đẹp và quý. Chúng tôi tập trung ở xã Đoàn Kết, TP Kon Tum để đi theo một nhóm người vào rừng tìm gỗ. Do chuyến đi dài nên nhóm chuẩn bị rất nhiều vật dụng thiết yếu: thức ăn, cuốc, xẻng..., đặc biệt là cây xăm để tìm gỗ.
Mỗi nhóm đi rừng “săn” gỗ thường khoảng 5-10 người và đi trong nhiều ngày. Nhóm chúng tôi đi vào khu vực rừng cao su thuộc xã Ia Chim (TP Kon Tum) để tìm kiếm. “Ngày trước, ở khu vực này người ta tìm được nhiều gỗ trắc lắm. Hy vọng nhóm chúng ta cũng may mắn tìm được vài gốc”, ông N trưởng nhóm cho biết. Theo ông N, các nhóm chia ra để đi tìm thôi, nếu nhóm nào gặp gỗ to, gỗ quý thì gọi nhau tập hợp về để đào lên chứ một vài người đào không nổi.
Vào tháng 10, người dân đi tìm gỗ rất nhiều vì đây là thời điểm đã hết mùa lên nương rẫy nên đàn ông, thanh niên tập hợp nhau lại vào rừng với hy vọng gặp “vận may” đổi đời. “Nhiều phụ nữ trong làng cũng muốn đi săn gỗ cùng chồng, nhưng do không đủ sức khỏe lại không chịu được cảnh băng rừng, vượt suối, rồi nguy hiểm rình rập trong rừng nên phải ở nhà, chứ không chắc cả làng chẳng còn ai”, ông N nói vui.
Khi tôi đề cập đến chuyện “săn” gỗ như thế này không sợ bị kiểm lâm bắt, thì nhóm người này trả lời một cách thản nhiên: “Bắt thì chịu thôi chứ biết sao giờ, không đi tìm gỗ quý thì biết làm gì những ngày rãnh rỗi. Cứ đi thôi, biết đâu số lại đỏ”.
Con đường vào rừng khá khó đi, do mùa mưa nên đường đất lầy lội, cây cối lại rậm rạp, nhóm chúng tôi vừa đi vừa phát quang bụi rặm để làm thành đường. Trưởng đoàn còn thường xuyên nhắc chúng tôi phải cẩn thận vì trong rừng nhiều rắn rết và côn trùng có độc.
Trải qua một quãng đường rừng khá dài, chúng tôi đã có mặt tại khu vực “săn” gỗ. Các thành viênđược chia nhỏ để tìm kiếm, nếu phát hiện có dấu hiệu của gỗ thì một người sẽ dùng cây xăm dài khoảng 1m chọc thẳng xuống, chiếc xăm gặp gỗ sẽ khoan xuống, có gỗ quý phía dưới thì được đào lên.
Sau nhiều lần cây xăm khoan xuống tìm gỗ, nhưng toàn gặp những gốc gỗ thường hoặc không có gỗ bên dưới. Đến chiều tối, nhóm chúng tôi chỉ mới đào được một gốc gỗ trắc, nhưng bị hổng và mối mọt nhiều. Anh H.T (thành viên trong nhóm) lắc đầu nói: “Nay đen quá, đào mãi mà chỉ được gốc gỗ hư này, mai phải chuyển sáng khu khác để tìm gỗ quý thôi.”
Những người ở đây còn cho biết, việc tìm kiếm được một gốc gỗ quý rất khó khăn, phụ thuộc nhiều vào sự may mắn ở mỗi lần đi. Hôm nào gặp vận có khi chỉ tìm một lúc là có gỗ quý ngay, hôm nào xui đi cả tháng có khi cũng tay trắng trở về.
Theo thông tin chúng tôi ghi nhận lại được, khu vực thuộc các xã Đắk Xú, Bờ Y, Đắk Dục, Sa Loong... người dân cũng vào rừng truy tìm gỗ rất nhiều, có nhiều đoàn lên tới vài chục hoặc hàng trăm người.
Sức hút đi “săn” gỗ
Người dân tập hợp thành nhóm đi săn gỗ ngay tại TP Kon Tum. |
Việc tìm được một gốc gỗ quý là vô cùng khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn có sức hút với nhiều người dân bởi vì số tiền kiếm được sau khi bán gỗ. Các gốc gỗ quý đưa từ rừng ra sẽ được các thương lái đứng đợi sẵn để lấy. Gía các loại gỗ cũng giao động khác nhau: gỗ hương từ 8.000 đồng – 25.000 đồng/kg; gỗ trắc, cẩm từ 50.000 – 120.000 đồng/kg…
Để trực tiếp nắm bắt tình hình mua bán gỗ ở đây, chúng tôi tìm đến địa điểm thu mua của ông K, tại xã Ia Chim sau khi được người dân giới thiệu là nơi tấp nập nhất sau những ngày đi săn gỗ về. Tại đây có rất nhiều nhóm người mang gỗ từ rừng trở về với đủ “thể loại”, từ gỗ thường cho đến những gốc gỗ to, quý hiếm đều được ông K thu mua.
Trước đây ông K chỉ đi cạo mủ cao su thuê, những tháng gần đây ông được một đại gia nhờ đứng ra thu mua gỗ giúp. Sau mỗi phi vụ, ông K nhận được một khoản tiền thù lao tùy thuộc vào giá cả chênh lệch và chất lượng gỗ ông thu mua được. “Đông người đến đây lắm bởi vì cơ sở của tôi uy tín “tiền trao, cháo múc”, người bán thích như vậy nên ghé đến đây thường xuyên”, ông K nói.
Theo ông K, sau khi đi rừng về, những loại gỗ tầm trung được tập kết lại một chỗ để mua theo đống, còn những gốc gỗ quý thì mua theo chất lượng, độ rỗng, đặc, kích thước của gốc. Những gốc gỗ quý càng đặc, đường kính càng to, không bị mối mọt thì được mua với giá rất cao. Nếu gặp vận may thì số tiền kiếm được mỗi lần vào rừng là rất cao, có thể lên đến vài chục, có khi hàng trăm triệu nên việc “săn” gỗ rất có sức hút.
Trước tình hình người dân kéo nhau vào rừng với số lượng ồ ạt để khai thác gỗ, UBND TP Kon Tum đã có chỉ đạo gửi đến các UBND xã nhằm đưa ra biện pháp quản lí để không còn trường hợp người dân vào rừng “săn” gỗ. Bên cạnh đó, UBND huyện Ngọc Hồi cũng đã có cuộc họp khẩn với các ban ngành liên quan yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ nơi ra vào các khu vực rừng và tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, quản lý chặt các cơ sở thu mua.
Cũng theo một vị lãnh đạo thuộc ngành kiểm lâm tại tỉnh Gia Lai, nếu phát hiện người dân vào rừng tìm kiếm gỗ sẽ bắt và xử lí theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện rất khó khăn, vì theo quy định nếu người dân mang cành gốc tươi về mới bị xử lí, còn cành gốc khô thì chỉ cần chính quyền có mặt ở đó là đúng quy định.
Đô thị 09:22 | 06/10/2019
Du lịch 06:28 | 05/10/2019
Du lịch 19:10 | 25/09/2019
Kinh doanh 09:23 | 23/09/2019
Đô thị 14:14 | 08/08/2019
Du lịch 07:18 | 27/06/2019
Tiêu dùng 16:26 | 31/05/2019
Giáo dục 10:35 | 21/05/2019