Bất ngờ nguồn gốc app AirVisual và công ty Thụy Sĩ đứng phía sau

AirVisual được giới thiệu là một công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ, thành lập vào năm 2015. Tuy nhiên thực tế, app AirVisual là một start up đến từ Trung Quốc.

Thời gian vừa qua, app AirVisual - một ứng dụng đo mức độ ô nhiễm không khí, đã thu hút được rất nhiều người dùng quan tâm tải về, bởi nhiều ngày liền xếp hạng Hà Nội là thành phố có chỉ số không khí ô nhiễm nhất trên thế giới.

AirVisual được giới thiệu là một công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ, thành lập vào năm 2015. Hiện công ty này được cho là đang sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí trên toàn cầu.

Bat-ngo-nguon-goc-app-AirVisual-va-cong-ty-Thuy-Si-dung-phia-sau-1

App AirVisual - một ứng dụng đo mức độ ô nhiễm không khí, đã thu hút được rất nhiều người dùng quan tâm tải về. (Ảnh: Minh Định).

Dữ liệu của IQAir AirVisual được thu thập từ các trạm quan trắc không khí của nhiều chính phủ và tổ chức phi chính phủ trên thế giới. Thông tin quan trọng nhất trong dữ liệu của IQAir AirVisual là chỉ số bụi mịn PM2.5 trong không khí.

Các chỉ số theo dõi chất lượng không khí được IQAir AirVisual cập nhật liên tục tại website AirVisual.com và ứng dụng AirVisual trên 2 nền tảng hệ điều hành Android và iOS.

Tuy nhiên, ít ai biết được rằng đằng sau ứng dụng AirVisual lại là một start up đến từ Trung Quốc.

App AirVisual là một start up Trung Quốc?

Bat-ngo-nguon-goc-app-AirVisual-va-cong-ty-Thuy-Si-dung-phia-sau-2

AirVisual là một start up Trung Quốc. (Ảnh: AFP).

Mùa xuân năm 2016 - thời điểm ô nhiễm không khí đang trở thành bệnh dịch ở hầu khắp các thành phố lớn của Trung Quốc, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh đã đưa ra ý tưởng phát triển một sản phẩm cho phép người dùng có thể theo dõi chất lượng không khí tại nơi mình sinh sống, và tổng hợp dữ liệu về không khí ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Công ty khởi nghiệp đó chính là AirVisual. Họ đã sáng tạo ra một loại thiết bị có thể đo được mức độ ô nhiễm không khí dựa trên hai chỉ số CO2 và PM2.5, và gọi nó là "Node".

Với Node, người dùng sẽ được cung cấp thông tin về chất lượng không khí tại nơi mình sinh sống, dữ liệu được cập nhật từng phút, và cũng có thể nhận được những dự báo về tình trạng không khí trong 3 ngày tiếp theo.

Bat-ngo-nguon-goc-app-AirVisual-va-cong-ty-Thuy-Si-dung-phia-sau-3

Thiết bị đo chất lượng không khí của AirVisual. (Ảnh: AirVisual).

Mặc dù có trụ sở tại Trung Quốc nhưng công ty này cho biết, sẽ sẵn sàng mở rộng ra toàn cầu.

AirVisual tự giới thiệu mình là một "doanh nghiệp xã hội", hoạt động không phải vì lợi nhuận, mà "muốn giúp mọi người bảo vệ bản thân và cộng đồng trong một môi trường bị ô nhiễm", đồng sáng lập Yann Boquillod cho biết.

AirVisual đã phát động một chiến dịch gọi vốn trên trang web indiegogo.com, và đã đạt được 33% mục tiêu đề ra, với 10.000 USD ủng hộ.

Tuy nhiên, không có gì đột phá, sản phẩm đã nhanh chóng bị thất bại, bởi không ai sẵn sàng bỏ tiền ra mua một thiết bị chỉ để đo không khí ô nhiễm ra sao mà không giải quyết được vấn đề gì.

AirVisual được một công ty bán máy lọc không khí mua lại

Tuy thất bại về mặt sản phẩm, nhưng ý tưởng về việc chia sẻ rộng rãi tình hình chất lượng không khí tại các địa điểm khác nhau trên thế giới của AirVisual đã được IQAir – một công ty chuyên sản xuất máy lọc không khí của Thụy Sĩ, chú ý.

Và AirVisual đã được IQAir chính thức mua lại trong một thương vụ vào năm 2017, với số tiền không được các bên công bố. Cùng năm đó, IQAir đã thêm một thiết bị có tên là AirVisual Pro vào dòng sản phẩm của mình, được bán với giá 295 USD.

AirVisual Pro là thiết bị giám sát chất lượng không khí giá rẻ, có thể được sử dụng để đo chất lượng không khí trong nhà và ngoài trời. Những dữ liệu về không khí này sẽ được truyền đến nền tảng AirVisual, và được cung cấp miễn phí cho người dùng thông qua ứng dụng và trang web.

Ăn nên làm ra nhờ bán máy lọc không khí

Bat-ngo-nguon-goc-app-AirVisual-va-cong-ty-Thuy-Si-dung-phia-sau-4

Doanh số của IQAir đã tăng với một tốc độ phi mã tại thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Chinadaily).

Với sự trợ giúp của nền tảng AirVisual làm gia tăng nhận thức và mối quan tâm của người dùng về chất lượng không khí, doanh số của IQAir đã tăng với tốc độ phi mã tại thị trường Trung Quốc.

Doanh thu của IQAir từ việc bán máy lọc không khí tại thị trường Trung Quốc chưa được tiết lộ, nhưng theo Hammes – CEO IQAir, nó chiếm khoảng 1/4 thị trường toàn cầu.

Vị CEO của công ty bán máy lọc không khí này cũng tiết lộ đều đặn mỗi tháng, họ mở ít nhất 10 văn phòng trên khắp Trung Quốc. Trong đó, 50% doanh số bán máy lọc khí của công ty này cũng đến từ các cửa hàng trực tuyến.

"Không giống như những thị trường khác khách hàng thường là các doanh nghiệp, tại Trung Quốc, có tới 80% khách hàng mua máy lọc khí là cá nhân người tiêu dùng", Hammes cho biết thêm.

Theo báo cáo của Tech-Sci Research, dự kiến thị trường máy lọc không khí tại Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nóng lên 18% trong giai đoạn 2018 - 2021. 

Tại Việt Nam, trước những thông tin Hà Nội và các thành phố lớn khác nhiều ngày gần đây liên tiếp bị App AirVisual xếp hạng trong top đầu các thành phố lớn ô nhiễm nhất trên thế giới, doanh số kinh doanh máy lọc không khí cũng tăng đột biến.

Đại diện hệ thống Điện Máy Xanh cho biết doanh số bán máy lọc khí của hệ thống này đã tăng gần 200% so với tháng liền trước đó. Còn con số này ở siêu thị điện máy Pico là 90%.

Vừa qua, trước sức ép từ những báo cáo hàng loạt và đánh giá tiêu cực từ người dùng, IQAir đã phải ẩn ứng dụng AirVisual trong kho ứng dụng tại Việt Nam. Nhưng cũng chỉ hơn 24h sau đó, ứng dụng này lại quay trở lại hai nền tảng Android và iOS.

Tuy nhiên giờ đây, chỉ số AQI của Hà Nội chỉ còn được cung cấp bởi một đơn vị duy nhất là Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội, vận hành bởi UBND TP Hà Nội.