Bloomberg: Hơn 97 triệu dân bắt đầu mở cửa kinh tế trở lại, Việt Nam không còn là quốc gia đang phát triển sau dịch Covid-19

Kinh tế Việt Nam sau dịch Covid-19 được Bloomberg chỉ ra nhiều điểm sáng. Mặc dù tăng trưởng GDP suy giảm, nhưng tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt sẽ là điểm sáng vực dậy nền kinh tế.

Bloomberg nhận xét, Việt Nam đã san phẳng nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 bằng các biện pháp nặng kí. Sau giai đoạn kiểm soát dịch thành công bước đầu, giờ đây hơn 97 triệu dân đang bắt đầu mở cửa kinh tế trở lại.

"Đàn áp corona" thành công

Khi hai du khách đến từ Trung Quốc trở thành những trường hợp đầu tiên nhiễm Sars-CoV-2 tại Việt Nam vào cuối tháng 1, Chính phủ bắt đầu áp dụng các biện pháp kiểm soát gắt gao, mà Bloomberg cho rằng sẽ "khó khăn ở nhiều nước phát triển". Trong những tuần tiếp theo, Việt Nam đã cấm hầu như tất cả các chuyến bay trong nước và quốc tế, yêu cầu các nhà thuốc báo cáo khách hàng mua thuốc cảm lạnh, và cách li hơn 100.000 người trong các trại quân đội, khách sạn và tư gia. Tất cả đều được giám sát chặt chẽ.

Bloomberg: Việt Nam không còn là một quốc gia đang phát triển sau Covid-19 - Ảnh 1.

Ngươi dân đang chờ tại một trung tâm xét nghiệm nhanh gần bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). (Ảnh: Getty).

Nguyễn Đức Hiếu, một sinh viên 22 tuổi, phải cách li khi anh trở về từ Luân Đôn vào cuối tháng 3. Trên đường đến TP HCM, phi công thông báo cho hành khách chiếc máy bay đang được chuyển hướng đến Đồng bằng sông Cửu Long, vì tất cả các cơ sở kiểm dịch tại các thành phố lớn đã đầy.

Hành khách sau đó di chuyển bằng xe quân sự, được đưa đến một trường quân sự đã được chuyển đổi thành một trại cách li, và được giữ ở đó trong hơn hai tuần. 

"Chúng tôi có sáu đến tám người trong một căn phòng có giường tầng và chăn quân sự. Chúng tôi được cung cấp một số vật dụng cá nhân tại trại, như bàn chải đánh răng, kem đánh răng, gối và mùng. Mặc dù điều đó thật khó chịu, nhưng tôi nghĩ là rất cần thiết", Hiếu chia sẻ.

Bloomberg cho biết vẫn có một số sự hoài nghi về số lượng ca nhiễm Covid-19 thấp, trong khi Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc. Tuy nhiên, cách ứng phó dịch bệnh của Việt Nam đã giành được sự khen ngợi từ các cơ quan như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Hiện tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đang đi ngược chiều với Singapore và Indonesia. Các hạn chế về giãn cách xã hội tại hai nước này đang được nới lỏng, trong khi các trường hợp nhiễm bệnh tiếp tục tăng đột biến.

Cuộc "đàn áp corona" dường như đã được đền đáp. Chỉ với 270 trường hợp nhiễm bệnh và không có trường hợp tử vong chính thức liên quan đến virus, Việt Nam đang nới lỏng các quy giãn cách xã hội ở hầu hết các tỉnh, thành và cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Việt Nam chắc chắn được hưởng lợi sau Covid-19

"Việt Nam đã phải đối phó với SARS, cúm gia cầm và các cuộc khủng hoảng tài chính khác nhau. Họ đã rút ra bài học, rằng họ cần phải hành động nhanh chóng và kĩ lưỡng. Đất nước này rất phù hợp để phục hồi trở lại", ông Fred Burke, đối tác quản lí tại công ty luật Baker McKenzie, cố vấn cho chính phủ về các quy tắc đầu tư nước ngoài, khẳng định.

Bloomberg: Việt Nam không còn là một quốc gia đang phát triển sau Covid-19 - Ảnh 2.

Nhiều kì vọng về làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam. (Ảnh: RF).

Bloomberg nhìn nhận: "Việt Nam đã là một địa điểm ưa thích cho các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm một trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc, sau những căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới".

Mục tiêu của chính phủ Việt Nam bây giờ là xây dựng kinh tế trên đà đó. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng 7,2% trong năm ngoái, với 24,6 tỉ USD chảy vào sản xuất. Điều đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên 7,02%, tốc độ nhanh thứ hai kể từ năm 2007.

"Điều này cho thấy một lợi thế của hệ thống chính trị của chúng ta, cho phép chính phủ huy động mọi nguồn lực khi cần thiết để chiến đấu chống lại kẻ thù, và lần này là một kẻ thù vô hình mang tên Covid-19", ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế và tư vấn viên cho chính phủ, nhận xét.

Tác động của virus đối với Trung Quốc, vốn bị nhiều công ty nước ngoài coi là ngày càng đắt đỏ với dân số già, khiến Việt Nam trông hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp, ông Vũ Từ Thanh, đại diện cấp cao Việt Nam của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Asean, cho biết.

Ông cho biết thêm một cuộc khảo sát đang diễn ra trong Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Asean. Theo đó, các doanh nghiệp vẫn đang xem xét lại vị trí của họ ở Trung Quốc.

Bloomberg: Việt Nam không còn là một quốc gia đang phát triển sau Covid-19 - Ảnh 3.

Nguồn lao động Việt Nam dần có trình độ cao, trong khi dân số vẫn còn trẻ. (Ảnh: VnExpress).

Nhật Bản, nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam trong quý đầu tiên với 848 triệu USD, đã tuyên bố hồi đầu tháng 4 này, họ đã dành 2,2 tỉ USD cho gói kích thích kinh tế để khuyến khích các nhà sản xuất chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc. 

"Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi", thành viên của một hội đồng chính phủ tư vấn về cải cách thủ tục hành chính đầu tư nước ngoài, tiết lộ.

"Việt Nam không còn là một quốc gia đang phát triển"

Dù được nhiều tổ chức công nhận chống dịch thành công, nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn còn thận trọng về "làn sóng thứ 2" của Covid-19. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống và kiểm soát Covid-19, cảnh báo rằng không nằm ngoài khả năng, Việt Nam vẫn có nguy cơ bùng phát lớn.

Ngoài ra, quốc gia Đông Nam Á này cũng phải chuẩn bị cho sự sụt giảm kéo dài trong nhu cầu toàn cầu. Nhiều tháng trước, các nhà máy trong nước đã ghi nhận tình trạng các đơn đặt hàng từ giày Nike đến các thiết bị gia dụng của LG Electronics, chững lại và suy giảm.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho biết Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu đóng góp không hề nhỏ trong GDP. Thực tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã phải chậm lại tới 3,82%. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự kiến GDP Việt Nam có thể suy yếu về mức tăng trưởng 2,7% cho cả năm.

Bloomberg: Việt Nam không còn là một quốc gia đang phát triển sau Covid-19 - Ảnh 4.

GDP quý I/2020 có tốc độ tăng thấp kỉ lục nhưng vẫn ở mức dương và cao so với nhiều nền kinh tế khác. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Việc nới lỏng các hạn chế cũng không có nghĩa là cuộc sống sẽ trở lại bình thường.

Gareth Leather, một nhà kinh tế tại Capital Economics, dự đoán Việt Nam sẽ ghi nhận mức giảm GDP trong năm nay. 

"Nhiều hơn nữa, mọi người sẽ không trở lại thói quen trước khủng hoảng của họ ngay lập tức. Sợ bị nhiễm virus, nên mọi người sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trong một thời gian", ông nói.

Nhưng điểm sáng trong cuộc sống của 97 triệu công dân cả nước dường như được thâu tóm trong những chiếc máy ATM gạo. Những chiếc máy nghĩa tình đang mọc lên khắp nơi và tự động cung cấp gạo miễn phí cho những người lao động bị sa thải và cơ nhỡ.

Bloomberg: Việt Nam không còn là một quốc gia đang phát triển sau Covid-19 - Ảnh 5.

Người dân Việt Nam đang bước vào thời kì cuộc sống "bình thường mới" với các lệnh giãn cách đang được nới lỏng. (Ảnh: Bloomberg).

"Chính phủ Việt Nam tin rằng những động thái gắt gao trong việc phòng dịch Covid-19 cuối cùng đã cứu nền kinh tế khỏi nhiều nỗi đau hơn. Trong khi các nhà máy chờ đợi nhu cầu toàn cầu quay trở lại, nền kinh tế trong nước sẽ bắt đầu tăng trưởng", Adam McCarty, nhà kinh tế trưởng của Mekong Economics, lạc quan cho biết.

"Cách Việt Nam đã xử lí loại virus này như thế nào đang báo hiệu với phần còn lại của thế giới rằng, Việt Nam không còn là một quốc gia đang phát triển nữa. Đất nước này đã cho thấy họ đã có một sự tinh tế sâu sắc trong cách xử lí các vấn đề", ông nói thêm.