"Những phút nóng nảy, những lời mắng con mà bố mẹ khó lòng kiểm soát được là hệ quả của quá trình giáo dục hà khắc mà bố mẹ từng phải đón nhận thuở nhỏ" - Đó là lời lý giải về những hành vi bạo hành vô thức của bố mẹ được tác giả Hoàng Anh Tú viết trong cuốn sách Cùng con nhận biết và phòng chống bạo hành.
Những cơn nóng giận thường ập tới khi con bạn không chịu nghe lời. Sự cáu kỉnh, quát mắng bật ra khi con nghịch ngợm, ương bướng. Mỗi lần đánh mắng con là một lần bố mẹ không khỏi xót xa, hối hận sau đó, nhưng tại sao bố mẹ vẫn khó lòng kiềm chế điều đó.
Chỉ một chia sẻ ngắn trên mạng xã hội về vấn đề này nhưng nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận từ cộng đồng mạng. Phần lớn đều thừa nhận rằng mình từng là nạn nhân của bạo hành tâm lý khi còn nhỏ. Và dù muốn hay không, những hậu quả của bạo hành tâm lý trong gia đình vẫn còn "di truyền" tới khi họ trưởng thành, trở thành bố mẹ và bắt đầu hành trình nuôi dạy con.
Bài viết thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận từ cộng đồng của nhà văn Hoàng Anh Tú. |
Độc giả Nguyễn Thanh Tùng đồng tình chia sẻ: "Xem đi để sau này học cách giao tiếp với Bông. Nhút nhát, thiếu tự tin không phải là bản tính có sẵn mà nó được tạo ra từ chính những hành vi bạo hành tâm lý của người lớn dành cho trẻ con". Bạn Ngân Hà thì nhớ lại quãng thời gian mình từng bị những lời mắng mỏ của bố mẹ: "Mình từng bị như thế này… Mỗi ngày đều nơm nớp lo lắng bị gắt gỏng, mắng mỏ như thế. Có thể nhiều người cho rằng đó là chuyện thường nhưng thật sự là ở khía cạnh nào đó, kể cả bây giờ, khi mình lớn, vẫn bị ám ảnh tâm lý những câu mắng chửi như thế".
Dưới đây là bộ ảnh được nhiều bố mẹ chia sẻ và đồng cảm trong thời gian qua. Bộ ảnh được trích từ cuốn sách hướng dẫn kỹ năng toàn diện và thực tế về giữ an toàn cho con của tác giả Hoàng Anh Tú.
|