Thông tin từ Báo Bắc Giang, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa qua đã có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bắc Giang gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trước đó, cử tri tỉnh Bắc Giang đã kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm xây dựng và hoàn thiện đường vành đai 5 Hà Nội (đã có trong quy hoạch mạng lưới đường bộ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050) để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng.
Theo Bộ GTVT, tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài khoảng 272 km (đoạn qua tỉnh Bắc Giang dài khoảng 48 km), quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được phân bổ hạn hẹp, ngoài điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, nguồn lực còn lại tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng giao thông chiến lược theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư đường vành đai 5 nói chung trong giai đoạn 2021 - 2025.
Trong thời gian qua, nhiều địa phương (Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên) đã chủ động triển khai đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác một số đoạn tuyến trên đường vành đai.
Đồng thời, tại Thông báo ngày 9/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang cần rà soát kỹ, cân đối, bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm, phát huy hiệu quả các dự án đang triển khai, bảo đảm yêu cầu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.
Trên cơ sở rà soát kỹ các nguồn lực, khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác, Bộ GTVT khuyến nghị UBND tỉnh Bắc Giang sớm nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư vành đai đoạn qua địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Giang trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư vành đai 5 Hà Nội, đoạn qua địa phận Bắc Giang", công văn của Bộ GTVT nêu rõ.
Đường vành đai 5 quy hoạch đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hòa Bình; Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Tổng chiều dài toàn tuyến đường vành đai 5 khoảng 331,5 km (không bao gồm khoảng 41 km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3).
Trước đó, vào năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đầu tư đường vành đai 5 - vùng Thủ đô qua địa bàn tỉnh này với số vốn là 1.330 tỷ đồng.
Theo quy hoạch đường vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn từ nút giao QL 37 đến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (từ Km0-Km21+200) đầu tư với quy mô đường cao tốc 6 làn xe; đoạn từ cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đến hết địa phận tỉnh Bắc Giang (Km21+200 - Km35+200) đầu tư với quy mô tiêu chuẩn cấp II đồng bằng.
Song căn cứ theo nhu cầu vận tải thực tế hiện nay và khả năng cân đối nguồn vốn trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Bắc Giang đề xuất ưu tiên phân kỳ đầu tư.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang mong muốn Trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí để đầu tư đoạn vành đai 5 - vùng Thủ đô trên địa bàn với chiều dài gần 14 km (bao gồm cả cầu vượt sông Lục Nam).
Điểm đầu dự án tại Km0+00 (khoảng Km95+700, QL 37) thuộc xã Lê Lợi, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương; điểm cuối giao với ĐT293 tại Km11+700 (lý trình ĐT293), huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, theo quy mô đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng.