Nhìn ra nhà hàng nhỏ của mình ở thành phố Huệ Châu, Lí Băng vẫn có thể hình dung được sự hối hả và nhộn nhịp của một nhóm khách hàng đến từ một nhà máy gần đó. Thành phố này nằm ở phía Bắc Đồng bằng Châu Giang của Trung Quốc, được biết đến là trung tâm của ngành công nghiệp sản xuất đất nước này
Nhưng bây giờ, cô Lí chỉ chỉ thấy những chiếc bàn trống, một cảnh tượng quen thuộc trong hai tháng qua. Lí do của tình trạng này rất đơn giản: Khu phức hợp của Samsung ở Huệ Châu, cho đến tháng 10/2019, là nhà máy điện thoại thông minh cuối cùng của công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc, đã đóng cửa.
Nhà hàng của cô Lí đã được hưởng lợi từ hàng ngàn công nhân nhập cư, Khu phức hợp của Samsung rộng 1,2 triệu mét vuông đã cung cấp "máu sống" cho nhiều doanh nghiệp địa phương khác trong gần 30 năm qua.
Nhưng sau khi Samsung chuyển địa điểm sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ, một phản ứng đối với cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, khiến các doanh nghiệp nhỏ như cô Lí phải tự hỏi nên chuyển sang đâu tiếp theo.
"Trước khi nhà máy Samsung chuyển đi, doanh thu của chúng tôi có thể đạt 8.500 - 9.900 USD một tháng (gần 200 - 230 triệu đồng/tháng), hầu hết khách là nhân viên và nhà cung cấp của Samsung. Nhưng giờ, chúng tôi chỉ có thể kiếm được vài trăm nhân dân tệ mỗi ngày, khi chỉ có 2-3 bàn một đêm", cô nói.
Ít nhất 60% các doanh nghiệp gần nhà máy cũ của Samsung đã đóng cửa. (Ảnh: SCMP).
Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng thống kê từ khi Samsung đóng cửa tại đây, ít nhất 60% các doanh nghiệp gần đó đã đóng cửa theo. Nếu tình hình không thay đổi, số lượng này sẽ còn nhiều hơn.
"Samsung là doanh nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới. Nhà máy Huệ Châu của họ đã xây dựng toàn bộ hệ sinh thái của chuỗi cung ứng ở Quảng Đông và các tỉnh lân cận trong 20 năm qua". Lưu Khai Minh, người đứng đầu Viện Quan sát Đương đại, giám sát điều kiện làm việc tại hàng trăm nhà máy ở Trung Quốc, cho biết.
Viện này dự báo sẽ có ít nhất 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Quảng Đông đóng cửa. "Họ không thể làm ăn mà không có nhà máy Huệ Châu của Samsung, chứ đừng nói đến những cửa hàng và nhà hàng nhỏ ở khu vực xung quanh", ông Lưu nói thêm.
Hiện tại, chính quyền địa phương vẫn chưa xác nhận kế hoạch cho địa điểm bị bỏ hoang này. Người dân địa phương mong muốn một đối tác thay thế sẽ sớm được tìm thấy. "Chúng tôi hi vọng chính quyền địa phương có thể tìm được một đối tác với 2.000 - 3.000 công nhân càng sớm càng tốt. Chỉ có người lao động, chúng tôi mới có thể kinh doanh", cô Lí than vãn.
Sinh kế của nhiều doanh nghiệp địa phương phụ thuộc vào công nhân của Samsung. (Ảnh: SCMP).
Lí Hóa, chủ một cửa hàng tiện lợi cũng cho biết: "Kinh doanh của chúng tôi đã giảm ít nhất 80% so với tháng 8. Mỗi cửa hàng ở đây, dù là nhà thuốc, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, nhà cho thuê, khách sạn hay thậm chí cửa hàng dành cho người lớn, đều hướng đến phục vụ cho công nhân của Samsung cơ mà!".
Tác động của việc đóng cửa nhà máy Samsung cũng trải dài đến thị trấn Trường An tại thành phố Đông Hoản, cách 100 km về phía Tây của Huệ Châu. Janus Intelligent Group, một công ty robot hàng đầu Trung Quốc, đã có giờ lao động giảm đáng kể. Lúc trước họ còn cho công nhân nghỉ ngơi đến 3 tháng. Giờ đây, hàng nghìn lao động chỉ cần làm việc 1-2 ngày mỗi tuần là đủ. Samsung là khách hàng lớn nhất của công ty kể từ cuối những năm 2000.
Năm ngoái, Janus đã báo cáo mức giảm 14,25% lợi nhuận so với cùng kì năm ngoái, tương đương 405 triệu USD lỗ ròng, do thâm hụt rất lớn, vì Samsung đã tạm dừng các đơn đặt hàng từ quý IV/2018.
Các dây chuyền ngưng hoạt động vì không còn đơn đặt hàng từ Samsung. (Ảnh: Industry Week).
Vào tháng 9, Janus đã bán phần lớn vốn chủ sở hữu trong nhà máy Đông Hoản cho Firstar Panel Technology. Một giám đốc điều hành cấp cao xác nhận việc giảm sản xuất là có thật nhưng từ chối bình luận về kế hoạch sa thải nhân viên trong thời gian ngắn.
"Nhà máy không còn hoạt động theo đơn đặt hàng của Samsung. Cho nhân viên nghỉ ngày qua ngày là một phần của việc tối ưu hóa chương trình", ông nói. Vào ngày làm việc đầu tiên của tháng 12, nhiều công nhân đã được nhìn thấy ngồi ngây ngất gần nhà máy, vì không có việc gì để làm.
"Chúng tôi mới đi làm được 4 tiếng sáng nay và sau đó được bảo là có một ngày nghỉ và không cần phải làm việc. Các nhà quản lí cho biết không có đủ nguyên liệu sản xuất", một nữ công nhân ở tỉnh Tứ Xuyên cho biết.
Kể từ tháng trước, 2/3 lực lượng lao động của nhà máy gồm hơn 3.000 người đã được thông báo rằng họ không cần phải làm việc vì nhiều lí do.
Nhà máy Huệ Châu của Samsung khai trương vào tháng 8/1992, bốn ngày trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. (Ảnh: SCMP).
"Chúng tôi cảm thấy nhà máy đang thực hiện một chiến lược cố gắng không cần chính thức sa thải nhân viên. Họ cho phép các quản lí dây chuyền cấp cao nghỉ 3 tháng với thu nhập hàng tháng dưới 283 USD (khoảng 6,5 triệu đồng). Công nhân dây chuyền sản xuất làm việc một ngày và sau đó là 1-2 ngày nghỉ, để chúng tôi không thể kiếm được thu nhập bình thường và buộc phải tự ý rời bỏ công ty", ông Lưu Phương đến từ tỉnh Hà Nam, người đã làm việc tại nhà máy trong hơn 5 năm qua, cho biết.
Theo luật lao động địa phương, người lao động phải làm việc 22 ngày một tháng để nhận mức lương cơ bản hàng tháng khoảng 255 USD. "Nhiều công nhân của chúng tôi làm việc chỉ trong 15 hoặc 16 ngày trong tháng trước. Do không đủ ngày công, nhà máy thậm chí đã khấu trừ tiền lương cơ bản của chúng tôi", ông Lưu nói thêm.