Đối với những gia đình theo đạo Phật, trang trí nhà và bàn thờ Phật vào mỗi dịp lễ Vu Lan là việc làm không thể thiếu, có thể được gọi là truyền thống hàng năm vào mỗi tháng 7 Âm lịch.
Các bước trang trí lễ Vu Lan tại nhà không quá phức tạp. Về cơ bản, các gia đình cần vệ sinh sạch sẽ mặt bàn thờ Phật trước khi bày biện các lễ vật cần có cho ngày Vu Lan, gồm vật phẩm bánh trái, mâm ngũ quả, mâm cỗ (xôi, giò chả, nem, nộm, canh nấm,...), bình hoa cúng,...
Đặc biệt, khi lựa chọn hoa để chưng cúng trong ngày lễ đặc biệt này, các gia đình nên chọn những loài hoa có ý nghĩa trong đạo Phật, điển hình trong đó là hoa huệ - một loài hoa có giá trị tâm linh cao với vẻ đẹp thanh tao và hương thơm ngọt dịu.
Chữ “huệ” trong tên của loài hoa này thường được liên tưởng tới “ân huệ”. Do đó, nhiều người tin rằng, lựa chọn hoa huệ để cắm và trang trí trên bàn thờ vào dịp Vu Lan sẽ rất phù hợp với tinh thần “báo hiếu, báo ân” của ngày lễ này.
Ngoài ra, để trang trí nhà cửa trong dịp Vu Lan, các gia đình còn có thể mua tranh treo tường hoặc các bức thư pháp về cha mẹ, hiếu nghĩa để treo trong nhà, như một cách thể hiện sự hiếu thảo và tình yêu thương không thể phai nhòa đối với gia đình.
Vu Lan được xem là một ngày đại lễ của đạo Phật, do đó được rất nhiều người cả trong và ngoài đạo hưởng ứng.
Trong dịp này, tất cả các cơ sở Phật giáo, từ những ngôi chùa đến các tịnh xá, tự viện, đền thờ,... đều tổ chức lễ báo hiếu và thắp nến tri ân, nhằm gửi tâm niệm thiện lành và cầu nguyện bình an cho cha mẹ, ông bà.
Để thể hiện được tinh thần trang trọng của buổi lễ, các chùa từ lớn đến nhỏ đều vô cùng chú trọng đến khâu trang trí, đặc biệt là ở khu vực lễ đài nơi tổ chức giảng pháp về ý nghĩa của mùa Vu Lan và tụng kinh, thắp nến.
Thông thường, khâu trang trí lễ Vu Lan tại các cơ sở Phật giáo sẽ không thiếu những yếu tố sau:
Phông nền là một trong những phần không thể thiếu khi tổ chức sự kiện lễ Vu Lan báo hiếu. Trên mỗi phong nền thường có tên của chùa và giáo hội Phật giáo quản lý ngôi chùa đó, ngay chính giữa thường là dòng chữ “Kính mừng Đại lễ Vu Lan báo hiếu” hoặc “Mừng Mùa Hiếu Hạnh”.
Đồng thời, hai bên phông nền thường là hình ảnh liên quan đến Phật giáo và hình ảnh về cha mẹ, kèm theo những câu ca dao về tình phụ tử, mẫu tử. Tùy thuộc vào lễ ngoài trời hay trong nhà mà kích thước phông nền được làm tương ứng.
Ngoài ra, để thông tin đến các Phật tử hoặc những ai có ý muốn tham gia lễ Vu Lan báo hiếu, băng rôn cũng là một yếu tố quan trọng, thường được treo trang trí bên ngoài cổng chùa và các khu vực lân cận.
Vào mỗi dịp lễ quan trọng như Vu Lan, các ngôi chùa thường được “phủ kín” bởi các dải cờ Phật giáo treo từ ngoài cổng đến nhiều khu vực trong khuôn viên. Cách làm này mang đến không khí vừa trang nghiêm vừa nhiệt liệt để chào đón Phật tử, người dân nhiều nơi đến hưởng ứng dịp lễ đặc biệt này.
Đèn lồng có in hình Quan Thế Âm Bồ Tát, hoa sen hay ghi chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” là một món đồ trang trí không thể thiếu trong dịp lễ Vu Lan ở các nhà chùa.
Thông thường, đèn lồng hình trụ và hình tròn màu đỏ, vàng được ưa chuộng để treo khắp các lối đi dẫn Phật tử vào chùa, tạo nên khung cảnh lung linh vào ban đêm, mang lại cho người tham gia lễ báo hiếu cảm xúc rưng rưng khó tả.
Nến được đặt trong hoa đăng có thể dùng để trang trí trên các bậc thang, hoặc được sắp xếp thành chữ “Vu Lan” ngay trong khuôn viên chùa. Đây cũng là vật được dùng để dâng lên nguyện cầu cho cha mẹ, người thân trong dịp này.
Từng lon nước, gói bánh, thạch rau câu,... được sắp xếp khéo léo thành tháp và được đặt trong mâm để dâng lên cúng Phật cũng là ý tưởng trang trí cho không gian lễ báo hiếu. Ở mỗi tầng tháp, bạn có thể quấn thêm ruy băng kim tuyến và đính nơ ở phần đỉnh để cho lễ vật trông bắt mắt hơn.
Dịp này, các lẵng hoa với nhiều loại hoa khác nhau cũng được cắm một cách khéo léo để đặt trang trí trên các bàn thờ Phật trong chùa hoặc bên ngoài lễ đài đón người dân tham dự lễ Vu Lan, thường thấy nhất phải kể đến hoa cúc, hoa mẫu đơn, hoa địa lan, hoa mẫu đơn,...
Cùng tham khảo một số hình ảnh trong công tác trang trí lễ Vu Lan sau đây: