Cảm hứng về hai mặt xã hội Mỹ trong phim 'Us'

Sự kiện từ thiện năm 1986 - Hands Across America - là cảm hứng để Jordan Peele làm phim kinh dị ăn khách về chủ đề thiện - ác.

* Bài viết hé lộ một phần nội dung phim

Tác phẩm của đạo diễn Jordan Peele gây sốt phòng vé Bắc Mỹ ngay sau khi phát hành trong tuần qua. Với 70 triệu USD doanh thu cuối tuần đầu, Us là phim kinh dị 18+ mở màn ăn khách thứ ba lịch sử điện ảnh Mỹ, chỉ sau It (2017, 123 triệu USD) và Halloween (2018, 76 triệu USD). Phim được 94% nhận xét tích cực trên Rotten Tomatoes.

Us xoay quanh chủ đề thiện - ác, tốt - xấu. phim được phát triển từ thuyết "những kẻ song trùng", rằng có một thực thể thứ hai của chúng ta với những tính cách hoàn toàn đối lập. Trả lời phỏng vấn đài NPR, Jordan Peele chia sẻ: "Ý tưởng bắt đầu với một nỗi sợ khó lý giải trong tôi, rằng nếu bạn gặp một người giống hết mình trên đường, chắc chắn chỉ có chỗ cho một người. Nó khiến bạn tự hỏi về bản thân, đâu sẽ là một nửa mà tiềm thức bạn lựa chọn và tin tưởng. Theo tôi, thuyết kẻ song trùng tượng trưng cho tất cả thứ người ta giấu đi như sự tội lỗi, sợ hãi, giận dữ, vết thương tinh thần trong quá khứ. Khi bộc phát, chúng xuất hiện một cách điên rồ nhất".

Cảm hứng về hai mặt xã hội Mỹ trong phim Us - Ảnh 1.

Sự kiện từ thiện Hands Across America năm 1986 tại Mỹ. Ảnh: LaTimes.

Mạch truyện Us gần như bắt đầu với hình ảnh một đoạn quảng cáo Hands Across America - chiến dịch từ thiện nổi tiếng được đông đảo người dân Mỹ tham gia vào năm 1986. Tên sự kiện và số năm được nhắc lại nhiều lần, là manh mối quan trọng cho khán giả tiếp cận gần hơn với dụng ý của đạo diễn.

Hoạt động "nối vòng tay lớn" năm 1986 để lại nhiều ý kiến trái chiều trong lòng người dân Mỹ suốt nhiều thập kỷ qua. Ken Kragen, người được biết đến nhiều với vai trò quản lý của ca sĩ huyền thoại Lionel Richie, phát động sự kiện. Mục tiêu của Hands Across America là tạo một hàng dài người nắm tay vòng quanh nước Mỹ nhằm gây quỹ từ thiện cho người vô gia cư. Mỗi người tham gia sự kiện phải đóng góp một khoản tiền từ 10 đến 35 USD và nhận lại một chiếc áo phông.

MV ca khúc gây quỹ - "Voices of America" - với những hình ảnh thực tế của sự kiện.

Chương trình được quảng bá rầm rộ và thu hút gần năm triệu người tham gia, theo hãng thông tấn AP. Rất nhiều nhà chính trị và nghệ sĩ nổi tiếng ủng hộ chiến dịch như Tổng thống Mỹ đương thời Reagan, Công nương Nancy, người dẫn chương trình Oprah Winfrey, danh hài Bill Cosby... Theo tờ New York Times, sự kiện thu về khoảng 34 triệu USD (trong đó có tám triệu tiền tài trợ từ Coca Cola và ngân hàng Citibank). Tuy nhiên, ban tổ chức đã dùng tới hơn 16 triệu USD cho các khoản phí chuẩn bị, quảng bá và vận hành. Điều này khiến sự kiện bị công chúng chỉ trích rất nhiều vì lãng phí và bị nghi ngờ về mục đích thực sự của chiến dịch.

Đạo diễn Peele chia sẻ với Vanity Fair cảm hứng từ sự kiện: "Nó vẽ nên một hình ảnh nước Mỹ đầy lạc quan và hy vọng, có thể giải quyết mọi vấn đề chỉ bằng việc nắm-tay-nhau. Nó là một hành động đẹp. Tuy nhiên, chúng ta không chấm dứt nạn đói hay mọi vấn đề khác chỉ bằng hành động nắm tay".

Cũng năm 1986, thảm họa rơi tàu con thoi Challenger ở Mỹ cũng là lý do để đạo diễn bắt đầu làm phim kinh dị. "Thập niên 1980 tại Mỹ có những hình ảnh hết sức đẹp đẽ và hạnh phúc đi kèm với sự thật đen tối và nghiệt ngã đằng sau", đạo diễn nhận xét.

"Hands Across America" trong Us

Jordan Peele đã lột tả hai mặt tốt - xấu của sự kiện từ thiện qua trí tưởng tượng của anh. Trong phần đầu bộ phim, sau khi xem đoạn quảng cáo về chương trình trên tivi, nhân vật Adelaide có những lần chạm trán song trùng của mình - người tự nhận là Red. Cuộc cách mạng của nhân vật Red được biểu hiện với hình ảnh cô treo chiếc áo phông cổ động của Hands Across America lên tường. Nhiệm vụ của những kẻ song trùng là giết phiên bản chính (hoặc tất cả ai chúng tìm thấy) và tạo thành một bức tường tay nắm tay nhau kéo dài khắp nước Mỹ.

Cảm hứng về hai mặt xã hội Mỹ trong phim Us - Ảnh 3.

Hình ảnh "nối vòng tay lớn" xuyên suốt trong cuộc cách mạng của nhân vật Red. Ảnh: Popsugar.

Trang phê bình phim Inverse nhận định câu chuyện trên là một phiên bản bạo lực hóa của sự kiện ngoài đời. Peele biến một hoạt động được công chúng thấy tốt đẹp thành một cuộc cách mạng của những kẻ sống ngoài vòng xã hội.


Nút thắt của bộ phim nằm ở tình tiết cuối, khi đạo diễn để kẻ song trùng đã đổi chỗ cho Adelaide kể từ năm 1986, và Red hiện tại mới là Adelaide thật suốt từ đầu câu chuyện. Ký ức hiếm hoi cô có được khi còn sống cùng con người là đoạn quảng cáo về Hands Across America nên cô đã dành cả phần đời còn lại lên kế hoạch cho một việc tương tự.

Cảm hứng về hai mặt xã hội Mỹ trong phim Us - Ảnh 4.

Đạo diễn Jordan Peele tái hiện hình ảnh Hands Across America trong bộ phim. Ảnh: Vanity Fair.

"Về cái tên Us, có lẽ nhiều người sẽ gợi nhớ tới nước Mỹ (United States). Tôi nghĩ sự song song về đức tin và những 'con quỷ' của xã hội Mỹ được phô bày qua bộ phim", Peele chia sẻ với NPR. Anh cũng cho rằng các lớp nghĩa của phim có thể hiểu rộng hơn thế. Us không chỉ là nước Mỹ, nó có thể là gia đình, nơi chốn, dân tộc và cả nhân loại.


"Bên cạnh đó, khi nhắc đến Us (chúng ta), mọi người chắc chắn sẽ nghĩ đến Them (bọn họ). Tôi nghĩ đó là cách hiểu cơ bản nhất của từ này. Bộ phim, đối với riêng tôi, là bất kể Us của bạn là ai, con người thường có xu hướng biến những Them kia trở thành kẻ thù. Tuy nhiên, đôi khi chính chúng ta có thể là kẻ thù lớn nhất của bản thân mà ta không hay biết", đạo diễn chia sẻ. Với chiều sâu triết lý, có thể khẳng định Us của Jordan Peele không chỉ dừng lại là một bộ phim kinh dị đơn thuần như đạo diễn từng giới thiệu.

Bạn đã biết hết về giai điệu ám ảnh trong siêu phẩm kinh dị "Us"?Bạn đã biết hết về giai điệu ám ảnh trong siêu phẩm kinh dị 'Us'? Siêu phẩm kinh dị "Us" và những yếu tố làm nên thành côngSiêu phẩm kinh dị 'Us' và những yếu tố làm nên thành công Review phim Us: Giải mã những chi tiết thâm thúy được đạo diễn ẩn giấu trong tác phẩmReview phim Us: Giải mã những chi tiết thâm thúy được đạo diễn ẩn giấu trong tác phẩm

chọn
Cận cảnh lô đất vàng quy hoạch cho Vietcombank ở khu đô thị mới Cầu Giấy
Ngân hàng Vietcombank sở hữu mảnh đất khoảng 5.054 m2 để xây dựng tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc ở khu đô thị mới Cầu Giấy.