Cuộc thi "ao làng"?
Vừa qua, tin cựu diễn viên, người mẫu Phi Thanh Vân giành vương miện tại cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt 2017 tại Mỹ khiến nhiều người sửng sốt. Nữ diễn viên chưa xin giấy của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), đồng thời chưa có danh hiệu sắc đẹp trước đó ở Việt Nam.
Được biết, đây là cuộc thi dành cho các quý bà người Việt thành đạt trên toàn cầu. Cuộc thi này được tổ chức tại Mỹ và chỉ có 20 thí sinh tham gia. Sau khi Phi Thanh Vân đăng quang, nhiều người mới biết đến là có cuộc thi này. Bởi vậy, không ít ý kiến nghi ngờ, liệu đây có phải là một cuộc thi chỉ mang tính chất “ao làng” như một số cuộc thi sắc đẹp Việt toàn cầu trước đây?
Phi Thanh Vân vốn xuất thân là một người mẫu, diễn viên. Cô bắt đầu nổi tiếng từ khi công khai mình phẫu thuật thẩm mỹ, vì thế cô còn được gọi là "người đẹp dao kéo". Không những thế, những năm gần đây Phi Thanh Vân còn liên tục "trùng tu" nhan sắc, tất cả đều được cựu người mẫu công khai trên các phương tiện truyền thông.
Cựu người mẫu, diễn viên Phi Thanh Vân gây sốc dư luận khi đăng quang "Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt 2017". Ảnh: TL
Kể cả trên sân khấu cuộc thi Doanh nhân Thế giới người Việt 2017 tại Mỹ, Phi Thanh Vân cũng không ngại tuyên bố: "Tôi đã nhờ tới phẫu thuật thẩm mỹ để xinh đẹp hơn. Tôi đã trải qua cuộc đại phẫu để có 3 vòng lý tưởng trước khi tham gia cuộc thi này". Trong khi hầu hết các cuộc thi sắc đẹp người ta đề cao vẻ đẹp tự nhiên, hầu như không được phép phẫu thuật thẩm mỹ thì ở cuộc thi này câu trả lời của Phi Thanh Vân lại được đánh giá là chân thành và thuyết phục được các giám khảo và nhờ vậy dễ dàng đăng quang Mrs Business Vietnamese America 2017.
Từ quy mô cuộc thi, thí sinh được chọn và vị trí Hoa hậu vừa đăng quang không khỏi khiến dư luận nghi ngờ về tính chất cuộc thi. Nhiều người còn nhận định, cựu người mẫu đã “bỏ tiền mua giải” để lấy danh(?).
Tuy nhiên, đáp trả những nghi ngờ ấy, Phi Thanh Vân cho biết: "Tôi nghĩ, những người cứ đồn đoán, thêu dệt chuyện mua giải chắc là rất rỗi hơi, không có chuyện gì khác để làm hoặc là họ tự ti, ganh ghét với thành công của người khác. Bản thân họ có gì chưa mà bình luận như thế hay chỉ nói suông cho thỏa mãn lòng đố kỵ của mình. Tại sao mọi người không chúc mừng, tôn vinh người chiến thắng mà lại thích vạch lá tìm sâu, soi mói để dìm người ta xuống".
Diễn viên phim “Cô gái xấu xí” còn phủ nhận các ý kiến cho rằng cô thi Hoa hậu "chui" bởi cô không đại diện cho một tổ chức hay đơn vị, mà chỉ đến Mỹ với tư cách cá nhân. "Tôi nghĩ, mình không vi phạm quy chế nào cả", cô nói.
Tuy đáp trả mạnh mẽ như vậy nhưng Phi Thanh Vân vẫn có khả năng đối mặt với án phạt từ Cục Nghệ thuật biểu diễn. Bởi theo quy định hiện hành, người đẹp ra nước ngoài dự thi nhan sắc phải là thí sinh đã đạt danh hiệu tại một cuộc thi sắc đẹp trong nước. Đồng thời, thí sinh cần được một tổ chức trong nước có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật làm đại diện, thực hiện thủ tục giấy phép dự thi.
Sáng 5/12, trả lời báo giới, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Cục đang trao đổi về vụ việc với Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM - đơn vị quản lý, cấp phép cho các thí sinh tại TPHCM.
Các cuộc thi sắc đẹp Việt ngày càng “mất giá”
Việc Phi Thanh Vân đăng quang Hoa hậu khiến không ít người ngỡ ngàng. Luận về sắc đẹp thì cô nổi tiếng là một người đẹp “dao kéo”, nghĩa là nhan sắc không còn tự nhiên. Luận về thành tích thì cựu người mẫu chưa hề đăng quang một cuộc thi sắc đẹp nào ở trong nước, vậy mà lại “mang chuông đi đánh xứ người”. Chưa kể đến đời tư của Phi Thanh Vân gắn với nhiều tai tiếng, scandal và những phát ngôn gây sốc. Vậy nhưng, Phi Thanh Vân lại đăng quang giải cao nhất một cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài thì thật không thể hiểu được!
Thời gian gần đây, không chỉ cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt 2017 gây tranh cãi về ngôi vị Hoa hậu mà hàng loạt các cuộc thi sắc đẹp Việt trong nước lẫn ở nước ngoài cũng gây xôn xao với ngôi vị cao nhất.
Mới đây nhất, ở cuộc thi Hoa hậu Đại dương, thí sinh Lê Âu Ngân Anh đăng quang Hoa hậu đã làm nổ ra một cuộc tranh cãi nảy lửa. Đại bộ phận khán giả bất bình và khẳng định cô không xứng đáng với ngôi vị Hoa hậu. Tốt nghiệp trường quốc tế ở TPHCM và dự định học Master tại Anh, Ngân Anh được Ban Tổ chức giới thiệu thành thạo nhiều ngoại ngữ, tuy nhiên phần thi ứng xử bằng tiếng Anh của cô lại khá lắp bắp và thiếu trôi chảy.
Không những thế, nhan sắc của cô cũng bị "ném đá" nặng nề. Nhược điểm lớn nhất trên gương mặt Lê Âu Ngân Anh là bờ môi. Đáng chú ý, ngay sau khi cuộc thi kết thúc, Ngân Anh còn thừa nhận từng phẫu thuật nâng mũi nhưng đã rút sụn để tham gia Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017.
Ngân Anh không phải Hoa hậu duy nhất gây thất vọng về nhan sắc khi mới đăng quang. Trước cô, Hoa hậu Kỳ Duyên, Thùy Dung, Ngọc Hân, Mai Phương Thúy cũng đã từng bị dư luận chê bai lúc đăng quang bởi sắp đẹp quá tầm thường. Mặc dù sau đó, những người đẹp này đã cải thiện rất nhiều về nhan sắc nhưng khán giả vẫn lắc đầu ngao ngán với các cuộc thi.
Chưa kể, những người đẹp đầy tai tiếng cũng có thể đăng quang Hoa hậu dễ dàng. Chẳng hạn như “Nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh từng đăng quang Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu 2011.
Tính từ thời điểm đăng quang cũng đã hơn 6 năm, nhưng đến hiện tại, người ta cũng không gọi tên Ngọc Trinh kèm danh xưng Hoa hậu. Bởi quy mô và bản chất của cuộc thi này không mang giá trị "hoàn cầu" như tên gọi mà thực chất chỉ là một "cuộc thi ao làng" theo cách ví von của nhiều người.
Không những vậy, ngay tại thời điểm đăng quang, những scandal bủa vây cũng khiến Ngọc Trinh trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận. Những hình ảnh "trác táng trên bar" của Ngọc Trinh liên tục bị rò rỉ. Việc chỉ học hết lớp 9 và hàng loạt phát ngôn gây "bão" dư luận cũng khiến công chúng cảm thấy hai chữ "Hoa hậu" quá sức với Ngọc Trinh.
Việc những thí sinh “không đạt chuẩn” đăng quang ngày càng nhiều khiến công chúng mất niềm tin vào các cuộc thi Hoa hậu. Chưa kể, những lùm xùm mua giải bủa vây khiến những cuộc thi sắc đẹp ngày càng “mất giá” trầm trọng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng đã đến lúc cần vào cuộc gắt gao, quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với các cuộc thi sắc đẹp để lấy lại tầm vóc mà nó xứng đáng. Từ đó, chọn ra những người đẹp thực sự xứng tâm để đăng quang.
Nói về danh hiệu của Phi Thanh Vân, Hoa hậu Đông Nam Á Phan Hoàng Thu thẳng thắn chia sẻ: “Thực tình, tôi cũng có chút xấu hổ khi phải dùng chung hai từ “Hoa hậu” với những cuộc thi “ao làng” và người đoạt giải của các cuộc thi đó. Có người nói vui với tôi rằng, giờ ném viên gạch lên trời, rơi xuống, ít nhất phải chục cô Hoa hậu bị thương. Danh hiệu Hoa hậu vốn rất khó khăn mới có được, giờ bị đánh đồng, về Việt Nam vẫn các báo tung hô, nghĩ cũng buồn”.
Khi được hỏi “với những danh hiệu “ao làng” nhưng vẫn được gọi là Hoa hậu thì chị có thấy bị xúc phạm?”, Phan Hoàng Thu nói: “Chắc chắn là có rồi. Nó thiếu công bằng giống như việc bỏ công sức 5 năm học trên ghế nhà trường để lấy được tấm bằng Cử nhân Đại học và việc bỏ tiền ra mua bằng vậy. Rồi khán giả sẽ dễ bị đánh tráo khái niệm, mập mờ giữa một cuộc thi chính thống cấp quốc gia, quốc tế với cuộc thi “ao làng” nào đó”.