Nhiều trẻ nhập viện do bùng phát dịch sốt xuất huyết. |
Nguy cơ các bệnh truyền nhiễm tại trường học
Theo bác sĩ Nguyễn Đông, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt Đới Khánh Hòa thì nguyên nhân chính khiến học sinh, nhất là ở cấp mầm non, tiểu học mắc bệnh truyền nhiễm khi bắt đầu năm học mới là đúng vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Bên cạnh đó, do thay đổi sinh hoạt từ nhà sang trường học khiến trẻ mải chơi đùa ăn ít, cùng với sự thay đổi tâm lý dễ khiến trẻ mệt mỏi, sức đề kháng sẽ kém hơn.
Đặc biệt, vào thời điểm đi học, số lượng trẻ đông, nếu có trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm dễ lây như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, tiêu chảy… sẽ là điều kiện tốt để bệnh lây lan và bùng phát thành dịch.
Dịch sốt xuất huyết thời gian vừa qua gia tăng bất thường tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Khánh Hòa. Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.500 ca mắc bệnh SXH, trong đó có 1 ca tử vong; tỷ lệ mắc/100.000 dân toàn tỉnh là 103 ca. 2 địa phương có số ca mắc cao, dịch diễn biến phức tạp là TP. Nha Trang (hơn 680 ca) và huyện Diên Khánh (330 ca), cao gấp nhiều lần so với các địa phương khác.
Để phòng chống bệnh này, giáo viên và phụ huynh học sinh cần thực hiện các biện pháp diệt muỗi, loăng quăng tại các hộ gia đình và trong trường học. Hàng tuần thực hiện tốt vệ sinh trường học, thu gom, loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, không để vật chứa đựng đọng nước mưa.
Đối với bệnh tay chân miệng, bệnh nhân vào điều trị thường rải rác quanh năm, không theo tính chất mùa. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút đường ruột gây ra, dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa do tiếp xúc, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa bệnh.
Cùng với đó, một số bệnh về đường hô hấp như cúm, cảm lạnh, viêm họng... cũng là một trong những bệnh có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc. Do đó bệnh có thể tạo thành dịch nếu không được kiểm soát tốt, đặc biệt trong thời điểm học sinh bước vào năm học mới.
Các trường học cũng cần tăng cường phòng, chống bệnh tật học đường, kiểm soát và hạn chế một số yếu tố nguy cơ của các bệnh, tật học đường phổ biến hiện nay như: cận thị, cong vẹo cột sống, bệnh răng, miệng và các bệnh dịch mới xuất hiện. |
Nâng cao ý thức phòng chống bệnh tật học đường
Học sinh dọn dẹp vệ sinh trường học, phòng chống dịch bệnh. |
Việc phòng chống các bệnh tật lây nhiễm nơi trường học, đảm bảo sức khỏe học sinh là hết sức quan trọng, góp phần không nhỏ tạo nên thành công cho cả năm học.
Để đối phó với nguy cơ lây nhiễm bệnh tật nơi học đường, các cơ sở giáo dục, trường học cần tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, bảng tin nhà trường, trong các buổi sinh hoạt tập thể, qua sổ liên lạc giữa nhà trường và gia đình... về nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh, nâng cao nhận thức và ý thức phòng, chống dịch bệnh của giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Hiện nay Sở GD&ĐT Khánh Hòa đang phối hợp với Sở Y tế tăng cường tập huấn cho cán bộ y tế các cấp phác đồ điều trị, giám sát xử lý các dịch bệnh nguy hiểm; tập huấn cho nhân viên y tế trường học, giáo viên về phát hiện và xử lý các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm; xây dựng hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ y tế trường học, trong đó lên kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn giáo viên và học sinh tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại các trường học. Các trường học phải theo dõi sát sao sĩ số học sinh, biểu hiện sức khỏe của học sinh trong từng ngày học; nếu phát hiện học sinh có biểu hiện sốt, phát ban hoặc có biểu hiện bất thường về sức khỏe kịp thời phối hợp với phụ huynh để cách ly; đưa học sinh đến cơ sở y tế khám, theo dõi. |
XEM THÊM
Tăng cường công tác phòng chống bệnh Sởi tại các cơ sở y tế
Trước tình hình một số trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Sởi, được cho là ... |
Gia tăng bệnh truyền nhiễm ở trẻ
Thời gian gần đây, số ca trẻ em bị mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có chiều hướng gia ... |
Cảnh báo: Mùa tựu trường cũng là 'mùa' dịch tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và tháng 9-10. Thời điểm giao mùa hiện ... |
Cảnh báo dịch sởi tăng đột biến tại các tỉnh phía Nam
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại diện sở Y tế TP.HCM cho biết, trong những ngày qua, tại bệnh viện Nhi đồng ... |
'Hành trang sức khỏe' cho con trẻ trong mùa tựu trường
Mùa tựu trường cũng chính là thời điểm giao mùa Hè – Thu, lúc này thời tiết có nhiều thay đổi thất thường và hay ... |