Theo New York Times, những ngày này khẩu trang, găng tay, máy thở và các thiết bị, vật tư y tế khác còn quý hơn vàng. Chính phủ nhiều quốc gia sẵn sàng trả gấp ba giá thị trường để giành mua hàng từ những nước khác. Lời tố cáo nạn "cướp biển thời đại dịch" vang lên.
Trong thời điểm Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) cạnh tranh dữ dội để thiết bị, vật tư y tế vì nguồn cung khan hiếm, các nước nghèo bị đá văng khỏi cuộc đua. Mới đây, các nhà sản xuất thông báo với một số nước châu Phi và Mỹ Latinh rằng sẽ không thể giao những đơn hàng bộ xét nghiệm trong vòng nhiều tháng.
Nguyên nhân là chuỗi cung ứng đang bị đảo lộn và hầu như mọi thiết bị, vật tư họ đang sản xuất đều được Mỹ và các nước châu Âu mua sạch. Các nước này sẵn sàng trả mức giá cao hơn bình thường với mọi mặt hàng, từ bộ xét nghiệm đến khẩu trang.
Nhu cầu khẩu trang bùng nổ và những méo mó trên thị trường tư nhân buộc một số nước đang phát triển phải cầu cứu UNICEF. Ông Eussyva Kadilli, người giám sát nguồn cung vật tư tại UNICEF, cho biết đang nỗ lực thu gom 240 triệu khẩu trang để hỗ trợ 100 quốc gia. Nhưng cho đến nay, tổ chức này mới chỉ mua được khoảng 28 triệu chiếc.
"Một cuộc chiến đang âm thầm bùng nổ và chúng tôi lo ngại các nước nghèo sẽ thua trắng", New York Times dẫn lời bác sĩ Catharina Boehme, CEO Tổ chức Chẩn đoán Sáng tạo mới, là đơn vị hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để hỗ trợ các quốc gia nghèo trong đại dịch.
Tại châu Phi, Mỹ Latinh và một phần châu Á, nhiều quốc gia gặp khó khăn với hệ thống y tế nghèo nàn, mong manh và luôn trong tình trạng thiếu thiết bị, vật tư y tế. Một nghiên cứu gần đây cho thấy tại một số nước, tỉ lệ giường bệnh chăm sóc tích cực là 1 giường/1 triệu người.
HIện, số người nhiễm Covid-19 và thiệt mạng ở các nước đang phát triển thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu. Nhưng các chuyên gia lo ngại đại dịch Covid-19 có thể sẽ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề ở các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Xét nghiệm là lá chắn đầu tiên chống đại dịch. Rất nhiều nhà sản xuất muốn hỗ trợ, nhưng ngành công nghiệp sản xuất thiết bị xét nghiệm và thuốc thử đang "chóng mặt" với nhu cầu bùng nổ khắp mọi nơi trên thế giới.
"Chưa bao giờ thế giới thiếu thuốc thử như hiện nay", bà Doris-Ann Williams, CEO Hiệp hội Chẩn đoán Thí nghiệm Anh, nói: “Nếu dịch bùng lên ở một quốc gia thì không vấn đề gì, nhưng mọi quốc gia lớn đều đang cần nguồn cung y tế giống nhau, cùng lúc”.
Bác sĩ Boehme cho rằng đối với các nước nghèo, "cuộc chiến khẩu trang" có thể là một thảm họa, bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị bóp nghẹt trong cuộc tranh giành nguồn lực y tế. "Lãnh đạo nhiều nước gọi trực tiếp cho giám đốc hãng sản xuất để mua hàng, thậm chí đề nghị gửi máy bay cá nhân tới chở hàng", bác sĩ Boehme kể.
Tại Brazil, bác sĩ Amilcar Tanuri không có máy bay tư nhân để tham gia vào cuộc đua. Một nửa trong số các phòng thí nghiệm do ông Tanuri quản lí tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro không thể hoạt động vì thiếu thuốc thử hóa học. Chúng bị Mỹ và các nước châu Âu mua hết.
Ông muốn có 200 mẫu xét nghiệm mỗi ngày, nhưng bất lực. "Nếu không thể xét nghiệm, chúng tôi sẽ như người mù. Dịch chưa đạt đỉnh và tôi lo ngại hệ thống y tế công của Brazil sẽ sớm rơi vào hỗn loạn nhanh chóng", bác sĩ Tanuri lo ngại.
Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực Mỹ Latinh, với hơn 10.000 ca dương tính với Covid-19 và ít nhất 23.000 trường hợp nghi nhiễm chưa được xét nghiệm. Tình hình cũng nguy cấp tương tự tại các nước châu Phi.
Nam Phi có mạng lưới hơn 200 phòng thí nghiệm công cộng để ứng phó với đại dịch Covid-19. Nhưng giống như Brazil, Nam Phi phụ thuộc vào thuốc thử hóa học từ các nhà sản xuất quốc tế. Tiến sĩ Francois Venter, chuyên gia chính phủ về bệnh truyền nhiễm, mô tả cuộc đua giành thuốc thử đe dọa nỗ lực chống dịch của Nam Phi. "Chúng tôi đang sợ hãi", ông nói.
Zambia đang vật lộn tìm mua khẩu trang, băng gạc và thuốc thử. Khi đặt mua khẩu trang N95 từ môi giới, chính quyền Zambia bị hét giá cao gấp 5-10 lần. Lô hàng này sau đó bị phát hiện hết hạn vào năm 2016. Một số nhà sản xuất thừa nhận không thể giao hàng cho Zambia, vì Mỹ và châu Âu đã mua hết.
“Rất khó để các nước nghèo đàm phán với nhà sản xuất khi các nước giàu có cũng tiếp cận họ. Nhà cung cấp tư nhân sẽ đáp ứng người trả giá cao nhất. Đó là bản chất kinh doanh”, bác sĩ Charles Holmes thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm Zambia than thở.
"Bệnh truyền nhiễm đe dọa mọi quốc gia. Các nước giàu có nghĩa vụ hỗ trợ những quốc gia nghèo hơn đang gặp khó khăn. Bởi họ cũng sẽ có lợi nếu đảm bảo các nước đang phát triển kiềm chết thành công dịch bệnh", bác sĩ Holmes nhấn mạnh.
Trên thực tế, bà Doris-Ann Williams cho biết ngành công nghiệp y tế không hề thiếu thuốc thử. Tuy nhiên, hệ thống cung cấp đang bị rối loạn vì nhu cầu tăng đột biến ở mọi quốc gia. “Không phải các nhà sản xuất chỉ muốn bán cho các nước giàu", ông Paul Molinaro, người đứng đầu bộ phận cung ứng và hậu cần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giải thích.
"Họ muốn đang dạng hóa khách hàng, nhưng rất nhiều chính phủ đang cạnh tranh dữ dội để mua được thiết bị, vật tư y tế. Trong cuộc cạnh tranh dữ dội và giá tăng cao như hiện nay, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thường phải xếp sau so với những nước có thế mạnh tài chính”, ông Molinaro nói.
Một số công ty tư nhân đã bỏ qua yếu tố lợi nhuận để giúp các nước nghèo. Mologic, nhà sản xuất bộ thử nghiệm tại Anh, đang phát triển bộ xét nghiệm virus corona trong 10 phút với giá sản xuất chưa đầy 1 USD. Hãng đồng ý chia sẻ công nghệ với Viện Nghiên cứu Pasteur de Dakar (Senegal) để chống dịch Covid-19 ở châu Phi.
Tiêu dùng 08:16 | 13/06/2020
Tiêu dùng 12:41 | 06/06/2020
Tiêu dùng 05:43 | 24/05/2020
Tiêu dùng 14:51 | 21/05/2020
Tiêu dùng 12:31 | 04/05/2020
Tiêu dùng 05:40 | 04/05/2020
Tiêu dùng 18:41 | 02/05/2020
Kinh doanh 18:31 | 30/04/2020