Vì sao khẩu trang y tế thiếu trầm trọng trên toàn thế giới?

Chính phủ các nước đã và đang ban hành các hàng rào thương mại để hạn chế xuất khẩu khẩu trang y tế và mặt nạ phòng độc, nhằm bảo vệ nguồn cung trong nước trước đại dịch Covid-19. Việc này có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Dựng hàng rào thương mại để ngăn cản việc xuất khẩu khẩu trang y tế, có nên hay không? - Ảnh 1.

(Ảnh: The Economist)

Tại Mỹ, việc các công dân đổ xô đi mua dự trữ thực phẩm và giấy vệ sinh đã gây nên những bất cập đáng lo ngại cho nước này. Vấn đề ngày càng tồi tệ hơn khi chính phủ Mỹ dựng lên các hàng rào bảo vệ đối với mặt hàng thiết bị y tế. Do sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã khiến cho hàng hóa này hết một cách nhanh chóng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng việc cung ứng các hàng hóa như mặt nạ phòng độc và khẩu trang y tế sẽ không thể bắt kịp được với nhu cầu cấp thiết hiện nay. Không sớm thì muộn, các bộ đồ và kính mắt bảo hộ có sẵn trên thế giới cũng sẽ không đủ dùng. 

Chính phủ của một số nước đã đưa ra các rào cản thương mại nhằm bảo vệ nguồn cung của các mặt hàng này trong nước. Theo một báo cáo mới từ Global Trade Alert (một ban giám sát chính sách thương mại tại Đại học St Gallen, Thụy Sỹ) cho biết đến ngày 11/3, có 24 nước đã ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu các thiết bị y tế, thuốc men hoặc các nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng này.

Người dân bắt đầu dự trữ hàng hóa từ rất sớm. Chính phủ Trung Quốc đã mua lại khẩu trang sản xuất tại nước này khi dịch Covid-19 đang diễn ra, điều này đã khiến cho các quốc gia khác không thể đặt được đơn hàng nào từ phía Trung Quốc. Vào ngày 3/3, Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron, cũng đã tuyên bố: Nhà nước sẽ tịch thu tất cả các khẩu trang y tế và hạn chế bán mặt hàng này ra nước ngoài.

Các công ty của Đức muốn xuất khẩu khẩu trang thì cần phải có sự chấp thuận của chính phủ, kể cả khi nó có xuất khẩu trong khối Liên minh châu Âu hay không. Hàn Quốc cũng đã cấm xuất khẩu khẩu trang và các vật liệu được sử dụng để sản xuất mặt nạ phòng độc. Các quốc gia khác có ít người mắc Covid-19 cho đến thời điểm này, bao gồm Nga (20 trường hợp vào ngày 11/3), Bulgaria (6 trường hợp) và Morocco (5 trường hợp), cũng đang áp dụng các hạn chế đối với mặt hàng này.

Các lệnh hạn chế được ban hành với mục đích để đảm bảo cho công dân trong nước được hưởng những thứ họ cần là điều dễ hiểu. Một phần nó cũng có ý nghĩa ưu tiên cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe có nguy cơ bị lây nhiễm cao. Jens Spahn, Bộ trưởng Y tế Đức, đã phát biểu trong một cuộc họp với các thành viên khối EU vào ngày 6/3, rằng: Nguồn cung hàng hóa sẽ không tới tay người đang cần nhất, mà là nơi người ta trả nhiều tiền nhất.

Tuy vậy, các rào cản thương mại có những rủi ro khá nghiêm trọng. Thứ nhất, việc đặt kho dự trữ ở một nơi duy nhất có thể ngăn cản nguồn cung ứng tới những nơi khác. Jennifer Ehrlich thuộc tập đoàn đa lĩnh vực 3M (một trong những nhà sản xuất mặt nạ phòng độc lớn nhất), cho biết: Doanh nghiệp đã tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hiện nay. Tuy nhiên, do việc sản xuất bị địa phương hóa, các hạn chế thương mại đã ngăn cản hàng cung ứng chuyển đến nhanh chóng tới nơi cần thiết nhất.

Thứ hai, việc hạn chế xuất khẩu "làm giảm động lực gia tăng sản lượng", theo lời ông Simon Evenett thuộc Đại học St Gallen. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên toàn cầu. Ông gợi ý rằng nếu các chính phủ chỉ đơn giản là chi nhiều tiền hơn, thay vì dựng lên các rào cản, thì họ sẽ đảm bảo được nguồn cung ứng.

Rủi ro thứ ba là các hạn chế thương mại mở đầu cho một vòng luẩn quẩn, và sẽ gây nên áp lực nhiều hơn. Thực tế, khi các nước đang phát triển áp dụng các hạn chế xuất khẩu để đối phó với giá lương thực tăng cao vào cuối những năm 2000, nó đã gây ra một hiệu ứng domino, khi các chính phủ nước khác phản ứng lại bằng cách hạn chế nguồn cung vào thị trường, việc này đã làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Theo Global Trade Alert, các hạn chế xuất khẩu đã gia tăng khi dịch Covid-19 lan rộng. Sự việc gần đây nhất là chính phủ Ukraine hôm 11/3 đã cấm xuất khẩu hàng hóa để chống dịch bệnh cho đến ngày 1/6. Nhiều quốc gia khác cũng đang xem xét ban hành các cơ chế kiểm soát.

Bất chấp lời kêu gọi từ WHO tới các quốc gia nhằm mục tiêu hợp tác để giải quyết sự việc, vấn đề này ngày càng trở nên khó giải quyết hơn, ngay cả ở trong khối thương mại gần gũi như EU. Nếu hiện tại các quốc gia không đoàn kết với nhau, điều gì sẽ xảy ra với các nước chậm phát triển hơn, có hệ thống chăm sóc sức khỏe nghèo nàn hơn và dễ bị tấn công hơn? 

Các chính sách thương mại làm hại láng giềng sẽ không bao giờ có một cái kết tốt đẹp.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.