Cập nhật tình hình virus corona ở Việt Nam sáng 23/4: Tròn 1 tuần không có ca nhiễm mới, 83% số bệnh nhân đã khỏi bệnh

Tình hình virus corona tại Việt Nam sáng 23/4, tổng số người nhiễm Covid-19 là 268 ca, trong đó đã có 223 ca khỏi bệnh/xuất viện.

Cập nhật tình hình dịch viêm phổi corona tại Việt Nam

Theo bản tin 6h sáng nay (23/4) của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết không có ca mắc mới Covid-19 nào. Như vậy, đến nay đã tròn 1 tuần, Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19.

Cập nhật tình hình virus corona ở Việt Nam sáng 23/4: Tròn 1 tuần không có ca nhiễm mới, 83% số bệnh nhân đã khỏi bệnh - Ảnh 1.

Diễn biến số ca nhiễm mới ghi nhận thêm mỗi ngày từ 6/3 đến 23/4 ở Việt Nam (Nguồn: Bộ Y tế).

Như vậy, tính từ sáng ngày 16/4 đến nay đã 1 tuần liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 (tính riêng từ ngày 14/4 đến nay là bước sang ngày thứ 10, cả nước chỉ ghi nhận 3 ca mắc).

Tổng số ca nhiễm hiện vẫn là 268 trường hợp, trong đó có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%) và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,3%). 223/268 bệnh nhân đã được điều trị khỏi/xuất viện (chiếm 83% tổng số bệnh nhân), chưa ghi nhận ca tử vong nào.

Trong vòng 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, từ 1/4 đến 15/4, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm chỉ ghi nhận 62 ca bệnh. So sánh cùng khoảng thời gian trước đó (153 trường hợp mắc từ 16/3 đến 31/3), số trường hợp mắc giảm 59,5%, số mắc trung bình theo ngày giảm 6 trường hợp.

Các trường hợp mắc mới, đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bắt đầu có xu hướng chững lại từ sau 27/3 và giảm mạnh từ sau ngày 1/4. Đặc biệt, tính từ 16/4 đến nay Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.

Việc thực hiện cách li xã hội đã nhận được sự đồng tình của mọi người dân được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao như Tổ chức y tế thế giới.

Cập nhật tình hình virus corona ở Việt Nam sáng 23/4: Tròn 1 tuần không có ca nhiễm mới, 83% số bệnh nhân đã khỏi bệnh - Ảnh 2.

Tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam (Nguồn: Bộ Y tế).

11 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 từ 1 đến 2 lần

Hiện tại còn 45 bệnh nhân đang được điều trị tại 08 cơ sở y tế, trong đó: 39 bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương; 4 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh; 2 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện tuyến huyện.

Trong đó, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 3 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 8 ca.

Tình hình điều trị của 3 ca nặng:

- Bệnh nhân 19: thở máy qua ống mở khí quản, phổi còn tổn thương nhưng oxy hóa máu đã cải thiện. Tim còn rối loạn nhịp, nhưng mức độ nhẹ hơn, huyết áp ổn định, tri giác tốt, giao tiếp được, không phù, đi tiểu nhiều. Ăn qua ống thông dạ dày, không trào ngược, không có tình trạng xuất huyết, không sốt.

- Bệnh nhân 161: còn thở máy qua ống mở khí quản, thông khí 2 bên rõ, phổi tiến triển tốt, ngày qua tiếp tục cho bệnh nhân tập tự thở qua máy. Tim mạch bình thường, huyết áp bình thường. Gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm, ăn tiêu qua sonde, không có biểu hiện xuất huyết, không sốt.

- Bệnh nhân 91: Hiện bệnh nhân nằm yên/an thần, không sốt, thở máy. Không chảy máu mũi miệng, hút đàm có ít máu; tiểu nhiều 3000ml/24 giờ. Vấn đề hiện tại: Rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn. X-Quang phổi không tổn thương xấu thêm.

Cập nhật tình hình virus corona ở Việt Nam sáng 23/4: Tròn 1 tuần không có ca nhiễm mới, 83% số bệnh nhân đã khỏi bệnh - Ảnh 3.

Tình hình cách li tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Y tế).

Số người cách li: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li): 68.081, trong đó: Cách li tập trung tại bệnh viện: 369; Cách li tập trung tại cơ sở khác: 18.600; Cách li tại nhà, nơi lưu trú: 49.112.

Đánh giá về những tín hiệu tích cực trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng: Trong hơn 6 ngày qua, Việt Nam không có ca mắc mới, đã khống chế được các ổ dịch. Tình hình các ca bệnh nhập cảnh hoặc lây lan đều đã được chống chế nhưng tình hình dịch nói chung vẫn còn phức tạp. Trên thế giới vẫn có nhiều người mắc bệnh, người chết vì Covid-19, nguy cơ bệnh xâm nhập Việt Nam là vẫn còn, kể cả các trường hợp qua đường mòn lối mở...

Người dân cả nước, nhất là các địa phương nguy cơ thấp, không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

"Người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đó là: đeo khẩu trang; tránh giao tiếp quá gần; không tập trung đông người, trong đó đặc biệt lưu ý đối tượng người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính; không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết và thực hiện khai báo y tế"- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Quyết định dừng cách li xã hội trên toàn quốc, trừ một số huyện có nguy cơ cao

Chiều nay 22/4, Thủ tướng Chính phủ tuyên bố cả nước chuyển sang giai đoạn chống dịch đi kèm phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Nội: Dự kiến bậc PTTH đến bậc đại học đi học từ ngày 4/5, các cấp dưới đi học từ ngày 11/5.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đưa ra kịch bản dự kiến các trường từ bậc PTTH đến bậc đại học đi học từ ngày 4/5, các trường THCS, tiểu học và mẫu giáo đi học sau đó 1 tuần từ ngày 11/5.

Chủ tịch Hà Nội: Hàng ăn, uống và xe công nghệ được hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 23/4

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chiều 22/3 đã thông tin và quán triệt một số nội dung sau khi Thủ tướng xếp Hà Nội vào nhóm có nguy cơ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó nêu một số dịch vụ như cửa hàng ăn, uống, xe công nghệ... được hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 23/4.

Không còn nằm trong nhóm nguy cơ cao, TP HCM sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể an toàn phòng chống dịch Covid-19 sau khi hết cách li xã hội

Chỉ còn nằm trong nhóm nguy cơ, TP HCM sẽ thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng từ ngày mai, 23/4. Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm thông tin thêm UBND TP HCM sẽ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

TP HCM chưa cho phép taxi, xe công nghệ, xe buýt, xe khách liên tỉnh hoạt động lại vào ngày mai, 23/4

Sở Giao thông Vận tải TP HCM quyết định tiếp tục tạm ngừng hoạt động xe khách, xe buýt, xe công nghệ Grab, be... cho đến khi có thông báo mới.

Thủ tướng giao 63 tỉnh, thành quyết định cụ thể cửa hàng, dịch vụ nào được mở cửa lại từ ngày mai, 23/4

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định cụ thể việc mở cửa hàng, cửa hiệu hay đóng các dịch vụ không thiết yếu. Tuy nhiên, việc hoạt động trở lại phải có các biện pháp an toàn phòng dịch.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.