CEO Lê Hoàng Uyên Vy: 'Phụ nữ ít nói về tuổi tác, nhưng tôi không ngại vì mỗi con số đều gắn với dự án, cột mốc khởi nghiệp của bản thân'

Cựu CEO Adayroi khẳng định không ngại nói về tuổi của mình, bởi ở mỗi con số, chúng được gắn với những dự án, cột mốc đáng nhớ về quá trình khởi nghiệp của bản thân. Vy đã kiếm số tiền đầu tiên từ năm 7 tuổi và 13 tuổi đã lập công ty riêng.

Có hẳn một phần trao đổi riêng tại diễn đàn công nghệ Tech Summit vừa diễn ra tại TP HCM, cựu Giám đốc sàn thương mại điện tử Adayroi của Tập đoàn Vingroup, và hiện là Đối tác điều hành của quỹ ESP Capital - Lê Hoàng Uyên Vy, dành nhiều thời gian chia sẻ về bức tranh khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

Nói nhiều về khởi nghiệp và sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp trong nước, nhưng Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng các startup phải cùng nhau vươn lên để thay đổi định kiến của người nước ngoài về Việt Nam.

"Ở mỗi con số đều gắn với những dự án, cột mốc về quá trình khởi nghiệp của bản thân"

Lê Hoàng Uyên Vy là một startup trẻ được biết đến nhiều nhất khi là CEO sàn thương mại điện tử Adayroi.com của Tập đoàn Vingroup trước đây. Chị cũng từng vinh dự được Forbes bình chọn là 1 trong 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi nổi bật tại châu Á.

Quote3-crop

Lê Hoàng Uyên Vy: "Người ta hỏi tôi Việt Nam còn chiến tranh không". (Ảnh: Zing).

Sau khi bất ngờ chia tay Vingroup đi du học về công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality), năm ngoái, Lê Hoàng Uyên Vy về nước tập trung vào dự án riêng, liên quan lĩnh vực khởi nghiệp. 

Hiện chị đang là Đối tác điều hành (General partner) của quỹ ESP Capital, chuyên đầu tư vào các startup công nghệ. Quỹ ESP Capital được thành lập vào tháng 3/2017, có trụ sở chính ở Singapore và chi nhánh ở TP HCM. 

"Phụ nữ thường ít nói về tuổi tác, nhưng tôi không ngại nói về tuổi của mình, nhất là khi ở mỗi con số, chúng được gắn với những dự án, cột mốc đáng nhớ về quá trình khởi nghiệp của bản thân", Lê Hoàng Uyên Vy chia sẻ.

Cụ thể, năm 7 tuổi, Vy đã bắt đầu kiếm được số tiền đầu tiên. 

Đến năm 13 tuổi, Vy thành lập được công ty đầu tiên mang tên TmSpeed Network. Công ty của nữ sinh Uyên Vy chuyên về thiết kế website, bán với giá 4 triệu đồng, để cạnh tranh trực tiếp với các công ty công nghệ giai đoạn đó, cũng cung cấp dịch vụ này, với giá lên đến 14 triệu.

Năm 22 tuổi, Lê Hoàng Uyên Vy có trang thương mại điện tử đầu tiên mang tên Chon.vn. Sau đó, cô trở thành CEO của sàn thương mại điện tử Adayroi.vn. 27 tuổi, Lê Hoàng Uyên Vy bất ngờ thoái vốn khỏi Adayroi.com. Đến năm 31 tuổi, chị bắt đầu làm việc cho quỹ đầu tư chuyên nghiệp ESP Capital.

"Trong thời gian học ở nước ngoài, khi biết tôi đến từ Việt Nam, nhiều người đã hỏi rằng 'Ở Việt Nam, còn chiến tranh không'. Tôi phải mất nhiều thời gian để giải thích. Tôi hi vọng, người nước ngoài không nói đến Việt Nam là nhớ đến một trung tâm khởi nghiệp mới trên thế giới", Lê Hoàng Uyên Vy khẳng định.

Startup Việt trên 100 triệu USD không hiếm

Lê Hoàng Uyên Vy nói rằng khát vọng trở thành một trung tâm khởi nghiệp mới trên thế giới và có những startup tỉ USD của Việt Nam là điều có thể, bởi vị thế của Việt Nam trên bản đồ khởi nghiệp khu vực hiện đã được cải thiện.

2-15603130557841859215146-crop

Lê Hoàng Uyên Vy trong cuộc gặp gỡ với cựu Tổng thống Mỹ Obama. (Ảnh: TTT).

Theo cựu CEO Adayroi, 2 năm trước đây, Việt Nam xếp thứ 5 trên 6 nước Đông Nam Á về số tiền và số thương vụ đầu tư khởi nghiệp, tức đứng gần chót bảng. Tuy nhiên năm ngoái, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ ba, và xu thế tăng trưởng ngày càng trở nên đậm nét trong nửa đầu năm 2019. 

Cô cho rằng cộng đồng startup Việt Nam đã và đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội về vốn đầu tư, cả số tiền và số thương vụ kể từ năm 2018. 

Số quỹ đầu tư tham gia vào thị trường Việt Nam cũng đang tăng trưởng rất mạnh. Chỉ nửa đầu năm 2019, con số thương vụ và số tiền đầu tư đã vượt cả năm 2018.

Số lượng các thương vụ đầu tư tăng lên tại hầu hết các vòng gọi vốn. Đặc biệt, Việt Nam bắt đầu chứng kiến sự xuất hiện của nhiều thương vụ đầu tư trên 50 triệu USD.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-30 lúc 16

Theo thống kê của ESP Capital, nửa đầu năm nay, số thương vụ đầu tư vào các startup đã vượt năm 2018 và sẽ tiếp tục bùng nổ vào cuối năm. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Theo thống kê, 3 lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nhiều nhất từ năm 2013 đến nay là bán lẻ, chiếm đến 33% với 241 triệu USD. Lĩnh vực tài chính đứng thứ hai với 212 triệu USD, chiếm 29%. Các thương vụ rót vốn trong lĩnh vực giáo dục đứng thứ ba với 77 triệu USD.

"Nếu so sánh với các nước trong khu vực, các startup được định giá trên 100 triệu USD còn hạn chế, nhưng Việt Nam hiện có cả một loạt doanh nghiệp trên con số này, nếu không muốn nói là nhìn vào đâu cũng thấy trên 100 triệu USD", Lê Hoàng Uyên Vy khẳng định.

Startup nào triển vọng trong tương lai?

Từng khởi nghiệp từ khi rất sớm, và đang điều hành quỹ về khởi nghiệp, Lê Hoàng Uyên Vy dự báo với tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay rất thuận lợi cho các startup về công nghệ. 

11-1560313388808387737530-crop

Theo Lê Hoàng Uyên Vy, tương lai, y tế, du lịch, logistics... sẽ là những ngành triển vọng tại Việt Nam. (Ảnh: TTT).

"Tôi nghĩ rằng lợi thế dân số trẻ và thu nhập trung bình đang tăng, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, doanh nghiệp nào tập trung vào các đối tượng này cùng với am hiểu thị trường nội địa sẽ có kết quả tốt trong tương lai", Lê Hoàng Uyên Vy cho biết.

Theo Vy, các dịch vụ y tế sẽ dẫn đầu về cơ hội phát triển tại Việt Nam, tiếp theo sau là du lịch. Bởi khi mức sống đã bắt đầu cao hơn, người dân sẽ quan tâm nhiều đến các vấn đề sức khỏe cũng như tự thưởng cho bản thân và gia đình nhiều chuyến đi du lịch.

Trong khi đó, ở lĩnh vực vận tải, đặc biệt là logistics sẽ tiếp tục phát triển, nhất là khi ngày càng có nhiều "kì lân" trong khu vực như Grab, Go-Jek đã nhảy vào thị trường Việt Nam. Sự phát triển của thương mại điện tử cũng khiến hoạt động logistics trở nên sôi động và có nhiều tiềm năng hơn.

Trong khi đó, Lê Hoàng Uyên Vy cũng khẳng định mảng bảo hiểm hiện nay chưa có tên tuổi nào dẫn đầu tại Việt Nam, vì vậy đây là một mảng rất hứa hẹn cho các startup tập trung đầu tư.