Chủ tịch Everland ủng hộ thắt chặt trái phiếu và tín dụng: 'Đáng ra nên làm từ lâu'

Ông Lê Đình Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Everland chia sẻ quan điểm xung quan vấn đề thắt chặt tín dụng và trái phiếu.

Siết tín dụng và trái phiếu chỉ là giọt nước tràn ly

Sáng nay 26/4, CTCP Tập đoàn Everland (mã chứng khoán: EVG) đã tổ chức ĐGĐCĐ thường niên năm 2022. 

Thời gian qua, thị trường tín dụng và trái phiếu chứng kiến những biến động có phần tiêu cực. Tại đại hội, chiến lược huy động vốn và sức khỏe tài chính của Everland đã nhận được những câu hỏi quan tâm từ các cổ đông.

Trao đổi tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Everland Lê Đình Vinh chia sẻ, thời gian qua thị trường có nhiều biến động. Song, tài chính của Everland vẫn đang ở mức an toàn.

 Chủ tịch HĐQT Everland Lê Đình Vinh tại ĐHĐCĐ sáng nay. (Ảnh: Hoàng Huy).

"Dưới góc nhìn của tôi, việc thắt chặt tín dụng và trái phiếu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường nói chung và đặc biệt là ngành bất động sản.

Trái phiếu và tín dụng là hai kênh phân phối dòng tiền lớn của các doanh nghiệp bất động sản, nay được thắt chặt thì nguồn cung về vốn sẽ giảm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của người tiêu dùng và sức tiêu thụ của bất động sản.

Lúc này, hàng tồn kho các doanh nghiệp sẽ tăng lên, vòng quay dòng vốn chậm lại, chi phí đội lên và lợi nhuận giảm đi. Đấy là điều chắc chắn xảy ra.

Tuy nhiên, việc gì cũng có hai mặt của nó. Tín dụng và trái phiếu cũng có những mặt tích cực đi kèm rủi ro. Lẽ ra động thái thắt chặt này phải được làm sớm hơn. Theo tôi được biết Bộ Tài chính đã cảnh báo rất nhiều lần về rủi ro trái phiếu chứ không phải mới gần đây, bây giờ chỉ là giọt nước tràn ly", theo Chủ tịch Everland.

Doanh nghiệp có chiến lược tài chính tốt sẽ ít bị tác động

Ông Vinh chia sẻ thêm, việc thắt chặt hai kênh tín dụng và trái phiếu chắc chắn sẽ có tác động xấu, nhưng chỉ về ngắn hạn.

Còn về trung và dài hạn, đây là điều tốt, là cơ hội để phân hóa, thanh lọc thị trường, nắn lại thị trường tín dụng và trái phiếu đi vào đúng quỹ đạo mà Nhà nước mong muốn. Những doanh nghiệp nào có chiến lược tài chính an toàn thì sẽ ít bị tác động. 

"Ngược lại, những công ty có chiến lược tài chính không an toàn, dùng đòn bẩy quá lớn, phát hành trái phiếu ồ ạt, thiếu kiểm soát thì rõ ràng bây giờ phải chịu trận, bằng chứng là vừa rồi đã có trường hợp doanh nghiệp lớn, do đổ vỡ trái phiếu dẫn đến mất thanh khoản.

Như vậy, về việc thắt chặt hai kênh này, cá nhân tôi và cả Everland đều ủng hộ.

Đối với bản thân Everland, chúng tôi may mắn đang ở bước khởi đầu chu kỳ đầu tư phát triển, nên chúng tôi nhìn thấy được bài học từ những doanh nghiệp đi trước. Ở thời điểm hiện nay, chúng tôi chưa dùng đòn bẩy tài chính, chưa cần huy động trái phiếu.

Còn nếu chúng tôi đang ở giai đoạn lưng chừng, giai đoạn đã phát triển thì có lẽ chúng tôi cũng đã ít nhiều phải sử dụng những công cụ đó. Do đó có thể khẳng định, Everland chưa bị ảnh hưởng bởi các giải pháp tức thời này.

Tuy nhiên, tới đây việc huy động vốn cho các dự án đang triển khai sẽ khó khăn hơn, điều này chúng tôi sẽ buộc phải thích nghi và có những giải pháp về tài chính dài hơn hơn, căn cơ hơn, thông minh hơn, đó cũng chính là chiến lược phát triển mà Everland hướng đến.

Cụ thể, chúng tôi sẽ tổng hợp tất cả những giải pháp tài chính, cái nào an toàn, hiệu quả thì sử dụng. Chúng tôi sẽ phát hành cổ phiếu, cũng sẽ phát hành trái phiếu nhưng đi theo đúng quy định, không phát hành quá ồ ạt, sẽ hợp tác với các ngân hàng và các đối tác chiến lược.

Chúng tôi đã lập ra những bộ phận chuyên trách để tiếp cận với các nguồn vốn thông qua các quỹ đầu tư, tiếp cận các ngân hàng để hợp tác lâu dài,... tất cả đã được chúng tôi đặt trên một lộ trình bền vững, an toàn.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phải sáng tạo thêm các sản phẩm, dịch vụ khác cho phép chúng tôi có thể huy động tài chính cho việc đầu tư các dự án. Cho đến giờ phút này, chúng tôi vẫn bình tĩnh quan sát, xem xét thận trọng và không có gì phải lo lắng. 

Tôi cũng nhấn mạnh lại rằng, việc thắt chặt tín dụng cũng như trái phiếu chỉ là giải pháp mang tính tức thời, quá độ. Kênh tín dụng cũng giống như cái van, mở đóng hai chiều, nay mở mai đóng là điều hết sức bình thường, cho nên việc siết chặt chỉ là ngắn hạn. 

Ngay cả việc siết trái phiếu cũng chỉ siết những trái phiếu không an toàn, còn về lâu dài, thị trường trái phiếu vẫn được xác định là kênh huy động vốn.

Hiện nay, trái phiếu riêng lẻ chiếm đến 92%, trong khi đó trái phiếu đại chúng chỉ 8%, như vậy là lệch cơ cấu và cần phải nắn lại, bởi trái phiếu của các công ty đại chúng sẽ không thể làm tùy tiện", ông Vinh chia sẻ.

Nhà nước "siết" chứ không "triệt"

 (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Đồng quan điểm với ông Lê Đình Vinh, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, việc siết hai kênh tín dụng và trái phiếu sẽ tác động đến thị trường bất động sản cũng như các doanh nghiệp làm bất động sản, song đây là động thái siết chặt chứ không cấm triệt để.

"Trên thực tế, hoạt động phát hành trái phiếu, tín dụng đã có động thái được quản lý chặt hơn, song vẫn chưa thể hiện nhiều trên các quy định pháp luật. Cần phải hiểu là Nhà nước siết chặt chứ không cấm hoàn toàn.

Vấn đề ở đây là làm thế nào để lấy được niềm tin của nhà đầu tư thứ phát bỏ tiền mua trái phiếu, vì niềm tin của các nhà đầu tư đang bị lung lay, họ đang có cảm giác bất an nên chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đối với dòng tiền đầu tư vào trái phiếu.

Trường hợp kể cả không siết, những sự kiện gần đây cũng khiến các nhà đầu tư cũng đã e ngại với việc mua trái phiếu, nhất là của các doanh nghiệp bất động sản, bởi tiềm ẩn rủi ro về pháp lý, chẳng hạn như sai mục đích phát hành.

Điều quan trọng bây giờ là phải làm sao để người mua trái phiếu nắm được thông tin đầy đủ, minh bạch về mức độ uy tín, tín nhiệm của các đơn vị phát hành, tránh trường hợp đổ xô mua trái phiếu có lãi suất cao, lợi ích tốt mà không nắm được thông tin về doanh nghiệp. Như vậy, nước ta đang thiếu cơ chế giám sát, đánh giá những tiêu chí này", ông Đính cho hay.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.