Bộ Tài chính: Có tình trạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu

Theo Bộ Tài chính, có một số doanh nghiệp đã phát hành khối lượng trái phiếu gấp nhiều lần quy mô vốn chủ sở hữu, như trường hợp của Công ty Osaka Garden hay Công ty Mediterranena Revival Villas...

Các doanh nghiệp BĐS phát hành hơn 200.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021

Theo báo cáo mà Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết quy mô thị trường đến cuối năm 2021 đã tăng 42,4% so với cuối năm 2020, tương đương 18,2% GDP, trong đó, quy mô thị trường riêng lẻ đạt 16,84% GDP, tăng 40,5% so với năm 2020. 

Tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2021 đạt 639.766 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020, chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ đạt 605.520 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020. 

Trong số 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành, 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và 10 doanh nghiệp có tỷ lệ phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu.

Chiếm 47,17% trong tổng khối lượng phát hành là các công t cổ phần đại chúng, 41,79% khối lượng đến từ các công ty cổ phần chưa đại chúng và 11,05% còn lại đến từ các công ty trách nhiệm hữu hạn.

   Nguồn: Hiền Minh tổng hợp từ báo cáo của Bộ Tài chính. 

Trong số các doanh nghiệp phát hành nói trên, số doanh nghiệp từ nhóm bất động sản là 143 doanh nghiệp, thực hiện tổng cộng 280 đợt phát hành. Tổng giá trị phát hành của nhóm này là 200.793,9 tỷ đồng, chiếm 33,16% khối lượng và cao thứ hai chỉ sau nhóm các tổ chức tín dụng (36,18%).

Trong đó, top 20 doanh nghiệp phát hành nhiều nhất chiếm gần 50% tổng khối lượng (100.054 tỷ đồng), 14 doanh nghiệp trong top 20 này phát hành với khối lượng lớn hơn vốn chủ sở hữu, như Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản (khối lượng phát hành cao gấp 47 lần vốn chủ sở hữu), CTCP Osaka Garden (cao gấp 28 lần), CTCP Đầu tư và Phát triển Residence (cao gấp 6 lần),... 

Các doanh nghiệp nhóm bất động sản cũng chiếm 4 trên 6 các doanh nghiệp phát hành hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với khối lượng 1.150 triệu USD, chiếm 66,1% tổng khối lượng phát hành.

Rủi ro từ chất lượng tài sản đảm bảo của nhóm BĐS 

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong số các trái phiếu do nhóm bất động sản và xây dựng phát hành, chiếm 88,2% khối lượng là trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán, 11,8% còn lại là trái phiếu không có tài sản đảm bảo.

Tài sản đảm bảo của nhóm bất động sản chủ yếu là bất động sản, các chương trình, dự án (chiếm 57,84%), bảo đảm bằng cổ phiếu (chiếm 23,95%), bảo đảm bằng cả bất động sản và cổ phiếu (chiếm 1,37%) và bảo đảm bằng các tài sản khác (chiếm 8,67%). 

Theo đó, Bộ Tài chính đánh giá, mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao, trên thực tế, chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. 

    Nguồn: Hiền Minh tổng hợp từ báo cáo của Bộ Tài chính. 

Sang đến quý I/2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 104.752 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ, khối lượng phát hành tập trung chủ yếu trong tháng 1 và giảm dần trong tháng 2 và tháng 3. Nhóm bất động sản và xây dựng là hai nhóm phát hành nhiều nhất, chiếm lần lượt 45,1% và 22,1%. 

Đánh giá về năm 2022, Bộ Tài chính cho rằng, nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi kinh tế bắt đầu phục hồi sau dịch, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ tăng cường huy động vốn qua kênh trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. 

Tuy nhiên, việc thị trường trái phiếu tăng trưởng nóng, không bền vững sẽ ảnh hưởng chung đến thị trường tài chính cũng như nhu cầu huy động vốn hợp pháp của các doanh nghiệp, do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi khung khổ pháp lý để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch, an toàn, trong đó có phương án thúc đẩy dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.