Sau chia sẻ của GS Hồ Ngọc Đại về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục tại buổi trao đổi chuyên đề "Công nghệ giáo dục trong kỷ nguyên 4.0" ngày 8/9, PGS ngôn ngữ Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn sách, đã phản biện để làm rõ một số vấn đề.
"Công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn"
Có một sự mơ hồ trong cách dùng cụm từ "công nghệ giáo dục". Khái niệm "công nghệ giáo dục" của GS Đại khác hẳn với việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục. Nó không ăn nhập gì với "kỷ nguyên công nghệ số". Nó cũng không liên quan nhiều lắm đến những thành công của Trung tâm Thực nghiệm Công nghệ giáo dục được thành lập cuối những năm 70 của thế kỷ trước.
Việc đưa tư tưởng như "lấy học sinh làm trung tâm", "mỗi ngày đến trường là một ngày vui"... vào nhà trường Việt Nam, ở những năm đó là một đóng góp có ý nghĩa. Tuy không phải là điều gì mới mẻ đối với các nền giáo dục phát triển, nó đã thổi một luồng gió mới vào môi trường giáo dục Việt Nam. Cùng với cơ sở vật chất tốt và nhiều điều kiện thuận lợi khác, chắc hẳn nó có góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh có chất lượng cao, mang nhiều ký ức tốt đẹp về nơi mình được giáo dục và trưởng thành.
Tuy nhiên, "công nghệ giáo dục" được hiểu như một quy trình dạy học thiết kế một cách tỉ mỉ, giáo viên và học sinh cần tuân thủ theo từng bước đến từng chi tiết gần như máy móc. Khi ứng dụng nó vào một cuốn sách giáo khoa cụ thể thì lại có vấn đề.
Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại gồm 3 tập với thứ tự là: âm-chữ, vần và tự học. |
Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được coi là thể hiện thành công của ứng dụng "công nghệ giáo dục". Nhưng như chúng tôi đã nêu trong kết luận của Hội đồng thẩm định quốc gia (ngày 15/5/2017), việc thiết kế quy trình chi tiết, ràng buộc quá chặt chẽ đối với cả giáo viên và học sinh có thể hạn chế sự sáng tạo của người dạy và hứng thú của người học. Hoạt động dạy học lặp đi lặp lại, nếu tiếp tục trong khoảng thời gian dài sẽ trở nên đơn điệu.
"Việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng phân tích cấu trúc âm tiết và luyện phát âm đối với học sinh bản ngữ (tiếng Việt) không thật sự cần thiết và không phù hợp với phương pháp dạy học bản ngữ. Hiện nay, ngay cả khi dạy học ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ, phương pháp phân tích cấu trúc ngữ âm như cách của tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cũng ít khi được sử dụng", kết luận ngày 15/5/2017 của Hội đồng thẩm định quốc gia nêu. Tài liệu dạy tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại do đó được yêu cầu khắc phục hoặc điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng dạy học ngôn ngữ, theo quan điểm giao tiếp.
Nói cho công bằng thì quy trình thiết kế này có tác dụng phần nào khi dạy học đánh vần, giai đoạn mà học sinh cần phải bắt chước nhiều. Nhưng lên các lớp trên có thể khẳng định là nó không phù hợp và không hiệu quả. Quy trình đó trái ngược với chính những tư tưởng cơ bản về giáo dục mà GS Đại nhiều lần phát biểu là "lấy học sinh làm trung tâm, mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục chỉ được phép thử nghiệm cho đến khi có chương trình và sách giáo khoa mới (dự kiến năm 2019 hoặc 2020 có sách giáo khoa lớp 1). Nếu những điểm "cực đoan" trong phương pháp dạy học của Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục không được khắc phục thì không có gì bảo đảm "công nghệ giáo dục" sẽ tồn tại vĩnh viễn như khẳng định của GS Hồ Ngọc Đại. Quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới mở ra cơ hội cho nhiều phương pháp dạy học. Nhưng những cách tiếp cận cực đoan chắc là khó được chấp nhận.
Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục không còn từ "chân không về nghĩa"
Kết luận của Hội đồng thẩm định ghi rõ: "Quan điểm chân không về nghĩa không đúng với bản chất của ngôn ngữ và không phù hợp với thực tiễn dạy học ngôn ngữ, trái với nguyên tắc dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp". Sau hai lần thẩm định, quan điểm này về cơ bản đã được tác giả điều chỉnh. Hầu hết từ ngữ khó, từ địa phương, vốn được sử dụng trong tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục trước thẩm định dựa trên quan điểm "chân không về nghĩa" đã được thay thế.
Như vậy, ý kiến của GS Đại về việc học sinh khi học Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục chỉ chú ý đến âm, không quan tâm về nghĩa, nên sách chủ trương "chân không về nghĩa", đã không thể hiện đúng những gì mà tác giả đã tiếp thu và chỉnh sửa theo đề nghị của Hội đồng thẩm định.
Cái gọi là "chân không về nghĩa" chỉ có thể áp dụng khi học sinh luyện tập đánh vần, vận dụng mẫu đã học để đọc những âm tiết mới, có thể không có trong ngôn ngữ. Nhưng dùng nó để biện minh cho việc bất chấp ý nghĩa khi dùng ngữ liệu để dạy thì hoàn toàn không ổn. Việc dùng nhiều từ ngữ địa phương, từ ngữ khó, từ ngữ có ý nghĩa chưa phù hợp với học sinh lớp 1 có phần bị chi phối bởi quan điểm "chân không về nghĩa" này.
Sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục dùng các hình vuông, tam giác, tròn... để đếm tiếng trong chuỗi lời nói. |
Không thể vì học sinh cần học ngôn ngữ hàng ngày để đưa ngữ liệu thô ráp vào sách
GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, khi 100% dân cư đi học thì ngôn ngữ được dạy phải là ngôn ngữ hàng ngày, chứ không phải ngôn ngữ sách vở. Theo tôi, không phải chỉ có khi 100% dân cư đi học thì phải cho học sinh được học ngôn ngữ thuộc nhiều phong cách và sử dụng trong nhiều môi trường giao tiếp đa dạng.
Ngôn ngữ hàng ngày và ngôn ngữ sách vở học sinh đều cần được học. Tuy nhiên, không thể lấy lý do học sinh cần được học ngôn ngữ hàng ngày để đưa những ngữ liệu "thô ráp" của đời thường, không phù hợp vào sách dạy tiếng cho học sinh lớp 1.
Phức tạp hóa vấn đề khi nói "Tiếng nói là vật thật, chữ viết là vật thay thế"
Trong ngôn ngữ học, nhất là từ F. de Saussure trở về sau, không mấy ai còn nhầm lẫn giữa âm và chữ viết. Hiện nay thì sự phân biệt này cũng đã thuộc về hiểu biết phổ thông. Âm là bộ phận cấu thành của ngôn ngữ. Từ khi có ngôn ngữ thì đã có âm thanh của ngôn ngữ, được các nhà chuyên môn phân tích thành các âm vị (phoneme), làm cơ sở cho việc tạo ra hệ thống chữ viết.
Chữ viết (ghi âm, không nói hệ thống chữ viết khác như chữ viết tiếng Hán) là hệ thống ký hiệu ghi lại âm thanh của một ngôn ngữ dựa trên một giả thuyết âm vị học (phonology), được dùng để chuyển ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ viết. Việc dùng khái niệm "vật thật" và "vật thay thế" thực ra chỉ dựa trên một sự phân biệt có tính chất phổ biến đó. Tuy nhiên, nó có vẻ làm phức tạp hóa vấn đề khi vận dụng vào dạy ngôn ngữ.
Hiệu quả của cách phân biệt "vật thật" và "vật thay thế" đối với nhận thức và thực hành ngôn ngữ của học sinh lớp 1 khó có thể có bằng chứng rõ ràng. Đó là chưa kể xét cho cùng thì bản thân âm thanh cũng chỉ là vật thay thế, là "ký hiệu" cho một cái khác, chẳng hạn khái niệm mà nó biểu thị.
Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục còn cần chỉnh sửa
Tâm huyết và công phu của GS Hồ Ngọc Đại dành cho Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là điều không thể nghi ngờ. Đó là một trong những lý do quan trọng để Hội đồng thẩm định quốc gia đọc kỹ, chắt lọc và trân trọng từng đóng góp của tác giả thể hiện qua tài liệu và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tiếp tục được thử nghiệm cho đến khi có chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, để tác giả có cơ hội hoàn thiện thêm. Nếu phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới và được Hội đồng thẩm định quốc gia sách giáo khoa mới thông qua thì giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh có thêm một lựa chọn.
Nhưng có thể nói Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục không chỉ có những điều tốt đẹp. Nó đã phải chỉnh sửa rất nhiều và sẽ còn phải tiếp tục chỉnh sửa mới có thể trở thành tài liệu dạy học có chất lượng.
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ về phương pháp đánh vần của mình ngày 8/9. Video: Dương Tâm
Phó Thủ tướng nói về thí điểm Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại
“Gần đây rộ lên câu chuyện liên quan đến tài liệu học tập dạy cho trẻ mới đi học. Chuyện sách Công nghệ giáo dục ... |
Phụ huynh 'đất học' Nghệ An nói gì về bài học xưng 'mày tao' trong sách công nghệ giáo dục?
Nghệ An là một trong những tỉnh có tỉ lệ học sinh lớp 1 học sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục nhiều nhất cả nước với ... |
Bộ Giáo dục kiểm tra ở tỉnh 100% trường tiểu học dạy Tiếng Việt theo sách GS Hồ Ngọc Đại
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có chuyến công tác tại Hà Nam và có một số ý kiến về việc triển khai dạy chương trình ... |
Nhiều dân cư mạng xin lỗi GS Hồ Ngọc Đại vì từng 'phản ứng' cách đọc chữ bằng ô vuông
Nhiều cư dân mạng từng phản ứng, hồ nghi, thậm chí chỉ trích cách đọc chữ bằng ô vuông của GS Hồ Ngọc Đại đã ... |
Tranh cãi về sách công nghệ giáo dục chưa dừng lại
Mới đây, đơn kiến nghị của một số phụ huynh ở tỉnh Tiền Giang đã được gửi đến Giám đốc Sở này yêu cầu không ... |
Giáo dục 09:27 | 13/09/2018
Giáo dục 06:35 | 12/09/2018
Giáo dục 03:32 | 12/09/2018
Giáo dục 23:00 | 11/09/2018
Giáo dục 11:00 | 11/09/2018
Giáo dục 10:36 | 11/09/2018
Giáo dục 09:22 | 11/09/2018
Giáo dục 23:04 | 10/09/2018