Chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines và tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã hoàn tất, đưa công dân Ukraine và 56 người Việt về nước an toàn

Chuyến bay mang số hiệu VN9062, có hành trình TP HCM - Kiev - Vân Đồn đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh ngày 30/3, chở theo 56 người Việt Nam. Toàn bộ kinh phí chuyến bay này đều do tỉ phú Phạm Nhật Vượng chi trả.

Chuyến bay đặc biệt từ những người đặc biệt

Xúc động chuyến bay đặc biệt đón 56 đồng bào hồi hương của tỉ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 1.

Phi hành đoàn gồm 16 tiếp viên, 6 phi công và 6 nhân viên kỹ thuật, phục vụ mặt đất trước giờ cất cánh. (Ảnh: Vietnam Airlines).

Sáng 30/3, chuyến bay mang số hiệu VN9062 khởi hành từ Kiev, Ukraine đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn. Chuyến bay đặc biệt này đưa 56 người Việt Nam về nước trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 đang bùng phát trên toàn thế giới. 

Chiếc máy bay thân rộng Airbus A350 của Vietnam Airlines vào 29/3 cất cánh từ TP HCM đưa gần 240 công dân Ukraine đang mắc kẹt tại Việt Nam về Ukraine. Chuyến bay được thực hiện sau khi có sự đồng thuận cấp Chính phủ giữa Việt Nam - Ukraine và thống nhất kế hoạch triển khai với Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, khi Nga và châu Âu thông báo đóng cửa biên giới, ngừng nhập cảnh, không còn đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ukraine.

Tất cả hành khách khi xuống máy bay đều phải khai báo y tế bắt buộc. Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra sàng lọc để phát hiện các trường hợp nghi ngờ qua máy đo thân nhiệt từ xa, phun khử trùng hành lí xách tay và tất cả hành lí kí gửi của khách.

Tiếp đó, hành khách được làm thủ tục nhập cảnh, kiểm tra hải quan. Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm đưa hành khách về các điểm cách li theo dõi sức khỏe trong 14 ngày theo quy định.

Máy bay cũng được vệ sinh, khử trùng y tế toàn bộ khoang hành khách, buồng lái để ngăn chặn tuyệt đối khả năng lây nhiễm virus Covid - 19.

Toàn bộ chi phí hai chiều của chuyến bay này được tỉ phú Phạm Nhật Vượng chi trả.

Trước đó, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch công ty Le Bros đã chia sẻ trên trang cá nhân việc Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng tài trợ cá nhân cho chuyến bay đưa hành khách Ucraina mắc kẹt tại Việt Nam, và người Việt từ Ucraina về nước. Theo kế hoạch ban đầu, đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển là hãng hàng không Bamboo Airways. 

Tuy nhiên, sau đó cũng theo ông Lê Quốc Vinh, Bamboo Airways không thực hiện bay như kế hoạch, vì diễn biến phức tạp của Covid-19. 

Từ đề nghị của Sứ quán hỗ trợ tìm kiếm phương án thay thế, Vingroup đã liên hệ hãng hàng không Vietnam Airlines, và hai bên phối hợp thực hiện hành trình này. 

Hành trình yêu thương

Đại diện Vietnam Airlines đã gọi chuyến bay chở 56 đồng bào hồi hương là “Hành trình yêu thương” trong thông cáo báo chí của mình.

Tất cả phi hành đoàn phục vụ chuyến bay này bao gồm 6 phi công, 18 tiếp viên, 2 kĩ sư máy bay và 2 nhân viên phục vụ mặt đất. Tổng cộng tổ bay có 28 người.

“28 người trong số hàng trăm tiếp viên và phi công của Vietnam Airlines trong tâm thế sẵn sàng thực hiện những chuyến bay của Hành trình yêu thương, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đưa đón hành khách về với quê hương của mình trong tình hình căng thẳng, cam go của đại dịch bệnh toàn cầu Covid-19”, đại diện Vietnam Airlines nói.

Xúc động chuyến bay đặc biệt đón 56 đồng bào hồi hương của tỉ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 2.

Từ đầu mùa dịch đến nay, Vietnam Airlines đã thực hiện hàng chục “Hành trình yêu thương” đưa đồng bào từ nước ngoài trở về nước. (Ảnh: Vietnam Airlines).

“Họ là những chiến binh thực sự, khi sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong hành trình chặng đi là 11 tiếng 40 phút, và chặng về là 9 tiếng 20 phút, chưa kể cả chục giờ chuẩn bị trước, giữa và sau chuyến bay, trong bộ đồ bảo hộ y tế thực sự không thoải mái và thuận tiện chút nào”, Vietnam Airlines chia sẻ.

Nhưng từ đầu mùa dịch đến nay, Vietnam Airlines đã thực hiện hàng chục “Hành trình yêu thương” như thế. 

Anh Đặng Trần Tuấn, Ca trưởng đội Kiểm soát tải – công ty Dịch vụ mặt đất, đã có những chia sẻ về những hành trình đặc biệt này. Anh kể: “Ấn tượng nhất về chuyến bay có lẽ chính là tình yêu thương của hành khách. Khi vừa bước chân lên máy bay, hành khách đã chủ động bày tỏ sự biết ơn, tình yêu thương đến với phi hành đoàn, điều rất hiếm gặp ở những chuyến bay thông thường”.

“Có những hành khách còn rưng rung nước mắt, nói lời cảm ơn với chúng tôi qua lớp khẩu trang bảo hộ bằng giọng nghẹn ngào xúc động. Họ liên lục gửi những lời cảm ơn, lời chúc sức khỏe. Thậm chí có du học sinh còn gửi thư tay với những vần thơ rất xúc động”.

Đằng sau những chuyến bay đó là sức mạnh của tinh thần thép. Những người trong tổ bay đều hiểu rằng, sau chuyến bay sẽ là hành trình cách li y tế xa gia đình, xa con nhỏ, xa cha mẹ để bảo vệ cho cộng đồng. Vậy nhưng họ vẫn tình nguyện dũng cảm lên đường. 

“Hành khách gọi những chuyến bay như thế này là chuyến bay nhân đạo, nhưng với chúng tôi những tiếp viên, phi công, những nhân viên phục vụ mặt đất và đội ngũ cán bộ công nhân viên của Vietnam Airlines, thì đó là chuyến bay của Hành trình yêu thương, đó trách nhiệm đối với cộng đồng và dân tộc”, đại diện Hãng hàng không quốc gia chia sẻ.