Lần đầu An tập hát ru, con khóc ré. Lần đầu An tập cho con bú sữa bình, con ói ngược. Lần đầu An tập đưa con đi học, phải giả đò ngó lơ nhận là dì vì sợ con thẹn với bạn. Lần đầu tiên An tập yêu con gái bằng tình yêu mộc mạc của một người mẹ… An tập lần đầu tiên, từ từ, và từng bước một.
Năm cái Ý lên 5. Ngày nọ, có người đàn bà lạ tìm đến tận nhà, gọi: Mẹ là mẹ của con đây.
An nghe xong, vừa giật bắn người vừa cuống cuồng giấu cái Ý, đuổi người đàn bà lạ ra khỏi nhà. Vậy mà trong phút cuối bà vẫn cố dúi vào tay An một chiếc đầm màu hường:
- Tôi không phải tới để giành con bé, tôi chỉ muốn gặp con… Chị cho tôi gửi lại chiếc đầm, hôm nào đi chơi chị mặc cho con!
Rồi bà lặng lẽ đi. Bỏ lại An ngơ ngác cầm trên tay chiếc đầm voan còn thơm mùi vải mới, bất thần chị khóc:
- Cô sẽ nuôi Ý tốt chứ? Chị hỏi. Giọng ngập ngừng khi người đàn bà lạ vừa kịp gật đầu gấp.
Hôm đó, An thắt lại bím tóc cho con, gói ghém đồ đạc rồi đưa ra tận xe, chị dặn: Không có má Mi, con phải nghe lời người lớn, phải mau ăn chăm học và phải sống thật tốt nữa… Nghe chưa?
Và cũng hôm đó, Ý được người ta dẫn đi. Nó khóc lóc, kêu gào, liên hồi hỏi má Mi sao bỏ nó đến khàn cả họng. Nhưng An chỉ cúi gằm mặt, cắn môi bật máu.
Mưa ngâu đổ ngang hiên. Mưa dữ. An quỵ ngã, gọi thấu mây xanh: Ý ơiiiii…
Trong phòng, mẹ con An đương tập vợt lại phân cảnh cuối ấy cho bộ phim truyền hình. Mà tính An kỳ lắm, đến đoạn đẩy con đi, chị lại quỵ gối khóc nức nở. Ý thương má nên cũng ngơ ngác khóc theo. Thế là hai má con ôm nhau khóc lấy khóc để, bể chầu diễn.
Từ ngày nuôi Ý, An vẫn nhận mình hay có những lo sợ. Nỗi sợ chợt đến chợt đi vô định và rất nhiều lý do. Nhưng lớn nhất: An sợ mất Ý. Như phân cảnh cuối của bộ phim ấy, chẳng mảy may xảy ra, trước lúc chị kịp chuẩn bị tinh thần để đưa con đi thật.
Trước gặp An, chúng tôi luôn lo lắng về cuộc PV này. Vì An cảm nhận được con gái đã hiểu ra điều gì đó, dù nó rất kiệm lời. “Có lần, Ý xem đoạn video quay chị, nó hỏi: Con là con nuôi hả má, làm chị giận run”.
Nhưng rồi chị vẫn đồng ý PV, lý do đơn giản: Cuối cùng con bé cũng biết. Và để suôn sẻ, chúng tôi phải dối con bé rằng mình đang quay phim, Ý đồng ý.
Và vở diễn về cuộc đời của nữ đào chánh gánh lô tô
Hoàng Anh, tỉnh Long An: Nini An, được kể như sau...
An là cậu út, bà Mười đẻ vào một tháng mưa. Năm chưa kịp lớn lên thì ba mất sớm nên sợ con tủi, bà Mười thương Út An nhiều nhất nhà. “Hồi mới 3 tuổi, chị lén lấy cái áo bà ba của má ra bận, mấy lần bị chị Tư dắt trốn quá trời quá đất. Tự lúc đó, chị đã thấy mình lạ rồi, vì thích mặc đồ con gái, nhảy múa, hát hò, để móng tay, tóc dài,… Có cái lần má dẫn đi lô tô, coi mấy chị xiêm y sặc sở, lông lá là chị càng mê mê, đã ước ngày nào đó được đẹp như mấy chị. Hàng xóm để ý, họ hay nói: Con bà Mười bê-đê bóng gió, mà mình nhỏ nên lần nào cũng chỉ ôm mặt về méc má!”
Rồi lâu dần, lời người ta lọt đến tai bà Mười. Có hôm ra đường, họ nói xỉa: Con bà bê-đê. Bà giận, bà chửi: Nó bê-đê chớ làm ăn lương thiện có trộm cắp của ai đồng nào. Má bênh nhiều, Út An lại rớt nước mắt. Chị thương má đã chấp nhận cho chị theo đoàn hát, gánh lô tô phù hoa đi cùng trời cuối đất để được sống làm chính mình.
“Có hôm đi hát về khuya là má nằm đợi. Sáng dậy, má nhìn chằm chằm khuôn mặt, má vén tóc, má bảo là con gái má xinh do giống má, chị nhớ miết. Hồi đó đó, còn sống, má hứa bán nhà cho con gái chuyển giới. Chuyện đó má làm hổng được nên bữa nào thấy chị buồn là má lại ôm vào lòng rầu rĩ…”
Ở gánh lô tô, An là bà hoàng của những đêm hội, có khi tít tắp ở một vùng quê nghèo không tên nào đó, tận miền Tây. Có anh hàng bóng ném, tên Công (nhỏ hơn An nửa con giáp lận), đêm đêm đứng ở quầy bóng mà ngó lơ An hát. Vậy mà, thương trời thương đất, chết điêu chết đứng vì thương.
“An đẹp lắm. Là ngôi sao luôn đó nên thằng nào cũng mê tít. Nhất là lúc lên sân khấu, An mặc xiêm y lộng lẫy vô là số dzách.” - Công cười cười nhắc lại.
Ngày dắt Công về nhà, bà Mười nhìn thằng rể cũng ưng bụng, “vì cái tánh nó hiền như Bụt”. Rồi cứ thế, 12 năm trôi qua, cả hai dắt tay về chung nhà như vợ như chồng. Chẳng giấy tờ làm chứng, chẳng đám cưới linh đình hay bà con hai họ, chỉ hai người với nhau.
Hỏi thì Công chắc nịch: Chuyện yêu An là ý trời, nên có dứt cũng không được vì trời bắt Công mắc cả duyên, cả nợ, cả đời. Duyên, là cho Công được gặp An, được thương An ngay từ lúc An còn chưa chuyển giới. Còn nợ, là bắt anh phải lo lắng cho An, chăm sóc An, bên cạnh An mỗi ngày mà không hờn, không trách, và cũng không thể lý giải được rằng tại sao.
Bao năm lủi thủi theo gánh lô tô tỉnh lẻ, rày đây mai đó, hai vợ chồng chắt chiu số tiền khổng lồ cho An chuyển giới. Ngày lên đường, không đủ tiền theo, Công chỉ dám tiễn vợ ra sân bay, đêm đêm sốt sắng, chăm nhìn vợ qua chiếc di động bé xíu. Vợ trở về trong hình hài của người con gái thực thụ là hôm anh mừng “chết-đi-sống-lại”. An bảo: Từ đó, tính Công cũng ghen hẳn. Công ngồi cạnh, lắc đầu hùi hụi: Có đâu, do mấy người dễ đau bệnh, cơ thể cũng hổng được bình thường mà đi hát lắm lúc khách chèo kéo đau nên tui sợ…
Đấy! Tình yêu hơn chục năm của Công-An cứ ngọt vậy. Chẳng bận lo về cuộc sống bấp bênh, cả hai gọn lỏn như cách họ gọi nhau “mấy người”, giọng thì ngọt hơn đường phèn. Hỏi rằng có hạnh phúc không, Công-An chắc nịch: Hạnh phúc lắm. Vì mấy ai dám cùng An nếm qua đủ mùi cay-ngọt-đắng-bùi, theo tận chân trời cuối bể như Công bao giờ.
Từ ngày sống chung, Công cứ mong có một mụn con ẵm bồng. Dù anh không nói, nhưng có hôm mấy đứa trẻ chơi đu quay trước nhà, Công chạy vô giỡn đùa, rồi bồng đứa nhóc gọi ‘con’ gọn ơ. An nghe mà đứt ruột, vì chị biết mình sẽ không bao giờ cho anh được cái hạnh phúc nhỏ bé ấy. Lắm lúc giận, An đuổi: Đi tìm đàn bà thật sự mà yêu, Công chỉ im lặng. Hai vợ chồng lặn lục, nghe tin đâu có trẻ bỏ rơi lại đi tìm. “Chị xin thì người ta hét giá trên trời lại hổng đủ tiền nhận, lần khác thì hổng gặp. Chắc là chưa có duyên, hay người ta sợ mình chuyển giới?”
Đến năm má nằm viện, biết là không sống được lâu nên bà mong Út có mụn con để má an lòng đi. Nghe phong thanh có đứa nhỏ đẻ rớt, người mẹ ác bỏ đi không nói không rằng, bà thương lắm. Hôm đó, gọi An vào, bà nắm lấy tay con mà gặn tiếng một: Cứu nó… nuôi nó nghe con.
Hôm đó, hai vợ chồng An xuống tận phòng hộ sinh tìm đứa nhỏ. Một bé gái vừa hạ sinh cách đó 5 tiếng, vẫn còn đỏ hỏn trong chiếc khăn trắng. “Tự nhiên thấy chị cái nó cười liền, cười thành tiếng luôn. Chị đã nghĩ thầm: Con là con của mẹ rồi”. Và định mệnh cũng chắc chắn đứa bé gái năm ấy là con của An.
An bế nhỏ về nhà. Lúc quay lại tìm má, chị thỏ thẻ:
- Con nhận rồi, má ráng khoẻ, về trông cháu ngoại hộ con nha má.
Má nghe thoáng, cười mỉm rồi gật:
- Không, cháu nội.
- Cháu ngoại chứ má!
- Không. Cháu nội…, má nhắc lần cuối. Rồi mất.
Đó là một ngày đầu tháng 7. Ở viện. Và bà Mười mãi không bao giờ gặp được đứa nhỏ mà bà gọi “cháu nội”. An nhớ y nguyên khuôn mặt rầu thúi đất của má lúc gặn: Không, cháu nội, giọng thuề thào như cắt ruột cắt gan. Vì chị hiểu ra rằng: Bấy lâu nay má gọi Út là con gái, vuốt ve tóc dài Út, bán nhà cho tiền Út chuyển giới, và chấp nhận Út lấy Công… Nhưng trong thâm tâm, Út vẫn là thằng con trai má đứt ruột đẻ đau chín tháng mười ngày.
An đặt tên con là Như Ý, nghĩa là như ý nguyện của má có đứa cháu nội chị đã thực hiện được. Từ ngày nuôi Ý, An mới thấu hết nỗi khổ của má. Chị bảo: “Cứ tưởng làm mẹ dễ lắm, ai dè…”.
Lần đầu chị tập hát ru con, con khóc ré. Lần đầu tập cho con bú sữa bình, con ói ngược. Lần đầu tập đưa Ý đi học, phải giả đò ngó lơ nhận là dì vì sợ con thẹn với bạn. Lần đầu tiên tập yêu một đứa con bằng tình yêu mộc mạc của người mẹ… An tập lần đầu tiên, từ từ, từng bước một.
Lên 5 tuổi, Ý đã có một đôi mắt sầu thương thương của má. Nó lẽo đẽo theo gánh lô tô mỗi đêm, cầm điện thoại quay cảnh má nó mặc đồ sặc sỡ múa hát trên sân khấu rồi vỗ tay bôm bốp cổ vũ. Nó cũng yêu An, yêu bằng sự mộc mạc của một đứa trẻ. Nhiều lắm!
An kể: Có lần đi chơi, ai đó nói Ý điều gì, tự nhiên con bé khóc lóc chạy về, nằng nặc đòi làm giấy cho nó, “không người ta bảo Ý hổng phải con của má”. Hôm đó, người ta hỏi Ý:
- Ai sinh ra con?
- Má Mi.
- Má sinh con bằng gì?
- Bằng tiền… - con bé trả lời, giọng tỉnh queo làm chị lạnh người.
Người trong xóm lại hay trêu An là người chuyển giới nhiều lần lắm. Lời người lớn nói bông đùa cứ dần dà châm chọc vào đầu con bé tự nhiên đến đáng sợ. Có lần, ngồi rủ rỉ cùng cô chị họ bằng tuổi, cô chị lỡ trêu: Má Mi là pê-đê. Ngay lập tức cái Ý bênh má, dặn nhỏ:
- Đừng gọi là Mi là pê đê. Mi buồn, Mi không thương Ý nữa…
5 tuổi, Ý còn biết nói lời hay ý đẹp như thế để bảo vệ An. 5 tuổi, Ý dạy An biết rằng làm mẹ tuyệt vời thế nào, cho An thấy cuộc sống pê đê đâu đến nỗi tệ. Và hạnh phúc của một gia đình, có ba-có mẹ-có con, mặc kệ lời người ta nói đau lòng, gia đình ấy vẫn nhỏ bé-giản dị-và yêu thương nhau.
Bộ phim kết thúc. Ý lại chạy nhảy xoay vòng trong chiếc đầm màu hường má nó vừa thay để chờ ra lô tô. Con bé thích cười, mặt lúng liếng chẳng may mảy để tâm chuyện kể. An ngồi võng, cót két đưa trong khi giũa lại bộ móng giả.
- Ngày xưa, phẫu thuật xong chị nghĩ là có chết cũng mãn nguyện. Mà giờ, chị thấy vạ miệng quá, sợ chết em ạ!
An vạch ra sau áo, hai bầu vú giả đã bắt đầu hoại tử, đen ngòm. An cứ chần chừ, đắn đo mãi. Chị bảo: Hổng còn thì đâu được gọi là con gái, pê đê hổng dú đi diễn kiếm tiền kiểu gì, nuôi Ý ra sao. Và chị sợ… Nỗi sợ không còn thời gian sống để nhìn Ý trưởng thành năm con bé 18 tuổi. Khi đó, dù muốn dù không, chị vẫn sẽ kể cho con bé nghe một câu chuyện về người mẹ đã đánh đổi hy sinh cho Ý nhiều đến nhường nào. Và chị hạnh phúc về điều đó.
- Sau này chị giải thích thế nào? PV hỏi.
- Thì nói dóc: Con là do mẹ bỏ bộn tiền ra đi cấy mới có. Chị cười quỡn.
- Nhưng đến một độ tuổi, Ý cũng sẽ nhận ra tất cả???
An không trả lời câu hỏi của tôi. Chị chọn im lặng. Ngồi dán lại bộ móng giả bằng chai keo 502 dính cứng ngắt, trét phấn, gắn thêm 3 hàng mi giả rậm cả mắt, chị chờ giờ diễn. Bên kia, trong phòng, cái Ý còn đang bận chơi với chiếc ipad, bận ôm bụng cười vì bộ phim hoạt hình Tom and Jerry.
“Ừ, thì tất cả đều là phim!”, tôi nghĩ. Và thầm mong con bé cũng sẽ nghĩ chuyện má Mi nó như vậy.
Dù là một người bình thường hay bệnh tật, hay khiếm khuyết, hay nghèo khó, thậm chí là mang phận pê-đê bóng gió, người chuyển giới như Nini An,… thì mỗi chúng ta đều có quyền được làm mẹ. Vì con cái là món quà vô giá. Và vì mang nặng đẻ đau, ẵm bồng chăm sóc là công việc thiêng liêng nhất của mỗi bậc cha mẹ.
Để hiểu thêm về mối liên hệ đặc biệt ấy, cùng trải qua cung bậc cảm xúc tuyệt vời khi được mang bầu, hãy đón xem chương trình Khi đàn ông mang bầu được phát sóng vào lúc 20h30 thứ 5 hàng tuần trên VTV3 nhé!
Hotface Di Bảo 'cưới vợ liền tay' ngay sau 2 ngày đăng ký kết hôn tại Mỹ Sau 2 ngày công khai đăng ký hợp pháp hôn nhân, cặp đôi Di Bảo và Quỳnh Nhi đã chính thức tổ chức đám cưới ...
Đạo diễn phim 'Lô tô': 'Tôi tự hào là người đồng tính' Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho rằng tại Việt Nam đã không còn sự kỳ thị dành cho cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính ...
'Tan chảy' với chuyện tình đẹp của cặp sao nữ nổi tiếng Thái Lan Cặp sao nữ Thái Lan nổi tiếng này không ai khác chính là người mẫu kiêm ca sĩ Diya Thonawanik và Julie Wilawan Anderson.
Chiêm ngưỡng nhan sắc của các thí sinh dự thi Quý ông Đồng tính Thế giới - Mr Gay World 2018 Trải qua biết bao sóng gió, căng thẳng và mỏi mệt để tìm mọi biện pháp để “chữa bệnh” cho con, cuối cùng, người mẹ ...
LGBT 07:23 | 14/06/2019
LGBT 17:33 | 11/06/2019
LGBT 07:42 | 11/06/2019
LGBT 18:23 | 10/06/2019
LGBT 18:00 | 06/06/2019
LGBT 16:01 | 05/06/2019
LGBT 14:31 | 05/06/2019
LGBT 16:28 | 04/06/2019