Chuyện những nữ sơn tràng bất chấp hiểm nguy, rủ nhau đi hái 'lộc rừng'

Khi mùa mưa bắt đầu phủ lên núi rừng Tây Nguyên thì cũng là lúc những búp măng non vượt đất vươn lên. Và đó cũng là thời điểm người đồng bào Bahnar lại bắt đầu băng rừng tìm hái những búp măng tươi rói đem về chợ bán kiếm thêm thu nhập. Nhưng đâu ai biết rằng những chuyến đi hái măng lại đầy rẫy những khó khăn và nguy hiểm.

Vượt suối, băng rừng

chuyen nhung nu son trang ru nhau di hai loc rung
Để có được những kí măng trắng nõn bán cho người dân, các "sơn nữ" phải chui rúc trong các bụi rậm. (Ảnh: Thiên Ân).

Những ngày cuối tháng 10, sau khi nghe vị lãnh đạo xã Đăk Tơ Ve (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) giới thiệu về loại măng rừng thơm ngon của địa phương. Tôi đã trở về làng Đê Tuêk tìm gặp những “nữ sơn tràng” để tìm hiểu thêm về loại đặc sản này cũng như cách thức để tìm ra nó.

5h sáng, chị Thao (29 tuổi) trở dậy nấu nướng chuẩn bị cho bữa cơm sáng băng rừng hái măng của mình. Chị là một trong những phụ nữ hái măng có tiếng của làng Đê Tuêk nghèo khó này.

Khi biết tôi muốn đi theo hành trình hái măng của các chị, chị khẽ cười rồi xua tay “Không theo được tụi mình đâu, xa lắm, có khi bọn mình đi đến tối, lúc nào đầy gùi mới về.”

Sau đó, vì thấy chúng tôi vẫn kiên định, chị quay sang ý hỏi người bạn đường rừng của mình và cả hai đều gật đầu đồng ý.

Dẫn đường là chị M’lanh (34 tuổi) được xem là người đi rừng cừ khôi nhất làng. Vừa chui vào các ngõ ngách của rừng chị M’lanh vừa nói: “Đi rừng như thế này khổ nhất là gặp trời mưa, trong rừng làm gì có chỗ trú, áo mưa thì không trụ nổi với gai rừng nên đành phải chịu ướt, đi miết rồi cũng khô thôi”.

Chị M’lanh có khuôn mặt đen sạm và có vẻ già trước tuổi, có lẽ những buổi dãi nắng dầm mưa, len lỏi trong các khu rừng để mưu sinh đã khiến các nếp nhăn hằn rõ lên vầng trán chị. Năm nào cũng thế, cứ đến mùa mưa là chị lại lên rừng tìm măng như người ta đến bữa ăn cơm vậy.

Quãng đường từ nhà vào đến rừng dài khoảng hơn 10 km, trong đó có đoạn đường đất lầy lội, khó đi. Cũng có đoạn những cành le chắn ngang lối khiến ai đi qua cũng phải cúi gập người sát đất.

Trong rừng luôn ẩm ướt, đường đi cũng trở nên trơn trượt, nếu người đi không cẩn thận có thể bị trượt chân té, ngã bất cứ lúc nào.

Những người đi hái măng cho biết, khu rừng này rất rộng nên măng rất nhiều. Măng nhiều như vậy nhưng mỗi người cũng chỉ bẻ được khoảng 2 gùi là quay về vì loại măng này tương đối khó bẻ, phải dùng dao, rựa móc và cứa sâu xuống gốc thì mới lấy được cây măng ngon và đẹp.

Nguy hiểm chực chờ

chuyen nhung nu son trang ru nhau di hai loc rung
Thành quả sau một chặng được dài băng rừng, vượt bụi rậm là những búp măng trắng nõn. (Ảnh: Thiên Ân).

Vừa tìm những búp măng, chị M’lanh vừa kể nhà chị cũng trồng được hơn 700 cây cà phê, nhưng đất đai bạc màu quá, cây trồng không năng suất nên hàng ngày chị vẫn phải làm thêm để kiếm kế sinh nhai.

“Con mình có 3 đứa, nghèo quá nên phải vào rừng hái măng về bán kiếm tiền thôi. Chứ ở nhà không biết làm gì để nuôi con đâu.” chị M’lanh nói, trong mắt chợt hiện ra một nỗi buồn man mác.

“Năm nào mình chả đi. Người ta sợ lên rừng gặp nguy hiểm nên phải họp nhóm 5-7 người mới dám đi. Còn mình thì có chị M’lanh làm bạn rồi, bọn mình đi miết thành quen. Người ta bảo, cứ đi, lỡ gặp chuyện gì đó trên rừng hay gặp người xấu thì biết làm sao? Nhưng bọn mình không sợ, Không đi thì làm gì có tiền mà nuôi con.”, chị Thao tâm sự.

Trời mưa là điều kiện thuận lợi cho măng phát triển nhưng cũng khiến cho muỗi, vắt nhiều hơn. Bên cạnh đó, rắn, rết, thậm chí là heo rừng cũng mối nguy hiểm rình rập, có thể tấn công người hái măng bất cứ lúc nào.

“Đi hái măng bị muỗi hay vắt cắn là chuyện bình thường. Có khi gặp heo rừng, hai chị em sợ quá bỏ cả dao mà chạy, lúc sau mới dám quay lại. Có lần mình cứ ham hái miết, đến khi quay trở ra thì trời tối.

Đường trơn, gùi nặng lại đi vội vã nên mình trượt ngã, đầu gối bị cây le nhọn chọc vào. Vết thương ấy bắt mình ở yên một chỗ, không đi lại được gần một tháng.”, chị Thao tươi cười kể lại, không quên xắn ống quần chỉ chỗ vết tích của một lần đi hái măng mà chị chẳng may bị trượt chân ngã.

Các chị cứ chui rúc trong rừng như thế cho đến khi nào gùi đã đầy măng rồi mới đem ra bìa rừng bóc vỏ. Những búp măng sau khi lột bỏ lớp vỏ khô cứng, đầy lông ở bên ngoài, để lộ ra phần trắng nõn bên trong rất đẹp mắt.

Nhưng đâu ai biết rằng để có được những búp măng trắng nõn như vậy các chị đã phải đổi lại bằng mồ hôi, nước mắt và có khi là cả máu nữa.

Con đường trở về làng của các chị có phần còn nặng nhọc hơn vì trên lưng mỗi người đang phải gùi thêm 15-20 kg măng tươi nhưng trên khuôn mặt của các chị chẳng có vẻ gì là mệt mỏi.

Chị M’lanh bấm tay lẩm nhẩm “10.000 đồng một cân thì chừng này mình cũng có gần 200.000 đồng rồi …”. Có lẽ vì thứ mà các chị gùi trên lưng lúc này không còn là măng nữa. Mà nó là cơm áo gạo tiền, là tương lai của con em các chị...

chuyen nhung nu son trang ru nhau di hai loc rung Đắk Lắk: Vẻ đẹp sơn nữ giữa núi rừng Tây Nguyên đại ngàn

Có lẽ chính bản sắc văn hóa, nét đẹp con người của các dân tộc anh em cùng với thiên nhiên hùng vĩ đã nhào ...

chuyen nhung nu son trang ru nhau di hai loc rung Bắt 2 sơn nữ, thu giữ hơn 26 nghìn viên ma túy tổng hợp

Lực lượng chức năng bắt quả tang đối tượng Mùa Thị Pàng và Sùng Thị Lìa về hành vi mua bán vận chuyển trái phép ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.