“Có thiện cảm ngay từ lần đầu chạm mặt”
Chuyện tình xuyên biên giới, vượt qua nhiều rào cản, cấm đoán từ phía gia đình của cô gái Việt quê Bình Định và chàng trai người Nhật Bản khiến người ta nhớ đến hình ảnh nàng Lọ Lem trong hành trình đi tìm chàng hoàng tử của đời mình.
Tình yêu của chị Trần Thị Yến và anh Sakata Masanori từng vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía gia đình. |
Cách đây 3 năm, Trần Thị Yến (sinh năm 1983, nhân viên trường Nhật ngữ ở Tokyo, Bình Định, Việt Nam) và anh Sakata Masanori (sinh năm 1979, nhân viên nhà nước thành phố Tokyo Tochou, Nhật Bản) quen nhau qua một nhóm bạn quốc tế khi Yến đang làm việc tại Nhật Bản. Ngay lần đầu chạm mặt, chàng trai Nhật Bản này đã có thiện cảm với cô gái Việt Nam vóc dáng nhỏ nhắn, xinh xắn.
Ngay sau đó, anh Masanori đã ngầm lên kế hoạch để “lấy lòng” nàng. Sau một lần đi xem bóng chày cùng nhau, Yến và anh Masanori chính thức hẹn hò mà chẳng cần lời tỏ tình chính thức. Với họ, sự chân thành của đối phương đã là quá đủ.
Yến cho biết khoảng cách địa lý xa xôi hay bất cứ điều gì khác không ngăn cản được tình yêu này. Mà có đôi khi chính khoảng cách ấy giúp hai người càng gắn bó, yêu thương nhau nhiều hơn.
Yến chia sẻ khoảng cách địa lý xa xôi hay bất cứ điều gì khác không ngăn cản được tình yêu này. |
Về kỷ niệm tình yêu đáng nhớ nhất, cô gái Việt chia sẻ: “Kỷ niệm 1 năm yêu nhau, anh Masa đã âm thầm chuẩn bị màn cầu hôn với 30 bông hồng lớn đúng bằng số tuổi của mình. Trong bữa tối lãng mạn ở nhà hàng, khoảnh khắc Yến nhớ nhất là khi anh Masa quỳ xuống và nói: Bạn có đồng ý lấy mình không?”. Anh Masa nói tiếng Việt lơ lớ nên phải nói đến lần thứ 5 mình mới hiểu được, Yến kể.
Mãi tận sau này, Yến mới biết để chuẩn bị cho màn cầu hôn, anh Masa phải đến 3 cửa hàng hoa mới mua đủ số hoa đó, còn câu cầu hôn bằng tiếng Việt kia thì anh nhờ sự trợ giúp của Google.
Đám cưới của cặp đôi được tổ chức tại Đền thần Meijijingu trong trang phục truyền thống của người Nhật Bản. |
“Dù thế nào vẫn yêu, kể cả bị gia đình phản đối”
Trước khi có một đám cưới đẹp như mơ tại Đền Thần Meijijingu, cặp đôi vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía gia đình. Gia đình anh Masa không chấp nhận Yến, với lý do Yến là cô gái Việt Nam. Gia đình anh cho rằng các cô gái Việt khi lấy chồng Nhật đều có chung mục đích muốn nhập quốc tịch Nhật, sau đó ly hôn chia tài sản hoặc sau khi thành vợ chồng sẽ lấy tiền gửi về cho gia đình.
Khi tình cảm của mình bị hiểu lầm, Yến buồn bã, dằn vặt bản thân và nhìn nhận lại tình cảm của mình. Những người bạn của Yến đều động viên, ủng hộ cô, trong khi đó anh Masa vẫn một lòng yêu thương, bảo vệ người mình yêu.
Yến trải lòng: “Bản thân tôi cũng có lòng tự trọng, là người có công việc đàng hoàng, kinh tế độc lập. Nhưng vì người mình yêu, tôi đã quyết tâm chứng minh và khẳng định tình cảm chân thành của mình dành cho Masa như những nỗ lực tôi đã làm trước kia”.
“Còn về phía anh Masa, anh nói dù thế nào vẫn yêu, ngay cả khi bị gia đình phản đối. Câu nói ấy khiến mình mạnh mẽ và càng vững tin hơn”.
Cô dâu Việt hạnh phúc bên gia đình chồng. |
Dần dần, “mưa dầm thấm lâu”, bằng sự nỗ lực và tình cảm chân thành của bản thân, gia đình anh Masa đã hiểu Yến hơn và thay đổi định kiến về Yến. Đám cưới của cặp đôi sau đó được tổ chức với không khí trang nghiêm bên trong Đền Thần Meijijingu - một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất Nhật Bản.
Chia sẻ về cuộc sống hôn nhân với người ngoại quốc, Yến hạnh phúc nói: “Cưới nhau được một năm rưỡi nhưng tình cảm vợ chồng không có gì thay đổi, có chăng là hôm nay yêu hơn ngày hôm qua. Chồng mình vẫn thường xuyên dành cho vợ nhiều món quà bất ngờ mặc dù không phải là ngày kỷ niệm gì”.
"Chồng vẫn thường xuyên dành cho vợ nhiều món quà bất ngờ mặc dù không phải là ngày kỷ niệm gì”. |
Yến cũng tự nhận mình khá may mắn khi sau khi kết hôn lại được gia đình chồng yêu thương, bảo vệ. Sau không ít khó khăn, phản đối từ phía gia đình chồng, giờ đây, cô gái Việt đã có cuộc sống hạnh phúc bên chồng và được gia đình chồng rất mực yêu thương.