Có hiện tượng chia nhỏ dự án lớn thành các dự án dưới 10 ha để 'né' quy định quỹ đất nhà ở xã hội

Theo Bộ Xây dựng, có hiện tượng chia nhỏ dự án lớn thành các dự án dưới 10 ha để tránh việc phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Có hiện tượng chia nhỏ dự án lớn thành các dự án dưới 10 ha để 'né; quy định về quỹ đất làm nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Một dự án nhà ở xã hội tại Khánh Hòa. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Trong hơn 6 năm thực hiện Luật Nhà ở 2014, chính sách về phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đã xảy ra những bất cập, hạn chế trong việc tổ chức thi hành.

Báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ ra, một trong những điểm đáng chú ý là vấn đề về quỹ đất dành cho nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và khu đô thị.

Cụ thể, đối với quy định dành quỹ đất 20% ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; thực tế, tại nhiều đô thị từ loại III trở lên, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến việc quy hoạch, bố trí quỹ đất này.

Nhiều chủ đầu tư đề xuất chính quyền địa phương cho phép dự án dưới 10 ha được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền dẫn tới tình trạng thiếu quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là các đô thị lớn (đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I).

Một số địa phương chấp thuận việc thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp tiền của các chủ đầu tư, nhưng lại không sử dụng khoản tiền này để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo quy định.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng chia nhỏ dự án lớn thành các dự án dưới 10 ha để tránh việc phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Bộ cho biết có tình trạng một số địa phương quy định bắt buộc tất cả các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đều phải dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội. Điều này không phù hợp đối với những dự án đặc thù như các dự án thương mại cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; các dự án thuộc khu vực có địa hình phức tạp (đồi núi, ven biển...), có quỹ đất dồi dào, giá đất thấp, chưa có nhu cầu cấp thiết về nhà ở xã hội... dẫn đến lãng phí về nguồn lực đất đai.

Trong trường hợp này, nếu dự án có quy mô sử dụng đất trên 10 ha thì UBND cấp tỉnh có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận. Tuy nhiên, các quy định có là rõ các tiêu chí thế nào là không phù hợp quy hoạch của địa phương theo pháp luật quy hoạch, pháp luật nhà ở để Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Trên thực tế cũng không có trường hợp "có bố trí nhưng không đủ quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội" dẫn đến vướng mắc trong thực hiện.

Đối với hình thức phát triển nhà ở xã hội, Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định cho phép bán nhà ở xã hội cho tổ chức, doanh nghiệp bố trí nhà ở cho công nhân, mà chỉ được bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội cho đối tượng là các hộ gia đình, cá nhân, không có quy định bán cho tổ chức. Quy định này dẫn đến việc doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ trong các khu công nghiệp không thể đứng ra mua hoặc thuê nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động của đơn vị mình.

Quy định về điều kiện lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đất đai. Bất cập này dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà xã hội tại các địa phương còn lúng túng, kéo dài.

Ngoài ra còn có những tồn tại khác về nguồn vốn, đối tượng thụ hưởng, cơ chế ưu đãi, hình thức hỗ trợ và quản lý xây dựng...

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.