Cơ hội mua rẻ tài sản quốc gia

Nếu như những năm trước đây, hoạt động mua rẻ tài sản nhà nước chỉ được thực hiện qua việc định giá khi cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, hay các hợp đồng bán tài sản nhà nước thiếu minh bạch, thì giờ đây khi nền kinh tế lâm vào khó khăn, chứng khoán đi xuống cũng là một cơ hội cho việc mua rẻ tài sản quốc gia.
Cơ hội mua rẻ tài sản quốc gia - Ảnh 1.

Với con số ước lỗ năm 2020, hãng hàng không quốc gia thậm chí âm vốn chủ sở hữu tới hơn 1.000 tỉ đồng vào cuối năm nay. (Ảnh: Lê Anh).

Từ các doanh nghiệp trên sàn

Tổng công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu POW), hiện tập đoàn Dầu khí đang sở hữu gần 80% vốn, đã chứng kiến giá cổ phiếu rớt 60% trong vòng một năm qua, về tận mức 7.000 đồng/cổ phiếu trong cuộc chìm sâu ở tháng 3 vừa qua, dù lợi nhuận năm 2019 tăng gấp 5 lần so với 2018 và vượt 125% kế hoạch năm.

Một ông lớn khác trong ngành điện là Công ty cổ phần (CTCP) Xây lắp điện I (PC1) giá cổ phiếu cũng giảm hơn 50% chỉ trong vòng sáu tháng, có lúc rớt về quanh mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dù thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2019 vẫn duy trì mức cao hơn 2.400 đồng, đẩy hệ số giá trên lợi nhuận (P/E) chỉ còn quanh mốc 6 và nhiều công ty chứng khoán định giá hợp lí phải ở 30.00 đồng/cổ phiếu.

Trong nhóm dầu khí, một loạt tổng công ty lớn của Nhà nước cũng chứng kiến giá cổ phiếu bốc hơi hàng chục phần trăm giá trị, trong bối cảnh suy giảm chung của thị trường và giá dầu quốc tế rớt mạnh. 

Cổ phiếu Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) có lúc rớt về dưới mức 7.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ khi lên sàn. Cổ phiếu Tổng CTCP Dịch vụ Kĩ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) chìm sâu về 8.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT) lao dốc không phanh từ mức 17.000 đồng hồi đầu năm nay về mức thấp nhất ở 7.500 đồng vào cuối tháng 3.

Mọi thứ trên sàn UpCom cũng không khá gì hơn. Cổ phiếu CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tiếp tục lập đáy mới ở mức dưới 5.000 đồng/cổ phiếu trong đợt chìm sâu của tháng 3, mất gần 85% giá trị kể từ khi lên sàn ở giá hơn 31.000 đồng/cổ phiếu cách đây hai năm. Tổng CTCP Dầu Việt Nam (OIL) cũng tìm thấy đáy mới ở vùng gần 5.000 đồng/cổ phiếu, giá tương đương với một cốc trà đá.

Nỗi lo về khả năng các tập đoàn có giá trị tài sản lớn bị thâu tóm khi giá cổ phiếu xuống thấp là có cơ sở.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở một loạt cổ phiếu của các tập đoàn nhà nước, tổng công ty lớn khác. 

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT), không chỉ được cho là ngành hưởng lợi trước các hiệp định thương mại tự do đã kí kết gần đây, mà còn sở hữu nhiều đất vàng, với cơ cấu cổ đông có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu hơn 53% cổ phần và tập đoàn Vingoup nắm 10% cổ phần, nhưng giá cổ phiếu vào cuối tháng 3 đã rớt về dưới mốc 6.000 đồng/cổ phiếu, trước khi bật lại vùng 8.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Hay như Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (HVN) cũng rớt từ đỉnh cao hơn 58.000/cổ phiếu cách đây hai năm xuống chỉ còn dưới 18.000 đồng/cổ phiếu, tại mức thấp nhất gần đây. Nhà nước đang sở hữu hơn 86%, còn cổ đông chiến lược là tập đoàn Hàng không Nhật Bản ANA Holdings Inc cũng nắm gần 8,8%. 

HVN gần đây cho biết nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quí IV/2020, tổng doanh thu ước đạt 38.140 tỉ đồng, giảm 34% so với kế hoạch, lỗ 19.651 tỉ đồng. Với con số ước lỗ năm 2020, hãng hàng không quốc gia thậm chí âm vốn chủ sở hữu tới hơn 1.000 tỉ đồng vào cuối năm nay.

Dù vậy, việc giải cứu các tập đoàn lớn không phải là điều dễ dàng, như trường hợp những đề xuất về cơ chế hỗ trợ cho HVN gần đây được các chuyên gia chỉ ra có thể vi phạm các điều luật, trong khi một số biện pháp mang tính bảo hộ có nguy cơ đi ngược lại với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường với nền tảng cạnh tranh công bằng.

Cần biết rằng hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều sở hữu khá nhiều vị trí đất vàng đắc địa, tài sản cố định có giá trị cao, được hưởng những cơ chế, đặc quyền để tiếp cận các cơ hội kinh doanh, trong đó không ít doanh nghiệp có vị thế độc quyền, mà các doanh nghiệp tư nhân khó có cơ hội chạm tới. 

Việc giá cổ phiếu chìm sâu chưa từng có trở thành cơ hội cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nước ngoài, gia tăng sở hữu cổ phần thông qua mua trên sàn chứng khoán với giá rẻ mạt.

Đến những doanh nghiệp sắp cổ phần hóa

Đi kèm với việc thị trường chứng khoán chìm sâu, xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài rút ròng, khiến cơ hội thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các thương vụ cổ phần hóa, trong giai đoạn tới sẽ thách thức chồng thách thức. Rõ ràng khi người mua ít, cầu thấp cung cao, thì giá trị đi xuống là tất yếu, theo đó nhiều doanh nghiệp có thể phải hạ giá chào bán thấp hơn giá trị thực tế thì mới có cơ hội thành công.

Trong hai năm trở lại đây, tiến độ cổ phần hóa đã trở nên chậm đáng kể, thường xuyên không đạt kế hoạch đề ra và dồn áp lực sang những năm tiếp theo, ngoài lí do nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trì trệ thì việc thị trường chứng khoán ngày càng ảm đạm cũng khiến các thương vụ thoái vốn, cổ phần hóa không còn sôi động như trước. 

Như trong dự toán năm 2020 của Bộ Tài chính, khoản thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ước tính là 45.000 tỉ đồng, tuy nhiên quí I đã kết thúc mà vẫn chưa thu được đồng nào.

Trong thời gian tới, với các thương vụ chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) lớn như MobiFone, VNPT, Genco 1, Genco 2, hay các thương vụ cổ phần hóa như Agribank, những tập đoàn của Nhà nước kinh doanh trong những ngành nghề hấp dẫn, thì trước tình trạng các kênh đầu tư trở nên suy yếu như hiện nay, cơ hội để tham giá đấu giá và mua cổ phần tại những doanh nghiệp này với giá trị thấp là hiển hiện.

Thực tế thời gian qua cho thấy trong quá trình định giá nhiều doanh nghiệp nhà nước, giá trị của các tài sản đất “vàng” chưa được đánh giá đúng mức, nên không ít thương vụ Nhà nước bị hớ khi cổ phần hóa và thoái vốn, còn phía nhà đầu tư khi tham gia góp vốn, hoặc tìm cách thâu tóm các doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ chăm chăm vào giá trị của các mảnh đất vàng, chứ ít khi vì muốn đồng hành với những hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Nỗi lo về khả năng các tập đoàn có giá trị tài sản lớn bị thâu tóm khi giá cổ phiếu xuống thấp là có cơ sở. Thống kê cho thấy, trong quí I/2020 chứng kiến 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỉ đô la Mỹ, giảm 65,6% so với cùng kì.

Đáng lưu ý là trong đó chỉ có 455 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 0,71 tỉ đô la, giảm mạnh 85% so với cùng kì; ngược lại có đến 2.068 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,25 tỉ đô la, tăng 39% so cùng kì. 

Cần biết rằng các thương vụ không làm tăng vốn điều lệ thường diễn ra dưới các hình thức cổ đông trong nước thoái vốn, hoặc chính doanh nghiệp tự bán mình cho nước ngoài.

Trong tình hình này, các biện pháp hỗ trợ giá cổ phiếu không ngừng được thực hiện, ngay từ chính các cơ quan quản lí nhà nước. Đơn cử như ngoài các thông tin mua vào cổ phiếu quỹ, ban lãnh đạo, cổ đông lớn đăng kí mua cổ phiếu, SCIC gần đây đã đăng kí mua vào 1 triệu cổ phiếu FPT.

Được biết trong nhiều năm qua SCIC chỉ thoái vốn nhà nước và chưa hề thực hiện việc mua vào cổ phiếu trên sàn như hiện nay, vì vậy giới đầu tư đang kì vọng đây là thương vụ mở màn cho các chuỗi mua ròng nhiều cổ phiếu trụ, cổ phiếu các tập đoàn nhà nước lớn, để đỡ giá chứng khoán trong thời gian tới, nhất là khi thị giá nhiều doanh nghiệp đã về mức thấp một cách bất hợp lí so với định giá.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.