Có một An Giang 'hương' và 'vị'

Lâu nay, nhắc đến An Giang, nhiều người hay nghĩ đến một vùng đất “sông - núi hữu tình” với hình ảnh đầy mê hoặc lòng người.
co mot an giang huong va vi Mê mẩn trước vẻ đẹp của 'Tuyệt tình cốc' ở An Giang

Lâu nay, nhắc đến An Giang, nhiều người hay nghĩ đến một vùng đất “sông - núi hữu tình” với hình ảnh đầy mê hoặc lòng người.

Giữa đồng bằng sông ngòi chằng chịt lại có hàng chục ngọn núi: Núi chập chùng, núi vút cao, núi quanh năm cuộn mình trong chiếc khăn mỏng mảnh của mây mù lơ đễnh vắt mình bên những ghềnh đá róc rách tiếng suối chảy...

Nhưng với vị thế độc - lạ của mình, An Giang còn tiềm ẩn bên trong vẻ đẹp khác, như nét duyên ngầm, càng nhìn càng đắm, càng ngắm càng say. Đó là một An Giang của “hương” và “vị”. Vâng, một hương - vị rất riêng, đủ sức hấp dẫn và níu chân du khách trở lại trong ngày không xa... Nhất là vào mùa nước lên như hiện nay, khi nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, đồng đất nơi đây như khoác lên mình chiếc áo mới lấp lánh...

co mot an giang huong va vi
Hái bông điên điển - đặc sản mùa nước nổi ở An Giang

Lâng lâng với mùa nước lên

Là địa phương đầu nguồn vùng ĐBSCL, An Giang là nơi đầu tiên của Việt Nam đón nhận nước từ thượng nguồn Mekong đổ về, nên hơn đâu hết, nơi đây luôn có được lợi thế của “quả ngọt đầu mùa” so với các địa phương trong vùng. Khi nước dưới sông bắt đầu “quay” (Mùng 5.5 âm lịch), An Giang bước vào “mùa nước lên”. Không như cách gọi mang tính áp đặt trước đây là “lũ”, mùa nước lên ở An Giang diễn ra từ từ, hiền hòa như chính tính cách chân chất của người dân nơi đây. Lúc này, những con sông uốn lượn qua những miền quê man mát, những cánh đồng cò bay thẳng cánh như bị xóa hết ranh giới cũ để khoác lên mình chiếc áo mới đầy sắc màu diễm lệ của chút vàng tươi rực rỡ từ những cây điên điển ngâm mình giữa biển nước, của sắc bông súng tim tím vươn lên từ sóng nước bồng bềnh... Đó là những thứ “ngòi nổ” cho đặc sản “nức lòng người” thăng hoa: mắm kho.

Thi sĩ Viễn Phương - người con của đất An Giang nổi danh với bài thơ “Viếng lăng Bác” - đã từng khắc họa “tượng đài” hương vị độc đáo này trong phách nhạc vô cùng thanh thoát:

“Bông súng mùa này đã ra bông,

Canh chua điên điển, cá rô đồng

Mắm kho cá lóc, cơm nồi đất

Lửa bập bùng sôi, nhớ cháy lòng”

Vâng, chỉ “bông súng mắm kho” thôi. Đơn sơ, giản dị như “hương đồng, gió nội” thôi, nhưng không du khách nào không bị níu lòng khi cái khẩu vị như bị tan chảy ngay trong cái giòn tan đầu tiên của cọng bông súng đồng nội thắm mình trong nghi ngút khói của tô mắm kho sền sệt vị ngọt của con lươn vàng béo ngậy, của con ốc giòn sần sật... Rồi mắt lại thêm no nê trong buổi tiệc sắc màu khi điểm xuyến vào đấy là màu vàng tươi của bông điên điển. Mắm ở An Giang là cả một thế giới chủng loại, sắc màu. Từ con cá linh, cá chốt, cá sặc, cá trèn.... cho đến cá lóc, cá mè dinh... dưới bàn tay tài hoa của người dân An Giang, tất cả trở thành món mắm đặc sắc. Và “con cá làm vạ cọng rau”. Thế là những thứ rau đồng mùa nước lên, như rau muống, rau dừa, rau mác, kèo nèo, hẹ nước... xanh non, giòn tan đem nhúng vào lẩu mắm bốc khói, kèm thêm tí cay nồng của gừng non thái mỏng, ớt xanh giòn giòn... Chao ôi, thử hỏi có khẩu vị nào có thể hoãn cái sự sung sướng lại được?!

Ở An Giang, mùa nước lên cũng là mùa của các sản vật sinh sôi, nẩy nở... đến mức chỉ cần với tay ra khỏi nhà là có ngay những cua, những ốc... Có thể đó chỉ là những sản vật “hương đồng gió nội”, nhưng qua bàn tay chế biến của người An Giang, tất cả sẽ nhanh chóng trở thành đặc sản đến mức, đã ngồi xuống bàn thưởng thức rồi thì khó lòng đứng dậy sớm được. Bởi đó không chỉ là món ốc luộc hèm, luộc xả, ốc dồi, ốc tả -pí-lù...mà còn là mắm cua độc đáo...

co mot an giang huong va vi
Cá lóc nướng trui - món ăn đặc sản của An Giang

Sẽ vô cùng thiếu sót nếu về An Giang vào mùa lũ mà không nhắc đến đặc sản cá linh. Theo con nước từ thượng nguồn, cá linh từ Biển Hồ (Campuchia) tràn về sông Cửu Long. Cá linh thịt mềm, vị ngọt lịm và có chút beo béo nhưng không hề gây ngấy vì chỉ ăn phiêu sinh vật trên đường “rong chơi”. Vì vậy, tuy chỉ có kích cỡ nho nhỏ, nhưng cá linh lại rất rộng đường chế biến thành các món đặc sản, như: Kho lạt dầm với me nướng cho thêm tí ớt khô lên trên cùng hình lá... rồi chấm với rau muống đồng mùa nước lên non mơn mởn, mập tròn như đứa trẻ “chạy sữa”, chỉ cần cắn nhẹ vào đã vang lên âm thanh giòn tan như tiếng kèn thôi thúc cái vị giác tiến công... Còn nữa, cá linh nướng, chấm với nước mắm xoài hườm hườm bầm nhuyễn, hoặc nước mắm me tươi tách bỏ hạt rồi đâm nát phần thịt tạo ra vị chua. Đảm bảo ngay cả khẩu vị khó tính nhất cũng khó thể cưỡng lại được...

Nồng nàn “hương đất - tình người”

Không chỉ được thiên nhiên hào phóng ban tặng nhiều sản vật “hương đồng gió nội”, du khách đến An Giang còn bị hấp dẫn bởi loại hương vị của tình người. Người An Giang rất hiếu khách, gặp nhau là tay bắt, mặt mừng. Và cuối cùng là lôi cho bằng được khách ngồi vào mâm để đãi cho bằng được món ăn quê nhà. Món ăn dân dã của An Giang, có thể không có được sự khéo léo tài hoa đến “nhức mắt, dậy mũi”, nhưng lại làm đắm đuối lòng người bởi cái vị bên trong. Thông thường nhất là món cá lóc nướng rơm. Lựa cá lóc mập tròn, trắng múp rồi “trui” (xiêng) thanh tre vót nhọn dọc thân cá từ đầu xuống đuôi, sau đó cắm xuống đất rồi chất rơm lên đốt xung quanh. Khói lửa bùng lên, mùi rơm rạ mới pha lẫn chút khen khét của phần da cá cháy xém...đã tạo ra mùi thơm, ngon lạ. Và món ăn càng thêm ngon với hương vị của tình người hiếu khách:

“Đập con cá lóc nướng trui

Làm mâm rượu trắng đãi người phương xa”.

Đảm bảo, lúc đó cái cảm giác xa lạ sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho tình người An Giang nồng nàn, ấm áp. Chính vì thế, hương - vị này như chấp cánh cho các đặc sản An Giang đã ngon càng thêm đậm đà, xao xuyến mãi không tan. Bởi đó chính là hương tình người được truyền trong huyết quản của bao thế hệ người An Giang:

“Canh chua điển điển cá linh,

Ăn chỉ một mình thì chẳng thấy ngon”.

Dẫu chỉ là con cá trên sông, rau lá trên đồng, nhưng hương vị đặc thù vẫn đủ khiến du khách nhớ đến An Giang như nỗi nhớ về miền đất đầy sản vật ngon, độc lạ và nhất là đầy hương vị của ân tình, ân nghĩa... Đủ để cho mỗi ai đặt chân đến đây cũng đều xao động trong tâm hồn thấp thoáng hồn quê Nam bộ với những hình ảnh thân thương, dịu dàng như câu chuyện ngoại kể giữa trưa hè nắng xiên bóng hàng cau, gió rợp bóng rặng tre làng, với thấp thoáng cánh cò chao nghiêng chở cổ tích ướm vào đôi hài nàng Tấm... Xin hãy một lần đến An Giang, lưu lại đây, bạn không chỉ cảm nhận được một An Giang “sông - núi hữu tình” mà còn ngọt lịm nơi đầu lưỡi về một An Giang đậm đà hương đất - tình người.

'MỜI XEM THÊM'

co mot an giang huong va vi Điểm lưu trú ở An Giang cho chuyến đi mùa nước nổi
co mot an giang huong va vi Về vùng đất 7 núi An Giang nhớ ghé Thiền viện Đông Lai
co mot an giang huong va vi Về An Giang dạo chơi rừng tràm Trà Sư
chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.