Ranh giới mong manh
Vào các ngày kỷ niệm lớn của đất nước như: 30/4 – ngày Giải phóng miền Nam, 19/8 - ngày Cách mạng tháng Tám hay ngày Quốc khánh 2/9, giai điệu của các bài hát cách mạng lại vang lên. Nhiều nghệ sĩ hát nhạc cách mạng là một sự trải nghiệm. Với họ, hát nhạc cách mạng không phải là trào lưu bắt chước nhau mà đó là cách mà họ thể hiện lòng yêu nước. Họ muốn giữ gìn những giai điệu, nốt nhạc hào hùng của cha ông theo cách riêng của họ.
Ca sĩ Phạm Thu Hà cho biết: “Vào các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, nhiều chương trình văn nghệ chào mừng cách mạng được diễn ra. Hơn ai hết, các nghệ sĩ rất vinh dự khi được hát các ca khúc cách mạng. Có nhiều ca khúc được phá cách, làm mới để dễ nghe. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ làm mới ca khúc trong khuôn khổ. Các bài hát ấy sẽ được “khoác” một chiếc “áo mới” nhưng vẫn giữ tinh thần cách mạng của cha ông”.
Hai năm trở lại đây, nhiều ca sĩ hát nhạc thị trường như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hoàng Quyên, Noo Phước Thịnh cũng thử sức mình với những ca khúc cách mạng. Các ca khúc như "Biển hát chiều nay", "Và ta lại viết sử xanh" do Mỹ Tâm thể hiện đã nhận được nhiều tình cảm của công chúng. Đàm Vĩnh Hưng khi ra mắt album "Chiếc vòng cầu hôn" cũng mong muốn với cách làm mới các bài hát, khán giả sẽ đón nhận dễ dàng hơn các ca khúc hào hùng của dân tộc.
Album "Chiếc vòng cầu hôn" của Đàm Vĩnh Hưng. |
Thời gian gần đây, nhiều người nhắc đến chương trình "Giai điệu tự hào" trên VTV – một chương trình có chủ trương làm mới nhạc cách mạng nhận được nhiều cảm tình của khán giả. Tuy nhiên, một số ca khúc được làm mới trong chương trình này đã nhận được ý kiến trái chiều từ khán giả, kể cả khi người thể hiện là những ca sĩ nổi tiếng như Trần Thu Hà, Thanh Lam hay Tùng Dương.
Ở một chương trình Giai điệu tự hào, ca sĩ Tùng Dương đã thể hiện ca khúc Nơi đảo xa với phiên bản hoàn toàn mới. Nam ca sĩ thể hiện bài hát theo phong cách Jazz Blue với những giai điệu réo rắt, quyến rũ. Tuy nhiên, phần biểu diễn này đã “vấp” phải những tranh cãi gay gắt. Nhiều người cho rằng, Tùng Dương đã phá cách hơi “quá tay”.
Phần thể hiện bài hát cách mạng Nơi đảo xa của Tùng Dương từng gây tranh cãi. |
Bày tỏ quan điểm của mình về việc nhiều ca sĩ làm mới nhạc cách mạng, ca sĩ Thu Trang cho biết: “Thực ra, tôi cảm thấy hơi ngột thở với sự phát triển của xu hướng âm nhạc hiện nay. Bởi, có quá nhiều dòng nhạc “lai tạo” trên thị trường, khiến cho một người làm nghề như tôi cũng thấy... hoa mắt. Có một thực tế là dòng nhạc truyền thống bây giờ rất kén khán giả, một số ca sĩ đã làm mới quá đà các ca khúc cách mạng. Tôi không đồng tình với việc “làm mới” quá đà ấy.
Chúng ta nên tôn trọng những quy chuẩn của âm nhạc truyền thống. Vì, những ca khúc đó được sáng tác trong một giai đoạn lịch sử nhất định, ca từ giai điệu đã mang theo tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩa hào hùng của giai đoạn lịch sử đó rồi. Vậy nên, sự thay đổi mà không giữ được cái tinh thần của bài hát là không được”.
“Việc làm mới ca khúc sẽ khiến giới trẻ tiếp thu một cách thụ động âm nhạc cách mạng theo xu hướng nghe mà không hiểu được ý nghĩa, không cảm được hồn của ca khúc. Nhiều người thích thú khi được hát một ca khúc cách mạng theo phong cách remix nhưng thử tưởng tượng, một ca sĩ trẻ nào đó đọc Rap ca khúc cách mạng hoặc diện trang phục dị dạng và gào thét trên sân khấu thì sao? Hãy để âm nhạc được phát triển theo đúng hướng “Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Thu Trang tâm sự.
Ca sĩ Thu Trang. |
Phá cách có tâm
Chia sẻ quan điểm về việc làm mới các ca khúc cách mạng, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng cho biết: “Tôi nghĩ, việc phối mới lại những ca khúc cũ cho phù hợp với hơi thở hiện đại là điều cần thiết. Nó vừa giúp kế thừa và lưu truyền những ca khúc xưa tới người trẻ vừa mang cái nhìn mới hơn về âm nhạc cách mạng. Tuy nhiên, việc làm mới thế nào lại là một câu chuyện khác... Một bản phối mới cần có sự phù hợp và tinh tế trong từng nốt nhạc. Để tránh việc “râu ông này cắm cằm bà kia”, người phối nhạc phải có trình độ nhất định, để phá cách nhưng vẫn giữ được sự hào hùng của bản nhạc”.
Trả lời câu hỏi: Một số ca sĩ, nhạc sĩ phối khí làm lại bài hát nhưng làm “quá tay” ca khúc, Phạm Toàn Thắng cho biết: “Chúng ta cần phải xem, bản nhạc đó được phá cách như thế nào? Nếu hát đổi lời, hát đổi nhạc, hát theo một tinh thần sai lệch... thì đó là điều không nên. Còn nếu chỉ đơn giản là hát theo một tinh thần trẻ trung và phù hợp với thế hệ mới, nhưng chưa phù hợp với thế hệ cũ thì tôi nghĩ bài hát cũng cần thời gian để có câu trả lời chính xác.
Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng. |
Nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc ngày càng thoái trào vì luôn giữ một tư duy cũ kỹ, xa rời quần chúng do không có sự cập nhật nội dung mang tính thời đại để phù hợp với xã hội cuộc sống ngày nay. Vì thế, chúng ta cần nghe và cảm nhận từ nhiều chiều”.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cũng ủng hộ quan điểm làm mới các ca khúc cách mạng, nhưng người làm mới cần phải có chuyên môn và dồn nhiều tâm sức vào sản phẩm của mình: “Chỉ những nghệ sĩ có trình độ và chuyên môn mới làm được các bản nhạc mới. Tuy nhiên, các ca khúc cách mạng được làm mới cần phải làm “tử tế” và có chuyên môn, nếu không ca sĩ sẽ phá hỏng bản nhạc vốn có của nó, vì ranh giới giữa “phá cách” và phá hỏng là rất mong manh.
Nhà phê bình âm nhạc Thụy Kha. |
Tôi cho rằng, các ca sĩ trẻ cần phải có trách nhiệm để làm mới những giá trị tinh thần trong ca khúc cách mạng với thế hệ kế tiếp. Để làm được như vậy, các ca sĩ trẻ phải có thời gian và chuyên môn đầu tư vào bài hát để các ca khúc cách mạng “khoác” lên mình “tấm áo mới” mà không bị “chê” là phá hỏng bài hát ấy”.
Ca sĩ Hồ Quang 8 chia sẻ quan điểm của mình: “Tôi nghĩ, từng nốt nhạc trong bài đã được mặc định giai điệu rồi. Khi làm mới chúng ta chỉ có thể làm mới bản phối chứ không thể phá cách bằng việc thêm nốt nhạc. Rất hiếm những tác phẩm làm mới được công chúng đón nhận hân hoan. Tuy nhiên, chúng ta nên sáng tạo vì âm nhạc là cảm xúc, nhưng cần phải sáng tạo trong khuôn khổ, chứ không làm nhạc để “cho vui”, muốn làm gì cũng được”.
Ca sĩ Hồ Quang 8 bày tỏ, cần phải sáng tạo nhạc cách mạng trong khuôn khổ. |
Nhạc sĩ Thao Giang – Giám đốc trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc làm mới những bản nhạc cách mạng, nhưng việc làm mới này cần phải hiểu là làm cho bài hát có màu sắc mới chứ không phá hỏng phong cách vốn có của bài hát. Mà không phải ai cũng có thể phá cách được bản nhạc cũ, phải là người có trình độ mới làm được chuyện này. Nhiều năm trước, bài hát "Diễm xưa" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được dàn nhạc Quốc gia Nhật Bản phối lại với một phiên bản mới rất hay. Phối lại các bản nhạc cũ, làm cho bài bát có phong cách mới là điều nên làm, vì âm nhạc là sáng tạo, là cảm xúc bất tận”.