Cuộc đua đốt tiền, ai đủ sức sống sót qua năm sau

Sự rút lui của Adayroi, ra đi của Lotte trong cuộc đua cho thấy thương mại điện tử đốt tiền kinh khủng. Có thể nói, phát triển website thương mại điện tử ở Việt Nam không phải là cuộc chơi dễ dàng của mọi người.

Lần lượt ra đi

2019 có thể nói là năm buồn với nhiều đại gia thương mại điện tử (TMĐT). Cuộc đua khốc liệt để giữ vị thế đã đốt khá nhiều tiền của các ông lớn. Ngay bản thân những đại gia “mạnh vì gạo, bạo vì tiền cũng phải chùn tay” và rời bỏ thị trường.

Ngày 18/12, Tập đoàn Vingroup cho biết trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID, đánh dấu việc Vingroup rút hẳn mảng bán lẻ. Đây là bước tiếp theo trong lộ trình tái cơ cấu của tập đoàn nhằm tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên cốt lõi là công nghiệp -công nghệ, sau khi tiến hành hoán đổi cổ phần hệ thống siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ cho tập đoàn Masan.

Sau Adayroi, thông tin Lotte.vn chuẩn bị ngừng hoạt động cũng khiến nhiều người tiêu dùng bất ngờ. Ra mắt vào những tháng cuối của năm 2016, Lotte.vn là trang thương mại điện tử của tập đoàn Lotte tại Việt Nam, được quản lí bởi công ty Lotte E-commerce. Tương tự như các đại gia siêu thị khác đi bán hàng trực tuyến như Big C với Cdiscount, Lotte cũng lấy lợi thế là nguồn hàng bán lẻ đồ sộ của mình trong hệ thống siêu thị để đưa lên mạng.

Cuộc đua đốt tiền, ai đủ sức sống sót qua năm sau - Ảnh 1.

Thương mại điện tử khốc liệt.

Một trang thương mại điện tử khác là Robins.vn cũng đã ngừng hoạt động từ đầu năm. Robins.vn ra mắt tháng 5/2017 sau sự hợp nhất với Zalora. Central Group mua lại Zalora Việt Nam thông qua Nguyễn Kim từ năm 2016 và đổi tên sàn thương mại điện tử này thành Robins, đồng nhất với thương hiệu bán lẻ truyền thống của tập đoàn, sau đó một năm.

Sàn thương mại điện tử thuộc sở hữu của Central Group (Thái Lan) này chuyên bán lẻ các sản phầm từ quần áo, giày dép đến phụ kiện, làm đẹp. Sau khi đóng cửa trang bán hàng trực tuyến, Robins vẫn còn cửa hàng tại hai trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội và TP HCM.

"Các doanh nghiệp đều chấp nhận thua lỗ ban đầu khi đầu tư để thâu tóm thị phần. Ngay cả những doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Amazon, JD.com cũng phải mất nhiều năm mới thoát lỗ", ông Nguyễn Việt Quang, CEO Vingroup, chia sẻ.

"Giống các nhà sản xuất lớn khác, sản phẩm của Vingroup không phụ thuộc vào 1 hay 2 nhà phân phối cố định 'trong nhà' mà xuất hiện tại nhiều chuỗi bán lẻ, đại lý, nhà phân phối trên thị trường", ông Quang nói.

Thực tế, trước đó hàng loạt trang thương mại điện tử đã âm thầm rời bỏ thị trường như Vuivui, Beyeu.com, Deca.vn, Lingo.vn... Cdiscount.vn cũng dừng lại sau khi tập đoàn này thâu tóm Big C.

Trước khi dừng hoạt động, Beyeu.com - một dự án của Webtretho được IDG Ventures Việt Nam đầu tư - còn ngậm ngùi để lại lời nhắn: "Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp quyết định sẽ dừng việc đốt tiền. Chúc may mắn cho những người còn lại".

Đại gia tranh hùng

Thương mại điện tử tại Việt Nam rất khốc liệt, nếu không có nguồn vốn lớn thì công sức bỏ ra cũng chỉ như "muối bỏ bể". Theo nghiên cứu của iPrice Group, bốn đại gia dẫn đầu hiện nay là Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo, đây cũng là bốn sàn có lượng truy cập hàng tháng cao nhất Việt Nam.

Trong cuộc đua đó, vị trí thứ hạng liên tục thay đổi. Theo cập nhật của iPrice Group, Sendo trong quý III/2019 đã bất ngờ vượt lên vị trí thứ 2 thị trường TMĐT Việt Nam. Riêng lượng truy cập website, nền tảng này cán mức 30,9 triệu lượt mỗi tháng. Đây là quý thứ hai liên tiếp Sendo đạt mức tăng trưởng về truy cập website trên 10%.

Trái ngược với Sendo, Shopee, Tiki và Lazada đều chững lại về lượng truy cập website. Tiki sau thời gian đứng thứ hai, nay đã nhường vị trí này cho Sendo. Tuy nhiên, ứng dụng di động của công ty lại thăng từ hạng 4 lên hạng 3 về số lượt tải trong quý vừa rồi, vượt qua Lazada.

Cuộc đua đốt tiền, ai đủ sức sống sót qua năm sau - Ảnh 2.

Cuộc đấu giữa các đai gia lớn.

"Những xáo trộn về xếp hạng trên cả hai nền tảng web và ứng dụng di động cho thấy trong cuộc đua thu hút người dùng của các sàn thương mại điện tử Việt Nam, không ai là người thắng kẻ bại tuyệt đối. Mọi khả năng đều có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh các công ty đều đang muốn thu hút thêm nguồn vốn đầu tư mới", iPrice Group bình luận.

Tiếp tục “đốt tiền”, các ông lớn còn phải chịu hao tổn về tài chính. Công ty cổ phần VNG vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019. 

Đáng chú ý, khoản đầu tư của VNG vào sàn thương mại điện tử Tiki hơn 506,2 tỷ đồng được ghi nhận đã lỗ toàn bộ đến hết tháng 6/2019. Kể từ đầu năm nay, VNG đã không tham gia vào đợt phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn của Tiki, giảm tỉ lệ sở hữu tại Tiki từ 28,88% hồi đầu năm xuống còn 24,6%. Thay vào đó, cổ đông ngoại JD.com tăng sở hữu lên 25,651% vốn điều lệ.

Với việc lỗ hết vốn đầu tư, VNG sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi việc thua lỗ của Tiki phản ánh vào kết quả kinh doanh. Vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2019, phần lỗ từ các công ty liên kết của VNG gồm Tiki, Thanh Sơn và ABA chỉ khoảng 28 tỉ đồng, giảm 72% so với số lỗ 99 tỉ đồng cùng kì năm ngoái.

Chính thức ra mắt vào tháng 8/2016, Shopee lỗ 164 tỉ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỉ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3 lên 1.900 tỉ đồng. Dù lỗ lũy kế gần 2.700 tỉ đồng trong 3 năm qua nhưng điểm đáng chú ý là Shopee chưa hề phát sinh doanh thu. Đến tận đầu quý II/2019, trang thương mại điện tử này mới bắt đầu tính đến việc thu phí của người bán hàng trên nền tảng của mình.

Chờ đợi gì năm 2020

Năm 2020, theo các chuyên gia trong ngành, thương mại điện tử tiếp tục khốc liệt. Sức mạnh tương tác của mạng xã hội tác động không nhỏ tới chiến lược của các sàn thương mại điện tử. Đại diện YouNet Media, đơn vị chuyên đo lường và phân tích hoạt động mạng xã hội cho biết, mạng xã hội có khả năng tác động đến mọi giai đoạn trong hành trình mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng, từ lúc tìm kiếm thông tin, đến lúc lựa chọn mua hàng và cuối cùng là phản hồi sau khi mua hàng.

Với việc số lượng khách hàng tương tác qua mạng xã hội tăng với tốc độ chóng mặt, các sàn TMĐT năm 2019 cũng có những phản ứng tích cực để tận dụng ngay kênh này. 

Nổi bật trong số đó là các hoạt động livestream trên Facebook và Youtube khi đồng loạt trong năm nay, bốn sàn TMĐT lớn đều giới thiệu các chương trình livestream với sự tham gia của các ngôi sao giải trí hàng đầu.

Cuộc đua đốt tiền, ai đủ sức sống sót qua năm sau - Ảnh 3.

Người mua cần nhiều sự trải nghiệm.

Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm mới được các sàn thương mại điện tử hướng tới. Điển hình là chiến lược Mua sắm kết hợp giải trí trên ứng dụng di động mang đến những trải nghiệm mua sắm thú vị cho người dùng.

Đồng thời, các đơn vị này cũng đưa ra hàng loạt sáng kiến về logistics giúp người dùng mua sắm chủ động và thuận tiện hơn ngoài phương thức nhận hàng tại nhà hay văn phòng bình thường như Điểm nhận hàng, Tủ khóa thông minh.

Đánh giá về thị trường, ông James Dong, Tổng giám đốc của Lazada Việt Nam cho rằng công nghệ sẽ là chìa khóa để kiểm soát chất lượng hàng hóa tốt hơn. Kết thúc ngày 9/9, tổng doanh số đạt được gấp 3 lần so với cùng kì năm trước, số lượng người truy cập trong ngày và số lượng nhà bán hàng tham gia cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay.

Theo CEO Sendo Trần Hải Linh, công ty có kế hoạch sử dụng vốn huy động được để mở rộng nền tảng tích hợp cho cả người bán và khách hàng, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và học máy (machine learning) để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Có thể nói, phát triển website TMĐT ở Việt Nam không phải là cuộc chơi của mọi người. Xây dựng chỉ là bước đệm, có duy trì được hay không lại là cuộc chơi của những kẻ chạy bền.


chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.