Khối cổ phiếu có thị giá cao nhưng cô đặc đang khiến nhà đầu tư cá nhân dò xét nhiều hơn là kỳ vọng vào Yeah1 (YEG) trên thị trường chứng khoán. Mọi hoạt động của doanh nghiệp này, trước và sau niêm yết, đều được giới đầu tư theo dõi sát sao.
Sau một tháng niêm yết, Yeah1 có văn bản giải trình về các hoạt động nội bộ của mình, nhưng có vẻ chừng đó là chưa đủ để giới đầu tư đặt niềm tin. Thị giá cổ phiếu mất gần một nửa và lượng giao dịch tự do hiếm hoi là bằng chứng cho sự nghi ngại lớn từ giới đầu tư.
Khi thông tin đầu tiên về Yeah1 chuẩn bị niêm yết được công bố, thị trường đón nhận với thái độ hoài nghi. Điều đầu tiên khiến nhà đầu tư nghi ngại chính là là mức giá chào sàn 250.000 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất thị trường chứng khoán Việt. Mức giá này khiến vốn hóa của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1, doanh nghiệp được thành lập tháng 9/2006, lên tới 300 triệu USD.
Câu hỏi chung được đặt ra là giá trị thực của YEG ra sao, và thị giá sẽ hướng tới đâu, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán ngập trong sắc đỏ thời điểm Yeah1 lên sàn?
Yeah1 vẫn đặt giới đầu tư trong sự hoài nghi sau hơn một tháng lên sàn. |
Trong khi thị giá vượt xa các đại gia dẫn đầu trong nhiều ngành khác tại Việt Nam như Vinamilk, Thế Giới Di Động hay Sabeco, tỷ suất sinh lời lẫn quy mô tổng tài sản của Yeah1 thua kém rất xa.
Đơn cử, trong khi doanh thu của Yeah1 năm 2017 chỉ 852 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 82 tỷ đồng, thì doanh nghiệp có thị giá cổ phiếu đắt đỏ thứ 2 là SAB có 34.440 tỷ đồng doanh thu và 4.949 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của Yeah1 chỉ 9% trong khi của SAB là 21,4%.
Tại mức lợi nhuận sau thuế năm 2017 là 82 tỷ đồng, hệ số P/E (thị giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) của YEG ở khoảng 83 lần. Con số này khiến các cổ phiếu vua trên sàn như Vinamilk, Vingroup… phải ngước nhìn.
Doanh nghiệp giải thích rằng việc định giá cổ phiếu dựa trên chiết khấu dòng tiền tương lai, và các cổ đông lớn lần lượt phát ngôn ủng hộ. Hơn nữa, hệ số P/E cao hơn các tập đoàn lớn Việt Nam bởi không cùng một lĩnh vực tham chiếu.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Yeah1, cho rằng: “Việc so sánh giá cổ phiếu Yeah1 với các ngành khác của nhiều người là cách nhìn không hiểu ngành, bởi Media và truyền thông là một lĩnh vực hoàn toàn mới. Thị trường là toàn cầu và sản phẩm là không giới hạn".
Thế nhưng, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Yeah1 là doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực này niêm yết. Nói cách khác, thị trường hoàn toàn mù thông tin để có sự so sánh tương ứng.
Chủ tịch YEG Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho rằng việc so sánh giá cổ phiếu Yeah1 với các ngành khác của nhiều người là cách nhìn không hiểu ngành |
Tuy nhiên, tham chiếu với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực ở nước ngoài cũng không giúp mức P/E của Yeah1 thuyết phục hơn. Một báo cáo của Mỹ cho biết mức P/E trung bình của ngành truyền thông số chỉ ở 17,6.
So với nước láng giềng Thái Lan - quốc gia được đánh giá có ngành truyền thông phát triển với kỹ thuật cao và độ mở lớn, con số 83 của Yeah1 cũng gây sốc, khi P/E trung vị của ngành truyền thông Thái cũng chỉ 18,5, theo báo cáo tháng 5 của hãng nghiên cứu đầu tư Morningstar.
Tương tự, hệ số định giá P/B (giá/giá trị sổ sách) của Yeah1 là 7,5 lần trong khi trung bình P/B của ngành này ở Thái Lan chỉ 1,8.
Soi chiếu với một doanh nghiệp lớn trong ngành ở đất nước triệu voi là Workpoint Entertainment, con số 83 lần của Yeah1 cũng gây ngạc nhiên. Báo cáo tháng 5 của Ngân hàng Đầu tư Singapore DBS, cho biết P/E của Workpoint Entertainment năm 2017 là 29,4 lần và P/E dự phóng năm 2018 là 22 lần.
Theo định giá khác của Công ty Chứng khoán Krungsri Securities, Workpoint Entertainment được định giá tại mức P/E năm 2017 là 39,8 lần và P/E năm 2018 là 29,3 lần.
Mặc dù đánh giá lạc quan về triển vọng kinh doanh của YEG là “khả quan”, Công ty Chứng khoán FPTS chỉ đưa ra khuyến nghị “theo dõi” cổ phiếu này. Một trong những lý do đưa ra là YEG là doanh nghiệp mới niêm yết, ít thông tin nên cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả hoạt động và minh bạch.
Phân tích của một chuyên gia từ một quỹ đầu tư, tiềm lực nội tại của Yeah1 là không đủ để có thể chào sàn với giá cao như vậy. Sẽ dễ dàng hơn cho nhà đầu tư nếu định lượng được rõ ràng về kết quả kinh doanh để đo lường hiệu quả. Trong khi đó, Yeah1 lại cho thấy yếu tố định tính nhiều hơn. Như vậy, những ai đặt cược vào cổ phiếu của doanh nghiệp này sẽ phụ thuộc nhiều vào cảm quan của thị trường.
Thực tế, sau khi lên sàn, với 3 phiên đầu tiên giao dịch tăng kịch trần, Yeah1 lập kỷ lục với mức giá 350.000 đồng/ cổ phiếu, cao gấp rưỡi thị giá của cổ phiếu ở vị trí số 2 thị trường về giá bán. Tuy nhiên, hiếm nhà đầu tư tự tin đặt cược vào tương lai mà doanh nghiệp lẫn các cổ đông vẽ ra.
Diễn biến giá cổ phiếu của Yeah1 từ khi niêm yết |
Giới đầu tư đa phần vẫn chờ cổ phiếu YEG sẽ giảm tới đâu. Số cổ phiếu được giao dịch trên sàn rất hạn chế.
Tròn 1 tháng sau khi lên sàn, thị giá cổ phiếu của Yeah1 bị mất khoảng 50% so với mức giá cao nhất, hiện còn 210.000 đồng/cổ phiếu.
Tính đến thời điểm trước khi niêm yết, vốn điều lệ của YEG là 273,7 tỷ đồng. Đợt tăng vốn gần đây của doanh nghiệp là trong tháng 4/2018, khi phát hành cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 100:15.
Ngoài ra trong năm nay, YEG cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ 3,9 triệu cổ phiếu cho ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT, để tăng vốn lên mức 312,7 tỷ đồng.
Chính kế hoạch phát hành này đã nảy sinh ra những giao dịch mua bán cổ phần hết sức kỳ lạ trước và sau khi YEG niêm yết.
Cụ thể, phiên giao dịch 27/6, xuất hiện giao dịch thỏa thuận 7,82 triệu cổ phiếu tại mức giá 300.000 đồng mỗi cổ phiếu. Trước khi niêm yết, ông Tống bán 3,91 triệu cổ phần cho ông Hồ Ngọc Tấn. Số cổ phần này bằng đúng số cổ phiếu riêng lẻ mà doanh nghiệp dự định phát hành cho ông Tống như đã nói ở trên.
Trong thời gian này, cổ đông lớn tại doanh nghiệp là DFJ VinaCapital cũng bán đúng con số 7,82 triệu cổ phần cho một nhóm cổ đông khác.
Theo giới phân tích, những giao dịch của ông Tống và DFJ VinaCapital thực chất chỉ là chiêu lách luật, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu YEG không phải chờ thời gian hạn chế chuyển nhượng theo quy định.
Trước đó, YEG phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng với tổng số bán là 7,82 triệu cổ phần.
Nhưng không giống như các vụ IPO bình thường, khi nhà đầu tư mua cổ phần trước khi niêm yết, trong thương vụ này, nhà đầu tư mua YEG vào ngày thứ 2, sau khi doanh nghiệp đã giao dịch trên thị trường niêm yết (để được phép giao dịch thỏa thuận), với giá 300.000 đồng mỗi cổ phiếu theo quy định tại hợp đồng mua bán, tức tương tự như giao dịch của các nhà đầu tư chứng khoán thông thường.
Với phương thức mua bán này, cổ phiếu sẽ về tài khoản nhà đầu tư IPO và được phép giao dịch tự do sau 3 ngày. Điều này sẽ hạn chế rủi ro về thời gian chờ đợi cổ phiếu IPO được giao dịch chính thức.
Câu chuyện chuyển nhượng cổ phiếu lòng vòng giữa các cổ đông nội bộ trước niêm yết được nêu lên. Điều này bắt buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải giải mã góc khuất của sự việc.
Theo giải thích của YEG, toàn bộ cấu trúc này đã được thỏa thuận với nhà đầu tư nước ngoài, để đảm bảo nhà đầu tư không bị hạn chế chuyển nhượng, vừa đảm bảo YEG có dòng tiền mới để hoạt động và đầu tư, mang lại thỏa thuận như đã cam kết.
Số lượng cổ phiếu sở hữu của ông Tống trước và sau khi hoàn thành giao dịch này không thay đổi, vẫn hơn 11,33 triệu cổ phiếu.
Trong Bản cáo bạch niêm yết, một trong những rủi ro được đề cập đến của YEG là rủi ro hiệu quả kinh doanh không theo kịp tốc độ tăng vốn, do công ty đã phát hành tăng vốn điều lệ thêm 138 tỷ đồng trong năm 2017 (vốn điều lệ đầu năm là 100 tỷ đồng).
Vốn dự kiến thu được từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ, YEG cho biết sẽ giải ngân để mua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Quảng cáo Truyền thông BluesX, Công ty CP Công nghệ và Truyền thông ADSBCN và Công ty CP Truyền thông Trực tuyến Netlink.
Một lần nữa hoạt động này của YEG lại được nhà đầu tư đặt câu hỏi về tính hợp lý trong định giá doanh nghiệp.
Cụ thể, với BlueX, YEG dự kiến chi 117,6 tỷ đồng để mua cổ phần chi phối. Đáng nói, đây là công ty vừa thành lập cuối tháng 5/2018, với vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng. Điều đáng chú ý nữa là kế hoạch sử dụng vốn đã được phê duyệt từ tháng 4, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của YEG, trước cả thời điểm BlueX được thành lập.
Tại sao Yeah1 lại thông qua kế hoạch mua vốn từ các thành viên góp vốn đã có của một doanh nghiệp mà ở thời điểm thông qua phương án, cả doanh nghiệp mục tiêu và pháp nhân góp vốn (nắm 30% vốn điều lệ) chưa thành lập?
YEG giải thích đây là hoạt động M&A trong ngành, và cách làm này để đảm bảo sự thành công. YEG đã thương thảo và thống nhất với các cổ đông sáng lập của BlueX, để thành lập một công ty mới với tên gọi, chiến lược hoạt động kinh doanh và vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng từ trước khi ĐHĐCĐ diễn ra, để đảm bảo tính khả thi khi trình cổ đông!
Bản chất của hoạt động M&A này là BlueX được thành lập dựa trên việc kế thừa và tiếp tục các hoạt động kinh doanh có sẵn từ trước, và các hoạt động này được quản lý điều hành thực hiện bởi các cổ đông sáng lập BlueX.
Theo cam kết trước khi YEG giải ngân, các cổ đông sáng lập của BlueX sẽ gắn bó lâu dài tại đây sau khi bán vốn, cam kết lợi nhuận tối thiểu hàng năm, và đặc biệt không được phép tham gia các hoạt động có tính chất cạnh tranh với BlueX.
Đối với khoản đầu tư dự kiến 117 tỷ đồng vào ADSBNC (thành lập tháng 5/2014, vốn điều lệ chỉ 2 tỷ đồng), YEG cho biết căn cứ báo cáo tài chính năm 2017 của ADSBNC, lợi nhuận sau thuế là 10 tỷ đồng.
YEG định giá đơn vị này là 11 lần lợi nhuận sau thuế, bởi cho rằng mức này hợp lý với tiềm năng hiện tại, thế nhưng không có lý giải cụ thể lý do của sự hợp lý.
Với khoản đầu tư trên, YEG cũng giải ngân theo tiến độ phụ thuộc kết quả kinh doanh với hai giai đoạn (mua cổ phần từ cổ đông hiện hữu là 50 tỷ đồng và góp vốn mới 67 tỷ đồng).
Còn với Netlink, YEG có kế hoạch giải ngân 100 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu, bằng việc mua lại cổ phần từ cổ đông hiện hữu và tăng vốn mới. Netlink được thành lập năm 2007, với vốn điều lệ hiện tại là 20 tỷ đồng. Năm 2017, Netlink lãi ròng 12 tỷ đồng.
Tính đến nay, YEG đã chi 118,4 tỷ đồng để chi phối 76% vốn Netlink, trong đó đã giải ngân 105,9 tỷ đồng. Doanh nghiệp còn có kế hoạch mua thêm 23,9% vốn còn lại, với định giá tương tự với giá trị mua thêm là 37,5 tỷ đồng.
Việc doanh nghiệp 12 tuổi YEG lên sàn với mức vốn hóa gần 300 triệu USD, liên tiếp có những hoạt động tài chính gây tranh cãi, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp chủ yếu nằm ở tương lai, nhà đầu tư có quyền đặt câu hỏi về tính thực tiễn trong kế hoạch kinh doanh của YEG ở đâu, và liệu có theo kịp kế hoạch tham vọng đã đặt ra?
Cổ phiếu hai công ty liên quan đến Phạm Băng Băng lao dốc
Cổ phiếu hai công ty là Đường Đức và Hoa Nghị Huynh Đệ đều mất điểm ngay trong ngày đầu tuần sau ồn ào liên ... |
Facebook, Google thấm đòn
Giá cổ phiếu của Công ty Facebook Inc. sụt giảm tới 20% trong tuần này trong khi Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) ... |
Sau vụ vỡ đập thủy điện tại Lào, bộ đôi cổ phiếu bầu Đức tăng trần
Hôm nay 27/7, bộ đôi cổ phiếu của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức là HAG và HNG bất ngờ tăng trần hết biên độ dù ... |