Cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu đang bắt đầu

Các nhà kinh tế cảnh báo, suy thoái kinh tế toàn cầu không còn là mối đe dọa lờ mờ, nó đã ở đây và đang xảy ra.

Khi các nhà hàng, cửa hiệu, hãng bay, nhà máy,… đồng loạt phải đóng cửa trên khắp thế giới, từ New York đến Paris và ở cả Madrid, các nhà kinh tế cảnh báo rằng suy thoái kinh tế toàn cầu không còn là một mối đe dọa lờ mờ. Nó đã hiện hữu ngay ở đây, vào lúc này.

Những con số được giới chức Trung Quốc công bố hôm thứ Hai (16/3), cho thấy kinh tế nước này trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua đã bị suy giảm nghiêm trọng, do sự bùng phát dịch bệnh Covid - 19. Do đó, theo các nhà phân tích, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khó có thể phục hồi sớm như những kì vọng trước đó.

Giờ đây, Chính phủ và các Ngân hàng TW ở châu Âu và Bắc Mỹ cũng đang theo đuổi các biện pháp quyết liệt để cố gắng kiểm soát đại dịch. Trong khi châu Á vẫn đang trong trạng thái cảnh giác cao độ và thị trường tài chính bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu suy thoái. Ngày càng nhiều các chuyên gia nói rằng một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đến gần.

“Trước đó, chúng ta còn đang băn khoăn và tự hỏi có thực sự kinh tế đang suy thoái hay không. Nhưng đến giờ, không còn một chút nghi ngờ gì nữa”, David Wilcox - nguyên trưởng phòng nghiên cứu và thống kê của Uỷ ban dự trữ liên bang Mỹ, nói với CNN Business.

Cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu đang bắt đầu - Ảnh 1.

Cuộc đại suy thoái toàn kinh tế cầu đang bắt đầu. (Ảnh: MSN).

Những thay đổi chóng mặt

Tuần trước, trên thế giới đã chứng kiến số ca nhiễm Covid -19 tăng vọt gần 200.000 người. Các quốc gia đã ráo riết tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, như ban hành lệnh giới nghiêm, đóng cửa các địa điểm công cộng,… 

Những động thái này chắc chắn sẽ gây ra một cú sốc kinh tế nghiêm trọng, khi mức độ thiệt hại ở Trung Quốc trước các lệnh phong toả ngày một rõ ràng.

Sự ngưng trệ trong các hoạt động cuộc sống bình thường của người dân đã tác động không nhỏ tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc trong hai tháng đầu năm. 

Theo cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, doanh số bán lẻ giảm 20,5% trong tháng 1 và tháng 2 so với năm 2019. Sản lượng công nghiệp cũng giảm 13,5% và đầu tư tài sản cố định giảm gần 25%. 

Cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu đang bắt đầu - Ảnh 2.

Việc phong tỏa các thành phố lớn ở Trung Quốc đã tác động không nhỏ tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc trong hai tháng đầu năm. (Ảnh: TIME).

“Chúng tôi đang chứng kiến tác động của các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc”, Ben May, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Oxford, chia sẻ. “Các điều kiện có thể khác nhau ở các quốc gia, nhưng nó sẽ vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế”.

Với việc Trung Quốc đang cố gắng để lấy lại cân bằng, sau khi dịch bệnh có phần hạ nhiệt, thì tình hình tại châu Âu và Mỹ đang xấu đi nhanh chóng. Nước Ý hiện đang là tâm chấn của đại dịch, với hơn 24.000 trường hợp nhiễm Covid - 19. 

Tây Ban Nha có ít nhất 9.000 người nhiễm, và Mỹ đã xác nhận được 4.000 trường hợp.

Goldman Sachs vào cuối tuần trước đã hạ triển vọng đối với tăng trưởng GDP của Mỹ, với lí do cắt giảm chi tiêu, gián đoạn chuỗi cung ứng và những chính sách nhằm ngăn chặn dịch bệnh, sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Ngân hàng đầu tư này cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp 5%, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, sau khi tăng trưởng 0% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3. Tăng trưởng cả năm được dự báo sẽ chỉ ở mức 0,4%, giảm từ 1,2% so với dự báo trước đó.

“Các lệnh phong toả, đóng cửa và sự lo lắng gia tăng về dịch bệnh, có thể dẫn tới sự suy giảm mạnh trong các hoạt động kinh tế, vào cuối tháng 3 và trong suốt tháng 4”, nhà kinh tế trưởng Goldman Sachs Jan Hatzius nói với khách hàng.

Cùng quan điểm, các nhà kinh tế tại ING, hôm Chủ Nhật cho biết họ dự đoán kinh tế Mỹ sẽ giảm 8% trong quý II, ngang bằng với sự sụt giảm nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

“Suy thoái kinh tế thường được định nghĩa là GDP giảm trong hai quý liên tiếp, hoặc nhiều hơn”, theo nhà kinh tế trưởng của IHS Markit Joel Prakken.

Thị trường tài chính bất ổn

Cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu đang bắt đầu - Ảnh 3.

Thị trường tài chính bất ổn. (Ảnh: CNN).

Trong khi đó, tình hình tài chính đã xấu đi trong những ngày gần đây, kiến cả người bán lẫn người mua khó định giá tài sản hơn, trong khi thị trường trải qua những biến động cực đoan. 

Điều này được cho là sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, khi người tiêu dùng lo lắng về các danh mục đầu tư chứng khoán của họ, và việc các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn. 

Chứng khoán Mỹ hiện giảm 27% so với mức cao kỉ lục đạt được chưa đầy một tháng trước.

Cục dự trữ liên bang Mỹ cuối tuần trước đã có hành động khẩn cấp để giảm bớt một số khó khăn cho doanh nghiệp, khi cắt giảm lãi suất xuống 0%, và giải thích rằng đợt điều chỉnh này sẽ giúp cho việc vay đồng đô la Mỹ rẻ hơn tại các ngân hàng trên toàn thế giới.

Hôm thứ Hai (16/3), chi nhánh của Fed tại New York nói rằng họ sẽ bơm 500 tỉ USD vào thị trường tài chính, trên cơ sở hoạt động dự kiến trước đó.

Đây là một dấu hiệu cho thấy các Ngân hàng TW đang lo lắng về sự hỗn loạn của thị trường tài chính, sẽ kéo theo các vấn đề nghiêm trọng khác. Và khi thị trường chứng khoán liên tục lao dốc, thị trường tín dụng vẫn ổn định, thanh khoản xuống thấp kỉ lục, tất cả các chuyên gia đều nhất trí rằng: Chúng ta đang bước vào một cuộc suy thoái toàn cầu mới. Chỉ có một câu hỏi được đặt ra vào lúc này đó là nó sẽ tệ đến mức nào?

“Xác xuất xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu ngay trong thời điểm hiện tại là 100%”, Kevin Hassett, cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump nói với CNN hôm thứ Hai, 16/3.