Băng đảng Trung Quốc bắt cóc trẻ em để ép ăn xin | |
16 người bị bắt cóc ở nhà hàng Mexico |
Alex Sanchez, 44 tuổi, vẫn còn nhớ lần đầu tiên ông nhìn thấy mã tấu trong một cuộc ẩu đả băng đảng ở Los Angeles (Mỹ) vào những năm 1980. Cuộc chiến giữa 80 người trong công viên đã làm thay đổi MS-13, băng nhóm trẻ em nhập cư gốc El Salvador, hình thành mạng lưới và dần trở thành băng đảng khét tiếng nhất thế giới.
“Cuộc hỗn chiến như một dạng tác động tâm lý lên các băng đảng khác, khiến họ phải nể MS-13 hơn”, Sanchez, dân nhập cư Mỹ gốc El Salvador, nói.
Sanchez đã chứng kiến toàn bộ quãng thời gian băng nhóm MS-13 (Mara Salvatrucha 13) ngày càng trở nên hung bạo và trở thành một trong những tổ chức tội phạm nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.
Đầu tháng 2 này, 13 thành viên của MS-13 bị buộc 41 tội danh ở Long Island (New York), bao gồm 7 tội danh giết người, lừa đảo, cố tình giết người, cản trở pháp luật và đốt phá. Các vụ giết người liên quan tới 13 thành viên này gồm vụ sát hại hàng loạt Nisa Mickens, 15 tuổi và Kayla Cuevas, 16 tuổi, năm 1990, khi cả hai đều là sinh viên của trường trung học Brentwood ở thành phố Suffolk, bang Virginia.
MS-13 cũng xuất hiện trên mặt báo trong tháng này sau khi hai thành viên băng đảng ở Houston bị tình nghi giết một thiếu nữ. Tại phiên tòa, các bị cáo còn giỡn mặt khi tươi cười.
Gia nhập xã hội đen
Alex Sanchez trong nhà tù Chuckwalla ở Blythe, California khi còn là thành viên tích cực của băng đảng xã hội đen MS-13 khét tiếng. Ảnh: Daily Mail |
Alex Sanchez là một trong số ít thành viên của MS-13 tham gia không nhiều vụ giết người trong những năm 1980. Sanchez đến Los Angeles bất hợp pháp năm 1979, khi mới 7 tuổi.
Cùng anh trai, Sanchez được đưa từ Trung Mỹ tới California. Khi tới trường học, ông gặp bất đồng ngôn ngữ và người Salvador chỉ chiếm rất ít so với những bạn học có gốc gác từ các nước Latinh khác.
Sanchez vẫn nhớ như in một ngày khi ông phi máy bay giấy trúng vào chân học sinh khác. Kẻ bắt nạt sau đó đã đánh ông một trận nhừ tử. Kể từ đó, ông hiểu rằng, mỗi khi cảm thấy bị xúc phạm hoặc tổn thương, cách tốt nhất là đấm thẳng vào mặt đối phương để hết tức giận.
Không lâu sau, Sanchez kết bạn với một nhóm trẻ khác người El Salvador và nhận thấy họ có chung “nhiều vấn đề”. Ban đầu, nhóm tập hợp để tự bảo vệ bản thân và không làm mất đi “bản sắc”. Các thành viên sau đó bắt đầu sử dụng cần sa. Băng nhóm cũng bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực đẫm máu khi hai thành viên bị tổ chức khác sát hại, với lý do bảo vệ lãnh thổ.
MS-13 lập quy định riêng cho nhóm, trong đó quy tắc hàng đầu là luôn hỗ trợ nhau. “Chúng tôi sẽ không hé răng nếu bị bắt. Nếu bị đánh, chúng tôi sẽ tự tìm cách trả thù mà không gọi cảnh sát can thiệp. Việc nhờ đến cảnh sát được cho là sự yếu đuối”, Sanchez nói.
Mã tấu thực sự khiến MS-13 khác biệt so với các băng đảng cùng thời. “Khi có người cầm mã tấu truy đuổi bạn, cảm giác lúc đó sẽ rất khác”, Sanchez cho hay. Nhưng rồi, các băng nhóm khác ở miền trung nước Mỹ biết đến MS-13, và họ cũng có thứ vũ khí khác để đáp trả, như súng tiểu liên Uzi.
Đó là giai đoạn những năm 1980 – 1990, khi các băng đảng xã hội đen hoạt động mạnh ở Los Angeles.
Vào tù để chứng tỏ bản thân
Thành viên MS-13, ngay cả chính Sanchez, đã tìm cách vào tù để chứng tỏ bản thân. Ông từng cố tình ăn cắp một chiếc xe hơi để bị tống giam.
“Đối với nhiều người, ngồi tù là hình thức trừng phạt. Nhưng thực tế, các thành viên băng đảng coi vào tù là một nghi thức. Tôi từng muốn đặt chân đến những nhà tù nghiêm ngặt nhất để chứng tỏ thanh danh của mình”, Sanchez nói. Thậm chí, Sanchez và bạn của ông còn thách nhau xem ai “được” vào tù. ình xăm cũng quan trọng đối với MS-13. Dù không bắt buộc nhưng chúng thể hiện sự trung thành.
Theo Sanchez, các thành viên bắt đầu thay đổi khi dần thích nghi với phong cách sống của băng nhóm. Họ bắt đầu tin vào tổ chức và mọi suy nghĩ cùng hành vi cũng thay đổi. Theo Sanchez, cuộc sống và tất cả mọi thứ đều chỉ xoanh quanh băng đảng. Người ta tin vào nó như một niềm tin tôn giáo.
Hoàn lương
Alex Sanchez hiện là một nhà hoạt động phòng chống bạo lực và vì thanh niên nổi tiếng ở Los Angeles. Ảnh: Daily Mail |
Sanchez bị trục xuất về El Salvador năm 21 tuổi. 16 năm không sống ở quê hương, ông lạc mất những người thân quen và phải dựa vào MS-13 để sống. Ở thời điểm đó, nhiều biệt đội tử thần được phái đến để tiêu diệt MS-13. Ông cố tìm cách quay trở lại Mỹ nhiều lần trước khi thực hiện trót lọt vào năm 1995.
Sanchez có một con trai chưa từng gặp mặt ở Los Angeles và bắt đầu cảm thấy chán ngán của sống ở thế giới ngầm. Dù không biết làm những công việc khác, “người quen” ở MS-13 đã giúp ông có một công việc với mức lương tối thiểu khi trở lại Los Angeles.
“Có thể tôi sẽ rời nhóm một năm, hoặc thậm chí là vĩnh viễn để làm cha của những đứa trẻ. Họ thấy tôi là một người cha và không thể tham gia tích cực vào các hoạt động băng đảng hàng ngày. Vì vậy họ để tôi yên”, Sanchez nói.
Dù ở mỗi nơi, MS-13 có quy định khác nhau, băng đảng hầu như đều chấp nhận để thành viên rời đi, nếu họ muốn sống với gia đình, hay gây dựng danh tính mới.
Sanchez thực sự hoàn lương khi cùng một người bạn lập ra tổ chức phi lợi nhuận ở Los Angeles nhằm giúp đỡ những trẻ em El Salvador bị mất quyền lợi. Sanchez hiện là một nhà hoạt động phòng chống bạo lực và vì thanh niên nổi tiếng tại Los Angeles.
Nhắc tới MS-13, Sanchez cho rằng quy mô băng đảng ngày càng bành trướng ra khắp nước Mỹ và trên thế giới với bạo lực và nhiều tội ác nghiêm trọng.
Chính quyền Mỹ từng nhiều lần cố gắng trục xuất Sanchez cho đến khi ông nhận được quyền tị nạn năm 2002. Bởi tính mạng ông có thể bị đe dọa nếu trở về quê nhà.
Năm 2009, chính quyền Los Angeles bắt Sanchez theo Đạo luật về các tổ chức tham nhũng và ảnh hưởng của xã hội đen (RICO). Các công tố viên lập luận, ông sống “cuộc đời kép” khi vẫn hoạt động ngầm cho băng đảng MS-13. Cùng ông đã được minh oan trong năm 2013.
Sanchez hiện chỉ muốn giúp những thanh thiếu niên El Salvador có việc làm, không bị trục xuất khỏi Mỹ và tránh đi theo vết xe đổ của ông.