“Ấm” nhất là viên chức lâu năm và các khối ngân hàng
Viên chức lâu năm sẽ được tính theo thâm niên công tác, thành tích và chức vụ. Vì thế, nếu cơ quan không có gì biến động đột xuất thì công nhân viên chức vẫn luôn “chắc nịch” một khoản thưởng Tết đủ để cả nhà sắm một cái Tết “ấm”. Anh Tuấn (cán bộ hành chính ở quận Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: “Mọi năm lương, thưởng Tết của cơ quan phân theo thâm niên và thành tích. Năm ngoái tôi đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua nên ngoài phần thưởng Tết, tôi còn được cơ quan thưởng riêng một khoản. Mọi năm, tiền thưởng Tết của tôi rơi vào khoảng 7-10 triệu, năm nay tình hình cơ quan vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nên cũng hi vọng cả lương và thưởng đủ lo cho vợ con cái Tết đủ đầy, vợ tôi cũng trong khối cơ quan hành chính nên hai vợ chồng khá “ấm”, không giàu có nhưng cũng đủ để hiếu lễ hai bên nội ngoại”.
Khối ngân hàng và viên chức năm nay được thưởng Tết cao hơn mọi năm (Ảnh: Pinterest) |
Giống như anh Tuấn nhưng lại nằm trong khối cơ quan đặc thù khác là ngân hàng, chị Quyên (Đống Đa – Hà Nội) cũng vui vẻ tâm sự: “ Năm nay tình hình kinh doanh của ngân hàng có nhiều biến động tích cực nên ngân hàng mình đang làm việc là một trong những ngân hàng thưởng Tết cao nhất trong khối. Mọi năm thì chỉ lương tháng thứ 13 và một vài khoản thưởng nhỏ, năm nay thì nhân sự được thưởng rất cao, ngoài lương tháng sẽ thưởng cho nhân viên một phần thưởng Tết, dao động từ 1,5 - 6 tháng lương. Như vậy, tổng mức thưởng Tết cho nhân viên có thể lên tới 7 tháng lương. Năm nay là năm mà bọn mình nói vui là “cả nhà cùng vui như Tết”.
Dân công sở ngành nghề khác thấp thỏm
Ngoài hai khối công sở kể trên thì các doanh nghiệp tư nhân chưa có kế hoạch thưởng Tết cụ thể cho dù Tết đã cận kề. Chị Thư (nhân viên truyền thông) cho biết: “Năm nay bên công ty kinh doanh trì trệ, thậm chí thua lỗ, không bán được nhiều quảng cáo và nhận đầu việc ít cho cạnh tranh quá nhiều. Kì họp giao ban dịp cuối Tết dương sếp cũng đã “chốt hạ” năm nay thưởng Tết cho mỗi nhân sự “cào bằng” là 1 triệu đồng. Nghĩ cả năm làm quần quật, lương thì ba cọc ba đồng đóng đinh rồi, chỉ chờ có cái Tết để được thưởng thêm tháng lương thì cũng chẳng được. Không biết phải sắm Tết cho hai bên thế nào, mình thì sao cũng được, nhưng mọi năm biếu xén quà Tết thành lệ, năm nay không có cũng khó nghĩ, cả năm mới có một lần…” Chị Thư buồn bã chia sẻ.
Các doanh nghiệp tư được thưởng ít, thậm chí có doanh nghiệp không có thưởng Tết cho nhân sự vì kinh doanh thua lỗ (Ảnh: Dân Trí) |
Chị Thư vẫn còn nằm trong số dân công sở may mắn vì được thưởng Tết. Anh Tú (công nhân ở Vĩnh Phúc) còn bức xúc cho biết, gần cuối năm, anh và 5 công nhân khác bị kết thúc hợp đồng làm việc và không kí tiếp với lí do “thừa nhân công – thiếu việc làm”. Theo thỏa thuận lao động thì phía công ty làm đúng luật, nhưng xét về tình, thì “công nhận là họ bạc, làm cả năm, kí 2 lần hợp đồng 6 tháng, đúng hết Tết dương thì họ cho nghỉ việc để đỡ mất một khoản thưởng Tết cho nhân công. Thực ra, mình cũng không phải là nhân sự cốt cán nên họ cũng chẳng cần giữ, nhưng làm như vậy thì hơi bạc”. Anh Tú bảo coi như là năm nay không có Tết, đành ki cóp tháng lương cuối ít ỏi đưa cho gia đình, rồi tìm thêm việc thời vụ như ship hàng hay buôn cây cảnh để thêm đồng ra đồng vào.
Cả năm làm việc quần quật, tâm lí chỉ có một cái Tết đã ăn sâu bám rễ vào tư duy của người Việt ở bất kì ngành nghề nào. Chính vì thế, chuyện lương thưởng dịp Tết luôn là mối lăn tăn, thấp thỏm của đại bộ phận dân công sở. Bởi vì ngoài lương thưởng ra, họ không có bất kì một nguồn thu nhập nào khác, vì vậy họ lo lắng cũng là chuyện đương nhiên.