Cựu CEO SCB xin xem lại số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt 28.000 tỷ đồng

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn và luật sư đề nghị tòa, VKS xem xét lại cách tính để xác định số tiền giúp sức bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt chỉ 7.900 tỷ đồng chứ không phải 28.469 tỷ.

Theo cáo buộc, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) có vai trò giúp sức tích cực cho bà Lan trong việc triển khai bán các gói trái phiếu đến người dân, giúp bà Lan chiếm đoạt hơn 28.469 tỷ đồng của 35.818 bị hại; bị VKS đề nghị mức án 17-19 năm tù về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Tự bào chữa trong phiên tòa chiều 8/10, ông Văn "xin thừa nhận hành vi theo bản luận tội", đồng thời mong HĐXX và VKS xem xét lại các số liệu mà luật sư bào chữa đã thu thập, chứng minh để xác định lại mức độ vai trò của mình trong vụ án.

Bị cáo ví dụ, tháng 9/2019 khách hàng A mua trái phiếu thông qua SCB với thời hạn một năm. Hết thời hạn này, trái chủ bán lại cho Công ty chứng khoán Tân Việt. Công ty Tân Việt sau đó bán lại số trái phiếu này cho khách hàng B. Tuy nhiên, ông đang bị cáo buộc trên số trái phiếu mà khách hàng B nắm giữ cho đến thời điểm khởi tố vụ án.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn trong phiên tòa hồi giai đoạn một. (Ảnh: Trần Quỳnh).

Ở tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bị cáo Văn cho biết, đã tham gia phê duyệt 20 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài với tổng trị giá hơn 516 triệu USD. Tuy nhiên, trong đó có 12 giao dịch để trả nợ các khoản vay cho 5 pháp nhân nước ngoài chuyển tiền mua cổ phần SCB (trị giá hơn 400 triệu USD) đã được thông báo cho Ngân hàng Nhà nước và được chấp thuận. Do đó, bị cáo cũng mong tòa và VKS xem xét lại.

Đặc biệt, ông Văn "thỉnh cầu HĐXX tạo điều kiện" cho mình được ký các giấy tờ thủ tục giao cho người vợ hiện tại được quyền giám hộ đối với người con riêng của mình đang bị tâm thần (mẹ cháu đã mất) để tiện cho việc khám chữa bệnh; cũng như cho phép ông được ký giấy tờ nhận người con riêng của vợ làm con hợp pháp (do cha cháu đã mất) để cháu được vào trại thăm cha như các anh chị em khác.

Cuối cùng, cựu tổng giám đốc SCB xin tòa gỡ lệnh kê biên tài khoản ngân hàng của mình để tạo điều kiện cho vợ đang một mình nuôi 6 người con. 

Bào chữa cho bị cáo Văn trước đó, luật sư Lê Hồng Nguyên đề nghị tòa đánh giá lại vai trò của thân chủ trong vụ án. Theo luật sư, bị cáo không tham gia vào việc đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu mà chỉ có nhiệm vụ phát triển sản phẩm bán trái phiếu đến người dân sau khi việc phát hành trái phiếu đã hoàn thành ở giai đoạn sơ cấp.

Hơn nữa, bị cáo Văn đang bị cáo buộc cả về gói trái phiếu của Công ty Setra phát hành tháng 8/2020 (phát hành để lấy tiền trả lãi cho trái chủ mua các gói trái phiếu trước). Trong khi đó, bị cáo đã chính thức nghỉ việc từ tháng 7/2020.

Luật sư sau đó dẫn chứng, trong văn bản phúc đáp của Công ty chứng khoán TVS gửi cho các luật sư bào chữa ngày 3/10, có kèm theo số liệu, thì bị cáo Văn chỉ liên quan đến việc bán các gói trái phiếu của 2 tổ chức phát hành với tổng trị giá hơn 7.900 tỷ đồng cho hơn 9.000 trái chủ.

Luật sư cho rằng đây là "tình tiết mới đặc biệt quan trọng", đề nghị tòa và VKS xem xét để có mức án phù hợp sau khi phân hóa lại vai trò của thân chủ.

Bị cáo Hồ Bửu Phương trong lần ra tòa hồi tháng 3. (Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM). 

Trước đó, bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương (cựu phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), luật sư Nguyễn Thành Công đề nghị tòa xem xét bối cảnh phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ để thân chủ được hưởng sự khoan hồng.

Ông Phương bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới phối hợp nhân viên Công ty Chứng khoán TVSI để phát hành trái phiếu, giúp sức tích cực cho bà Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 27.969 tỷ đồng của 33.393 bị hại. Phương bị VKS đề nghị mức án 10-11 năm tù.

Theo luật sư, bị cáo Phương đã thực sự nhận thức được hành vi sai phạm, tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để làm sáng tỏ vụ án. Bị cáo "vô cùng ăn năn, hối cải" vì gây ra những thiệt hại to lớn cho các nhà đầu tư. Dù không được hưởng lợi từ hành vi phạm tội nhưng Phương cũng đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả của vụ án.

"Đây là lần đầu bị cáo phạm tội, bản thân bị cáo chỉ là người làm thuê hưởng lương, làm việc vì mục đích, lợi ích chung của doanh nghiệp, không tư lợi cá nhân. Hơn nữa bị cáo do tin tưởng và thực hiện theo các chỉ đạo của cấp trên nên đã dẫn đến hành vi phạm tội", luật sư Công nói.

Phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát vẫn đang tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư và bị cáo còn lại.

Là người giữ vai trò chính trong vụ án sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Lan bị VKS đề nghị tuyên phạt mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 12-13 năm tù về tội Rửa tiền; 8-9 năm tù về tội Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Tòa buộc bà Lan có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại trong vụ án; tiếp tục kê biên các bất động sản, tài sản có liên quan bị cáo để khắc phục hậu quả. 

chọn
Chiến lược M&A của Gamuda Land: Đang tích cực tìm quỹ đất mới, pháp lý chưa sạch vẫn có thể M&A
Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” diễn ra ngày 8/11, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp BĐS lớn đã chia sẻ liên quan đến hoạt động M&A.