Cựu phó tổng giám đốc SCB: 'Bị cáo phải trả giá quá đắt'

Tự bào chữa, cựu phó tổng giám đốc SCB Trần Thị Mỹ Dung nói luôn giằng xé "một nỗi đau không biết bao giờ nguôi, biết phải trả giá sai lầm nhưng cái giá ở đây quá đắt".

"Lúc mới bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền, bị cáo đã rất sốc. Đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới nhận thấy việc làm của mình là sai phạm", bà Dung nói trong phần tự bào chữa sáng 9/10.

Dung bị cáo buộc, khi tiếp nhận chỉ đạo của Trương Khánh Hoàng và nhận phương án dòng tiền khống từ các nhân sự thuộc Vạn Thịnh Phát, đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức chứng từ, đi lệnh dòng tiền khống, hạch toán trên hệ thống SCB. Việc này đã giúp Công ty Setra phát hành trái phiếu. Hành vi của bị cáo giúp bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại.

Ngoài ra, Dung còn giúp sức cho bà Lan che giấu, sử dụng dòng tiền chiếm đoạt được thông qua hành vi tham ô của SCB số tiền 69.085 tỷ đồng. VKS đề nghị mức án đối với bị cáo là 14-16 năm tù về hai tội.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung trong lần ra tòa giai đoạn một. (Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM). 

Trình bày với HĐXX, Dung cho rằng ở hành vi lừa đảo bị cáo không chỉ đạo ai, mà chỉ gửi một tin nhắn trong nhóm chat chung của ngân hàng, hoặc cơ quan, chuyển chỉ đạo từ cấp trên xuống các đơn vị kinh doanh. Ngoài ra, bị cáo có tham gia cuộc họp với lãnh đạo của Vạn Thịnh Phát và SCB với vai trò là thư ký của Phó tổng giám đốc SCB Trương Khánh Hoàng. Bởi lúc này, bị cáo là Phó giám đốc khối tín dụng. Có hay không có bị cáo thì việc phát hành gói trái phiếu này vẫn được thực hiện.

"Từ ngày xảy ra vụ án đến nay vừa tròn hai năm, bị cáo luôn có một nỗi đau luôn giằng xé trong lòng. Bị cáo và anh em SCB đã luôn nỗ lực làm việc vất vả với mong muốn một ngày giúp SCB sánh vai các ngân hàng bạn. Nhưng hôm nay bị cáo và nhiều anh em đã phải ngồi đây. Nỗi đau này không biết bao giờ nguôi", Dung nghẹn giọng, đồng thời gửi lời xin lỗi đến tất cả các bị hại.

"Vẫn biết sai lầm nào cũng phải trả giá, nhưng trong vụ án này bị cáo phải trả giá quá đắt. Cộng lại mức án ở cả hai giai đoạn thì bị cáo phải chịu 30-32 năm tù. Có một sự thật là sau khi xét xử giai đoạn một, bị cáo đã muốn buông xuôi tất cả và nói với luật sư không muốn bào chữa gì thêm nữa", cựu phó tổng giám đốc SCB giãi bày.

Dừng một lúc, Dung cho biết thêm: "Nhưng hàng ngày trên đường từ tòa về trại tạm giam, bị cáo thấy cha mẹ, thấy con trai 8 tuổi đứng vẫy tay chào ở ven đường, bị cáo đau lòng quá. Với mức án này của bị cáo, thì tuổi thơ và tuổi trưởng thành của con sẽ không có mẹ", Dung khóc.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. (Ảnh: Thanh Tùng). 

Cựu phó tổng giám đốc SCB sau đó xin VKS, HĐXX xem xét lại vai trò của mình trong việc phát hành trái phiếu và khả năng khắc phục hậu quả cho các bị hại để xem xét một mức án khoan hồng, để bị cáo sớm được về với gia đình. 

Đến lượt mình, bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch HĐQT SCB nói không bào chữa gì thêm cho mình chỉ "xin cúi đầu chịu tội trước hơn 35.000 bị hại trong vụ án này".

"Bị cáo gửi lời xin lỗi má, gia đình các em cũng là bị hại trong vụ án này. Bị cáo xin nhận hoàn toàn trách nhiệm của mình", bị cáo Dũng nói và xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác, đặc biệt người có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Trước đó, bị cáo Dũng bị VKS đề nghị mức án 10-12 năm về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Tương tự bị cáo Dung, Cựu chủ tịch HĐQT SCB bị cáo buộc giúp bà Lan và đồng phạm chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành gói trái phiếu của Setra. Ngoài ra, bị cáo còn ký 6 lệnh chuyển tiền giúp bà Lan chuyển trái phép hơn 30,6 triệu USD (hơn 712 tỷ đồng) ra nước ngoài.

Phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát vẫn đang tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư và bị cáo còn lại.

Là người giữ vai trò chính trong vụ án sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Lan bị VKS đề nghị tuyên phạt mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản;12-13 năm tù về tội Rửa tiền; 8-9 năm tù về tội Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Tòa buộc bà Lan có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại trong vụ án; tiếp tục kê biên các bất động sản, tài sản có liên quan bị cáo để khắc phục hậu quả. 

chọn
Sự chậm nhịp của đất nền Đà Nẵng so với chung cư và condotel
Theo chuyên gia, thị trường BĐS Đà Nẵng từng trải qua 2 cơn sốt vào giai đoạn 2008 - 2009 và 2016 - 2019 với đất nền là phân khúc dẫn dắt. Tuy nhiên trong chu kỳ hiện tại, dường như loại hình này đang chậm nhịp hơn chung cư và condotel.