Đà Nẵng đang chuyển hơn 50 ha đất Khu công nghiệp sang đất ở đô thị

Chính quyền TP Đà Nẵng đang chuyển đổi mục đích sử dụng đất Khu công nghiệp Đà Nẵng (trước đây gọi là Khu công nghiệp An Đồn, quận Sơn Trà) sang đất ở đô thị.

Tìm hiểu của chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Hồ Kỳ Minh mới đây đã kí báo cáo thông tin về tình hình triển khai và các tồn tại tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Đáng chú ý trong báo cáo này, chính quyền thành phố đang chuyển đổi mục đích sử dụng đất Khu công nghiệp Đà Nẵng sang đất ở đô thị.

khu cong nghiep da nang di doi sang dat o do thi

Một góc Khu công nghiệp Đà Nẵng hiện nay với nhiều công ty đang hoạt động. (Ảnh: Văn Luận).

Theo báo cáo, Khu công nghiệp Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số  67/TTg ngày 23/2/1993 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng cơ sở hạ tầng Khu chế xuất, với tổng diện tích ban đầu là 303,275ha. Đến nay, sau nhiều lần đầu chỉnh, diện tích còn lại của Khu công nghiệp Đà Nẵng là 50,1 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt 100%.

Khu công nghiệp Đà Nẵng là khu công nghiệp đầu tiên tại TP Đà Nẵng sớm hoàn thiện công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, kể cả hệ thống xử lí nước thải tập trung; chỉnh trang cảnh quan, đảm bảo mật độ cây xanh.

Ngày 7/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 499/TTg-CN đồng ý chủ trương đưa Khu công nghiệp Đà Nẵng ra khỏi quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020. Theo đó, giao UBND TP Đà Nẵng thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu công nghiệp trên sang đất ở đô thị theo pháp luật hiện hành về quản lí đô thị.

Ngày 18/7/2018, UBND TP ban hành Quyết định số 3069/QĐ-UBND về phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí lập đề án di dời. Hiện nay, các đơn vị đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành 10/2019.

Đất Khu công nghiệp Đà Nẵng sau giải phóng mặt bằng sẽ đấu thầu công khai

Ngày 7/8/2018, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đi kiểm tra thực tế việc doanh nghiệp ý kiến chuyển đổi mục đích sử dụng đất Khu công nghiệp Đà Nẵng sang đất ở đô thị.

Tại buổi làm việc với doanh nghiệp, ông Nghĩa khẳng định, tất cả các doanh nghiệp có đủ năng lực sẽ được tham gia đấu thầu công khai quyền sử dụng đất sau khi giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Đà Nẵng, không có chuyện thu đất của doanh nghiệp này giao cho doanh nghiệp khác.

Ông Nghĩa yêu cầu chính quyền về công tác quy hoạch thiết kế đô thị ở Khu công nghiệp Đà Nẵng sau khi giải phóng mặt bằng, đấu thầu phải chặt chẽ, bảo đảm việc xây dựng tuân thủ đúng quy hoạch.

Trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có 6 Khu công nghiệp: Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Hòa Cầm, Đà Nẵng (An Đồn) và 1 Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng, với tổng diện tích 1.066ha. Tổng vốn đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng các khu công nghiệp lũy kế đến tháng 3/2019 đạt xấp xỉ 8.742 tỉ đồng (bình quân đầu tư 8,2 tỉ đồng/ha), trong đó vốn từ ngân sách là 1.268 tỉ đồng.

Đà Nẵng sẽ thu hồi các dự án bất động sản không được triển khai nhiều năm

UBND TP Đà Nẵng mới đây đã ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở TM&MT, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.

Sở TM&MT kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng và các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân. 

Cục Thuế thành phố kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án bất động sản chưa nộp tiền sử dụng đất theo quy định…

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.