Đắk Lắk: Di dời 69 hộ dân ra khỏi vùng lũ nhưng chỉ 48 hộ được cấp đất

Được di dời ra khỏi vùng ngập lụt cả 69 hộ dân có đất ở vùng lũ đều mừng rỡ. Nhưng đến khu tái định cư mới thì chỉ 48 hộ được cấp đất, có những hộ được tới 2, 3 suất đất.

Dự án di dời 69 hộ dân

dak lak di doi 69 ho dan ra khoi vung lu nhung chi 48 ho duoc cap dat
Vào mùa mưa, diện tích hoa màu của người dân trạm bơm III chìm trong biển nước. Ảnh: Trang Anh.

Ông Hoàng Văn Trường (SN 1975, thôn Hải Châu, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) từ miền Bắc vào khu vực trạm bơm III (xã Bình Hòa) sinh sống từ năm 1996 đến nay. Những năm sống tại đây, gia đình ông luôn phải chịu cảnh thiên tai, bão lũ càn quét.

Đến cuối năm 2009, gia đình ông và nhiều người dân quanh vùng lũ lụt vui mừng khi nhận được thông báo từ UBND tỉnh và các cơ quan chức năng động viên kí vào bản cam kết để di dời lên khu tái định cư thuộc đồi Ea Chai (xã Bình Hòa).

“Lúc đó, bản thân tôi và nhiều hộ gia đình nhận thấy hiểm họa từ bão lũ nên đã cùng nhau kí vào bản cam kết. Ai nấy đều vui mừng và hy vọng nhanh chóng thoát cảnh nước ngập vào nhà, hoa màu tiêu tan”, ông Trường cho hay.

Sau khi UBND xã Bình Hòa đã rà soát và lập danh sách 69 hộ dân có đất ở vùng lũ để di dời về khu tái định cư. Đến ngày 31/12/2010, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định số 3494/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án quy hoạch để di dời 69 hộ dân thuộc khu vực trạm bơm III (thôn 6, xã Bình Hòa) về khu vực đồi Ea Chai, huyện Krông Ana. Dự án được UBND tỉnh giao cho UBND huyện Krông Ana làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 32.521.331.000 đồng.

Sau khi UBND huyện tiến hành xem xét, rà soát, các hộ được cấp đất gồm 69 hộ thuộc diện KT3 (diện đã kí vào dự án); KT1, KT2: diện có đất sản xuất trong vùng dự án, nhưng không có đất ở là 7 hộ; 14 hộ có nhu cầu tách hộ và 15 hộ tăng tự nhiên trong giai đoạn quy hoạch.

Theo đó, mỗi hộ được chủ đầu tư bố trí chia 450 m2 đất (400 m2 đất ở và 50 m2 sân vườn) tại khu vực đồi Ea Chai và hỗ trợ thêm cho mỗi gia đình 20 triệu đồng. Nhưng sau 5 năm thực hiện dự án (2011-2015), hiện nay mới chỉ có 48 hộ được cấp đất tại khu tái định cư mới. Cũng tại đây, nhiều hộ dân phản ánh về quyền lợi của họ trong dự án này.

Kẻ có...người không !?

dak lak di doi 69 ho dan ra khoi vung lu nhung chi 48 ho duoc cap dat
Đường đi trở nên lầy lội, khó khăn vô cùng. Ảnh: Trang Anh.

Anh Võ Văn Giang (SN 1976) đã vào mảnh đất Tây Nguyên lập nghiệp từ những năm 1978. Sau thời gian dài lao động cực nhọc, vợ chồng anh cũng tích góp và mua được 1,5 ha đất để sinh sống và trồng trọt. Nhưng hàng năm, cứ vào mùa lũ, gia đình anh lại mất trắng toàn bộ số hoa màu.

“Năm 2016, nước ngập cả vào nhà khiến gia đình tôi phải tất tả chạy lũ từ tờ mờ sáng. Ở đây, không chỉ có mình gia đình tôi thiệt hại mà còn có nhiều hộ khác. Mặc dù vậy, nhưng chỉ có 3 hộ gần nhà tôi được cấp đất còn những gia đình khác lại không. Chúng tôi đã đến UBND xã để hỏi lí do tại sao lại vô lí như vậy, nhưng chỉ nhận được câu trả lời là “Có đất nơi khác rồi nên không được cấp đất ở đây nữa”, anh Giang bức xúc nói.

Cũng theo anh Giang, ngày mới lập dự án, chính quyền chưa một lần nói đến vấn đề này. Trong khi đó, vào thời điểm cấp đất nhiều hộ mới đến sinh sống, không có tên trong danh sách được cấp đất, lại nghiễm nhiên có đất.

dak lak di doi 69 ho dan ra khoi vung lu nhung chi 48 ho duoc cap dat
Ông Hoa và anh Trường bức xúc về việc cấp đất ở khu tái định cư. Ảnh: Trang Anh.

Theo người dân nơi đây, trong khi các hộ có tên trong dự án không được cấp đất, mà nhiều hộ lại có tới 2-3 suất đất. Như trường hợp gia đình ông Hoàng Văn Định được cấp ba suất, trong khi người con gái của ông Định là chị Hoàng Thị Cúc hiện tại không còn sinh sống tại địa phương. Trường hợp của ông Lành Văn Tịch có con trai là Lành Văn Hiếu (SN 1992) cũng được cấp hai suất.

“Tại thời điểm lập dự án và cấp đất, cháu Hiếu chưa lập gia đình và tách khẩu mà vẫn được cấp, chúng tôi thấy bất hợp lí quá. Những người dân nghèo như chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng trả lại công bằng cho bà con, để mọi người yên tâm lao động, sản xuất, tránh những thiệt hại đáng tiếc trong mùa lũ”, ông Đinh Văn Hoa (SN 1949, xã Bình Hòa) cho hay.

dak lak di doi 69 ho dan ra khoi vung lu nhung chi 48 ho duoc cap dat
Những ngôi nhà tái định cư mới trên đồi Ea Chai. Ảnh: Trang Anh.

Đưa những thắc mắc và bức xúc của người dân đến chính quyền UBND xã Bình Hòa, ông Phan Thành Trung (cán bộ địa chính xã Bình Hòa) cho biết, theo quyết định 3494/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk, năm 2010 chỉ có 69 hộ bị ngập lụt. Nhưng năm 2014, sau khi rà soát lại có nhiều hộ đã bỏ đi nơi khác sinh sống và cũng có nhiều hộ phát sinh thêm.

“Những hộ có đất nhưng không có nhà tại khu vực trạm bơm III, hoặc có nhà ở nơi khác đều không được cấp đất. Năm 2009 chúng tôi chỉ lập danh sách chứ không có bất kì trường hợp nào phải kí vào văn bản di dời”, ông Trung thông tin.

Khi hỏi về những trường hợp nhiều hộ gia đình được cấp vài suất, ông Trung khẳng định: “Không có hộ nào như vậy”. Khi chúng tôi đưa ra ví dụ về trường hợp của ông Lành Văn Tịch và con Lành Văn Hiếu được cấp hai suất đất, ông Trung cho hay: “Năm 2015, sau khi tiến hành rà soát lại trường hợp của cháu Hiếu, do cháu đã lập gia đình và tách khẩu riêng nên dĩ nhiên được cấp đất”.

Trao đổi với ông Võ Văn Nam, trưởng phòng NN&PTNN huyện Krông Ana, đơn vị trực tiếp tiến hành di dời dân lên khu vực đồi Ea Chai cho biết, sau khi được UBND tỉnh giao cho phòng NN&PTNN phối hợp với ban quản lí dự án, UBND xã Bình Hòa rà soát các hộ thuộc diện di dời lên khu vực tái định cư. Vào tháng 6/2016 vừa qua, đã có 48 hộ dân từ trạm bơm III được di dời lên khu vực đồi Ea Chai.

“Có nhiều hộ có đất ở nơi khác rồi, nếu giờ chúng tôi tiếp tục cấp thì sợ vướng vào Điều 118 Luật Đất đai năm 2013. Chính vì vậy, hiện nay đơn vị đang xin ý kiến của UBND tỉnh về vấn đề này để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, lại không vi phạm pháp luật. Cũng trong dịp này, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để cấp đất đợt II cho các hộ dân thuộc vùng lũ. Cùng với đó, nếu những hộ dân nào không đủ điều kiện nhưng đã được cấp đất trước đó chúng tôi vẫn sẽ thu hồi”, ông Nam khẳng định.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.