Vì sao liveshow bolero của Đàm Vĩnh Hưng 'hút' khán giả 2 miền Nam Bắc? |
- Nhìn lại chặng đường sự nghiệp khá dài mà mình đã đi, anh gọi tên nó là gì?
Là sự lớn chuyện. Trước đây, tôi chỉ mong được hát nhưng giờ, tôi là một ngôi sao với những sứ mệnh đặc thù. Tôi đích thực là một "triệu phú" với những trải nghiệm cả thương lẫn ghét. Nhìn lại, tôi thấy mình được quá nhiều nhưng mới đạt 65% những gì tôi mong muốn. Khi chưa thể thỏa mãn chính mình thì chẳng thể gọi tên trọn vẹn. Là "thành công" ư, chưa hẳn. Là "cũng được" ư, tạm chấp nhận nhưng tôi chẳng muốn dừng lại ở điểm này.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng
Ôm giấc mơ "huyền thoại"
- Vậy 100% của điều anh mong muốn là gì?
Trở thành ngôi sao của châu Á. Tại sao không? Trong số những ngôi sao châu Á hiện nay, không phải ai cũng thuyết phục hoàn toàn công chúng. Thế nên, với những gì đang có - một lượng fan (người hâm mộ) yêu mến ở nhiều quốc gia trong khu vực châu Á, sao tôi không được quyền mơ ngày nào đó mình trở thành người có tầm ảnh hưởng trong khu vực chứ không chỉ ở Việt Nam? Tôi muốn không chỉ người Việt trong khu vực mà cả những người dân bản xứ cũng yêu mến tôi.
- Có tham vọng quá không khi những gì anh đang làm là hành trình ngược, tức hướng đến khán giả lớn tuổi của Việt Nam nhiều hơn là đặt mục tiêu chinh phục khán giả khu vực châu Á, đặc biệt với người trẻ?
Kể ra cũng khó thật nhưng không phải không làm được. Bạn có thể nghe tôi hát boléro nhưng tôi cũng có đầy những sản phẩm âm nhạc trẻ trung và rất mới. Trong ngày một ngày hai, bạn chưa thể biến giấc mơ của mình thành sự thật nhưng điều đó không có nghĩa mãi mãi bạn không thể làm. Tôi không ước mình là ngôi sao số 1 nhưng vị trí số 2 rõ ràng cũng chẳng tệ. Biết cân bằng, hiểu người hiểu ta sẽ giúp tôi thực hiện được giấc mơ của mình.
- Thì ra, đây cũng chính là lý do anh luôn nhắc đến giấc mơ "huyền thoại" của đời mình mặc cho sự gièm pha, chỉ trích của một số người không ưa anh?
Tôi tin nhiều người không hiểu hết từ "huyền thoại". Đó là lý do tôi nhận không ít sự dè bỉu từ dư luận khi đề cập nó một cách thật lòng. Cứ đợi ai đó chết đi, người ta mới phong huyền thoại này, huyền thoại kia, với tôi, đó là suy nghĩ thiển cận và thiếu công bằng. Hãy cứ xét đến những cống hiến của họ cho "thánh đường" nghệ thuật mà họ tôn thờ và sống chết với nó. Chỉ cần xét đến hành trình phấn đấu không mệt mỏi của ai đó cũng đủ để chấp nhận danh xưng "huyền thoại" gắn với họ rồi.
Nỗ lực vô nghĩa
- "Huyền thoại" không có nghĩa là tài năng, sự cống hiến. Anh thấy mình xứng đáng được tôn vinh là một tài năng?
Tôi ước muốn và nghĩ mình xứng đáng chứ! Những gì tôi đã làm là nỗ lực, cống hiến. Bạn cứ nghĩ thế này: Từ một thợ cắt tóc, tôi trở thành ngôi sao được công chúng đón nhận và thừa nhận. Tôi chiếm lĩnh diễn đàn, làm chủ truyền thông, dẫn dắt dư luận. Bạn nghĩ xem tôi có xứng đáng không? Những năm gần đây, Mỹ Tâm còn được tặng danh hiệu "Huyền thoại châu Á", sao mọi người không ý kiến gì?
- Anh có suy nghĩ vì sao công chúng thừa nhận Mỹ Tâm mà còn e dè anh không?
Vì điều tôi muốn, tôi đã nói 10 năm trước, trong khi trường hợp của Mỹ Tâm thì chỉ mấy năm gần đây. Người tiên phong hẳn sẽ vấp phải sự "khó chịu" của người khác. Tôi từng nói tôi đón đầu xu hướng và thường đi trước người khác 10 năm. Như trước đây, khi tôi sáng tạo trong phong cách ăn mặc của mình, mọi người gọi tôi là "đồ quái dị". Nhưng giờ, người ta gọi đó là fashionista (những người rất có phong cách), tức chấp nhận điều này dễ dàng hơn trước.
- Người yêu mến Đàm Vĩnh Hưng rất đông nhưng người ghét Đàm Vĩnh Hưng cũng không kém, điều này cho thấy anh thất bại nhiều hơn trong quá trình chinh phục công chúng?
Với những người không cùng chí hướng, mọi sự cố gắng hay nỗ lực của mình đều trở thành vô nghĩa. Tôi chẳng có hơi để đôi co, phân trần hay giải thích cho những người cố tình không muốn hiểu. Mỗi người sẽ phải chịu trách nhiệm với hành vi của họ.
Hơn nữa, có lẽ tôi đã trở nên chai lì, lãnh cảm với chính những lời chỉ trích, thậm chí là phỉ báng vô căn cứ rồi. Tôi từng viết thư cho antifan (người ghét mình) kêu gọi họ rằng "đừng dừng lại công việc "ném đá" đối với tôi", bởi điều đó càng giúp tôi được công chúng biết đến nhiều hơn. Antifan "ném đá" tôi thì fan của tôi cũng có đủ lý lẽ để phản bác, đấu tranh lại với họ. Như vậy, tên tôi càng được nhắc đến nhiều, tôi càng thấy mình thực sự được quan tâm mà thôi. Quan trọng hơn, ở tuổi này, tôi chả quan tâm những chỉ trích không căn cứ.
Nạn nhân của truyền thông
- Nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, không ít vụ tranh cãi nổ ra trên công luận, Đàm Vĩnh Hưng là người châm ngòi?
Tôi biết kiểm soát những gì mình phát ngôn. Nếu có gì đó gây sốc, sao mọi người không đặt ngược lại tình huống: "Vì sao tôi lại nói như vậy? Phải chăng, chính anh/chị/em phóng viên nào đó đưa cho tôi một câu hỏi cực sốc?". Mọi thứ xảy ra trên cuộc đời này đều có căn nguyên của nó. Tôi đâu dở hơi đến mức nói những điều để cho những người không ưa mình vào chửi mắng. Tôi cũng không cố tình làm vậy vì muốn nổi tiếng hơn bởi đã có những gì mà tôi tin rằng chẳng phải ai cũng có được. Vì thế, tôi chưa bao giờ phải cố gắng làm điều gì đó khác biệt để tạo tên tuổi cả.
- Nói vậy, anh đã từng là nạn nhân của truyền thông?
Có chứ. Thậm chí là thường xuyên! Mọi câu chuyện của tôi đều bắt đầu rất bình thường nhưng khi xuất hiện trên mặt báo, nó khô khan và tàn nhẫn đến không tưởng. Như chuyện gần đây của Hồ Ngọc Hà, nó chỉ bắt đầu bằng câu hỏi sao không mời cô ấy biểu diễn trong live show? Sau đó là những gì mà mọi người thấy trên mặt báo, rằng "Đàm Vĩnh Hưng tiết lộ, chia sẻ chuyện tình Hồ Ngọc Hà". Tôi nói chuyện bằng tình cảm của những người thân thiết nhưng lên báo lại khác hẳn.
- Là người rất "cá tính", anh có phản ứng lại những điều sai lệch ấy không?
Tôi cá tính không có nghĩa tôi thẳng thắn đến mức dồn người khác vào chân tường. Khi đã vỡ trận, có làm gì cũng khiến cho mọi thứ thành to chuyện không đáng có mà thôi. Bớt được ồn ào không hay thì đó là chuyện tốt.
- Nhưng nhiều người sẽ tin vào những gì trên mặt báo để đánh giá tư cách, nhân phẩm của anh, khi anh có quá nhiều điều tiếng chẳng hay ho gì?
Tôi được dạy làm người cho tốt chứ không phải trở thành những nhà đạo đức học hay làm thầy của người khác. Ai muốn điều đó thì cứ mặc họ. Tôi chỉ mong mình làm người thật tốt và đó là lý do tôi cứ móc tiền túi ra đi làm công tác thiện nguyện trong lặng lẽ chứ không hô lên rằng tôi đang làm được điều này hay điều nọ cho mọi người biết.
Tôi chẳng ngán gì ai đánh giá đạo đức của tôi vì thời này, chẳng ai ngu để bạn dẫn dắt họ. Bạn đánh giá đạo đức của người khác thì người nghe cũng sẽ nhìn vào nhân phẩm, đạo đức của bạn để họ suy xét sự việc.
Chấp nhận cô đơn
- Anh như hình với bóng với nhiều mỹ nhân và cũng chẳng ngại sẻ chia tình cảm chân thành với cả mỹ nam. Nhiều nghi ngờ về giới tính của anh cũng chẳng phải vô lí?
Tôi thích điều đó bởi sự nghi ngờ sẽ tạo nên nhiều sắc màu trong cuộc sống của họ và cho cả chính tôi nữa. Họ cứ tô vẽ theo cách mà họ muốn. Tôi có xác định giới tính hay không cũng chẳng khiến tôi mất đi hào quang. Khán giả yêu mến tôi chẳng quan tâm đến những điều tào lao như thế.
- Trong cuộc sống hiện tại, anh có cảm thấy cô đơn không khi vẫn là người độc thân?
Có chứ! Nhưng đó là lựa chọn của tôi và tôi chấp nhận nó. Những nghệ sĩ như NSƯT Thành Lộc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…, hẳn họ cũng từng cảm thấy cô đơn trong cuộc sống của mình. Tôi cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, tôi tin sự cô đơn cũng có những giá trị rất riêng mà nếu không trải nghiệm, hẳn chẳng bao giờ bạn nhận ra.
Vũ Hà: 'Không nghe Đàm Vĩnh Hưng hát Bolero dù chơi thân 20 năm' Đó là lời thú nhận của giọng ca "Tiểu thư kiêu kỳ" trong buổi ra mắt album "Tình bơ vơ" của Mr. Đàm vào chiều ... |
Vì sao liveshow bolero của Đàm Vĩnh Hưng 'hút' khán giả 2 miền Nam Bắc? Dù chưa đến đêm diễn thứ hai vào ngày 26/8 tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Hà Nội, liveshow “Sài Gòn Bolero & Hưng” ... |