Bộ Tài chính đang muốn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng thêm 1.000 đồng/lít, lên mức kịch khung là 4.000 đồng/lít; còn dầu diesel thêm 500 đồng/lít, lên kịch trần cho phép là 2.000 đồng/lít. Nhìn lại lịch sử các lần tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, có thể thấy ngân sách đã bội thu thế nào.
Ngân sách thêm hàng chục ngàn tỷ
Ngày 15/11/2010, Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2012. Luật thuế này quy định Biểu khung thuế đối với 8 nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, trong đó có xăng, dầu.
Thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.
Mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng từ năm 2012 với xăng là 1.000 đồng/lít; dầu diesel 500 đồng/lít,...
Thu ngân sách tăng mạnh từ thuế bảo vệ môi trường, trong đó chủ yếu là xăng dầu |
Với mức thuế bảo vệ môi trường được áp dụng cho 8 nhóm sản phẩm hàng hóa, ngân sách năm 2012 thu được hơn 11.100 tỷ đồng; năm 2013 tăng lên 11.500 tỷ đồng. Con số của năm 2014 là 11.970 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức thuế 1.000 đồng/lít với xăng không duy trì được bao lâu. Từ ngày 1/5/2015, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng tới 3 lần. Cụ thể xăng tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, còn dầu diesel tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít,...
Điều này khiến số tiền thuế bảo vệ môi trường thu được tăng vọt lên gấp nhiều lần. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2015 con số đó là khoảng 27.020 tỷ đồng, năm 2016 khoảng 44.323 tỷ đồng và năm 2017 là khoảng 44.825 tỷ đồng.
Điều đáng lưu ý, trong 8 nhóm sản phẩm hàng hóa thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường, thì số thu từ thuế với xăng dầu chiếm tuyệt đại đa số.
Cụ thể, nhóm xăng dầu, than đá chiếm chủ yếu (khoảng 99%) tổng số thu thuế bảo vệ môi trường qua các năm.
Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng thuế môi trường với xăng dầu và nhiều mặt hàng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng thu nội địa từ 59% (giai đoạn 2006-2010) lên 68% (giai đoạn 2011-2015), đến năm 2015 chiếm 74% tổng thu NSNN theo đúng định hướng Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 là tăng dần tỷ trọng nguồn thu trong nước.
Xăng là mặt hàng đóng góp nhiều nhất vào số thu thuế bảo vệ môi trường. |
Những lần rục rịch tăng thuế xăng dầu
Không lâu sau lần tăng thuế môi trường với xăng dầu lần 2, thì vào tháng 2/2016, Bộ Tài chính đã rục rịch tiến hành nghiên cứu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên “kịch khung” là 4.000 đồng/lít (tăng thêm 1.000 đồng) do giá dầu thô giảm mạnh gây áp lực thu ngân sách. Còn dầu diesel được tính toán tăng 500 đồng thuế môi trường.
Thời điểm đó, Bộ Tài chính liên tục phủ nhận thông tin này. Thực tế cả năm 2016, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vẫn được giữ nguyên, giá xăng dầu cũng cao hơn nhiều thời điểm Bộ này tính toán tăng thuế môi trường với xăng dầu.
Tuy nhiên, vừa bước sang năm 2017, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó mặt hàng xăng dự kiến sẽ chịu thuế bảo vệ môi trường tối đa là 8.000 đồng/lít. Mức thấp nhất trong khung thuế mới này là 3.000 đồng/lít, ngang bằng mức trần của khung thuế bảo vệ môi trường hiện hành.
Dầu diezel cũng dự kiến tăng lên 1.500-4.000 đồng/lít, gấp 2-3 lần khung thuế hiện hành (dầu diezel từ 500-2.000 đồng/lít).
Điều này đã bị dư luận phản đối gay gắt. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng không đồng tình với chủ trương này nên đã yêu cầu Bộ Tài chính về nghiên cứu lại.
Sau khi bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội “bác” đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít, ít ngày sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất, Bộ Tài chính lại đưa dự thảo Nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường, trong đó có việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một điểm đặc biệt đáng chú ý tại dự thảo Nghị quyết này là Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít,...
Với phương án tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nêu trên của Bộ Tài chính, dự kiến ngân sách sẽ tăng mạnh.
Theo tính toán của Bộ này, số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến đối với xăng, dầu khoảng 55.591 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.863 tỷ đồng/năm.
Tiêu dùng 06:00 | 08/05/2020
Tiêu dùng 05:42 | 07/05/2020
Kinh doanh 05:52 | 06/05/2020
Tiêu dùng 06:00 | 05/05/2020
Tiêu dùng 06:00 | 04/05/2020
Tiêu dùng 06:28 | 02/05/2020
Tiêu dùng 06:03 | 01/05/2020
Tiêu dùng 06:00 | 30/04/2020