Đẩy mạnh xuất khẩu sữa Việt sang Thái Lan khi thuế về 0%

Thị trường sữa Thái Lan được đánh giá là rất tiềm năng với mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người cao hơn 2,23 lần Việt Nam

Bộ Công Thương đã ra thông báo hướng dẫn các doanh nghiệp Việt sản xuất và xuất khẩu sữa sang thị trường Thái Lan đầy tiềm năng khi thuế suất nhập khẩu về 0%.

Theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam vào thị trường Thái Lan sẽ không bị áp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu và được hưởng thuế suất 0%.

Trong khi đó, thị trường sữa tại Thái Lan được đánh giá là rất tiềm năng, có giá trị khoảng 3,4 tỷ USD (năm 2016) với mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người cao hơn 2,23 lần so với Việt Nam, vào khoảng 35 lít/người/năm. Hiện nay, Thái Lan chủ yếu nhập khẩu sữa nước từ New Zealand, Australia, Indonesia, Hoa Kỳ và Hà Lan.

Nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Thái Lan, Bộ Công Thương đã ra thông báo hướng dẫn các thủ tục nhập khẩu cần thiết.

Theo đó, trong trường hợp xuất khẩu sữa tươi chưa qua chế biến, phía Thái Lan yêu cầu phải có công văn (cung cấp thông tin về doanh nghiệp Việt và thông tin về các sản phẩm sữa sẽ xuất khẩu) của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam gửi Cục Phát triển chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan.

Sau khi nhận được văn bản của Cục Chăn nuôi Việt Nam, Cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan sẽ cử đoàn sang Việt Nam kiểm tra quy trình sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn xuất khẩu sữa phải cung cấp các thông tin cho phía Thái Lan để làm thủ tục nhập khẩu. Đối với trường hợp xuất khẩu sữa tươi chưa qua chế biến, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm việc với đoàn Cục Chăn nuôi Thái Lan sang kiểm tra quy trình sản xuất, các yêu cầu SPS.

Đối với nhà nhập khẩu tại Thái Lan (bao gồm cả chi nhánh doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu Việt Nam tại Thái Lan khi nhập khẩu sữa từ Việt Nam) thì trước khi nhập khẩu và lưu hành trên thị trường, doanh nghiệp tại Thái Lan đăng ký sản phẩm sữa muốn nhập khẩu từ Việt Nam tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA) thuộc Bộ Y tế cộng đồng nước này.

Sau đó, doanh nghiệp nhập khẩu làm thủ tục để Ủy ban Quản lý Sữa và các sản phẩm sữa Thái Lan thông qua.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu phải đăng ký để được cấp phép nhập khẩu sữa với Cục Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan.

Hiện Việt Nam có khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa với hơn 300 nhãn hàng. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên chính thức xuất khẩu sữa sang thị trường Thái Lan là Vinamilk vào năm 2012. Đến nay, sữa Việt Nam đã có mặt tại gần 50 quốc gia trên thế giới.

chọn
Đất Xanh: Gem Riverside đã xong pháp lý và sắp mở bán
Đại diện Đất Xanh cho biết dự án Gem Riverside đã cơ bản hoàn thiện pháp lý, doanh nghiệp có kế hoạch bán hàng từ quý III/2024.