Ngày 4/11, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia Dự án thủy điện dòng chính Luông Prabang của Lào tại TP HCM. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia môi trường, các tổ chức liên hiệp hội khoa học, tổ chức phi chính phủ và đại diện các tỉnh, thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hội thảo tham vấn quốc gia Dự án thủy điện dòng chính Luông Prabang. (Ảnh: Ngự Kỳ).
Tại hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan ngại về những tác động tiêu cực của công trình thủy điện Luông Prabang, tích lũy với các dự án khác với ĐBSCL. Khu vực này ngày càng hiếm lũ lớn dẫn đến phù sa bị thiếu hụt, sạt lở xảy ra trầm trọng với hơn 500 ha mỗi năm.
Vì không thể ngăn công trình trên nên các đại biểu đề nghị cần tìm giải pháp đánh đổi để thiệt hại làm sao ít nhất, cần có sự ràng buộc với những điều khoản lên quan đến kinh tế với chủ đầu tư. Đặc biệt, cần phải cập nhật số liệu cụ thể về thủy văn, dòng chảy, luồng di chuyển của cá…
"Hiện nay thông tin về tác động xuyên biên giới chưa đầy đủ và chúng tôi sẽ góp ý cho Lào phải bổ sung thông tin. Chắc chắn không chỉ thu thập thông tin mà phải có thêm đánh giá tác động đến ĐBSCL. Việt Nam sẽ hỗ trợ cho Lào và chủ đầu tư trong tiến hành đánh giá để làm rõ tác động xuyên biên giới", tiến sĩ Lê Đức Trung - Chánh văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết.
Sông Mê Kông đoạn chảy qua Luang Prabang (Lào). (Ảnh: Liên minh Cứu sông Mê Kông).
Công trình thủy điện Luông Prabang nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, thuộc tỉnh Luông Prabang. Vị trí dự kiến xây dựng công trình nằm tại km 2.036, cách biên giới Việt Nam 1.785 km. Công suất thiết kế của công trình là 1.460 MW và sản lượng điện hằng năm là 6.622 GWh được dự kiến sẽ bán sang Thái Lan hoặc Việt Nam.
Chủ đầu tư của Dự án là Công ty TNHH Năng lượng Luông Prabang của Lào, bao gồm 2 cổ đông là Tổng Công ty điện lực Dầu khí Việt Nam góp 38% vốn chủ sở hữu và Công ty TNHH PT của Lào nắm giữ 37%; Chính phủ Lào sở hữu 25% vốn. Dự kiến sau quá trình tham vấn trước tháng 4/2020, công trình sẽ được khởi công xây dựng từ ngày 1/7/2020 và hoàn thành phát điện vào quý III năm 2027.
Trong lưu vực Mê Kông, Việt Nam là quốc gia ở cuối nguồn, luôn tuân thủ thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông kí kết năm 1995. Hiệp định này không có quy định về quyền được phủ quyết của một quốc gia đối với đề xuất sử dụng nước của quốc gia khác, nhưng có quy định cho phép các quốc gia bị tác động có quyền yêu cầu các quốc gia có công trình phải đảm bảo phát triển bền vững dòng sông Mê Kông và có trách nhiệm giảm thiểu tác động do các công trình gây ra.
Do vậy, mặc dù Việt Nam có sự tham gia đầu tư vào dự án thủy điện Luông Prabang, mọi quy trình, thủ tục thực hiện tham vấn đối với dự án này sẽ được hoàn toàn tuân thủ theo các quy định liên quan và phù hợp của Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế.
Việt Nam sẽ kiên quyết yêu cầu Chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế dự án, hoàn thiện các biện pháp giảm thiểu tác động, xây dựng các chương trình theo dõi, giám sát tác động đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kĩ thuật của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế trước khi xây dựng công trình.
Được biết, ở vùng thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 11 công trình thủy điện đã đi vào vận hành và đã gây tác động đáng kể tới vùng hạ lưu sông Mê Kông, bao gồm cả ĐBSCL. Tại vùng hạ lưu sông Mê Kông, các nước Campuchia, Lào và Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính, trong đó Lào có 7 công trình; Thái Lan và Lào có 2 công trình chung trên biên giới hai nước và Campuchia có 2 công trình.
Đô thị 08:29 | 13/07/2020
Nhà đất 08:06 | 13/07/2020
Kinh doanh 08:03 | 13/07/2020
Đô thị 08:03 | 13/07/2020
Kinh doanh 09:07 | 29/06/2020
Đô thị 06:02 | 29/06/2020
Du lịch 06:00 | 29/06/2020
Tiêu dùng 20:34 | 28/06/2020