Vừa qua, Infonet nhận được phản ánh của một số phụ huynh học sinh ở Thái Bình về việc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn tại THPT Chuyên Thái Bình “có sai sót”, không đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Cụ thể, theo phản ánh của một phụ huynh, trong câu số 2 tại phần I của đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn của THPT Chuyên Thái Bình yêu cầu “xác định phương thức biểu đạt chính” trong đoạn trích:
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không”.
Tuy nhiên, đáp án trong câu này lại đưa ra hai phương thức là miêu tả hoặc biểu cảm. Theo vị phụ huynh này, đã là “phương thức biểu đạt chính” thì chỉ có một, đề thi hỏi một đằng và đáp án đưa ra một nẻo là chưa hợp lý.
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn tại THPT Chuyên Thái Bình
Trời xanh càng rộng càng caoThêm nữa, trong câu hỏi số 4, đề bài yêu cầu "Nêu và phân tích tác dụng của biện pháp nhân hóa trong hai câu thơ:
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không”.
Câu hỏi này đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội vì có người cho rằng trong câu thơ không hề có sự xuất hiện của biện pháp nhân hóa mà đề lại yêu cầu phân tích.
Điều đáng nói, trong biểu điểm chấm thi của Sở GD&ĐT Thái Bình trong câu hỏi này có nói: “Nếu thí sinh chỉ ra được vẻ đẹp về nội dung và nghệ thuật của câu thơ hoặc có ý kiến riêng khác, hợp lý vẫn được cho điểm tối đa”.
Đáp án tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn tại THPT Chuyên Thái Bình.
Chia sẻ những tranh cãi xung quanh đề thi này, cô Trịnh Thu Tuyết – giáo viên Ngữ Văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho hay: “Thực ra, nếu nói phương thức biểu đạt chính chỉ có một phương thức thì cũng chưa chuẩn. Bởi lẽ, đã nói đến thơ là tiếng nói cảm xúc nên phương thức sẽ là biểu cảm nhưng lại biểu cảm bằng chính miêu tả thì cũng có thể chấp nhận hai phương thức biểu đạt”.
Theo vị phụ huynh trên, “Đề thi trường chuyên mà lại không nhất quán, có sai sót là điều không thể chấp nhận, như biểu điểm chấm của câu số 4, thí sinh cứ chỉ được nội dung nghệ thuật là có điểm tối đa (1 điểm). Như vậy sẽ không đảm bảo công bằng cho các thí sinh trong cuộc đua khốc liệt vào trường chuyên. Bởi lẽ, chỉ hơn nhau 0,25 điểm là đã kẻ đỗ, người trượt rồi”.
Chia sẻ thêm, cô Trịnh Thu Tuyết cho hay: “Đúng là trong hai câu thơ này không có biện pháp nghệ thuật nhân hóa. Còn nếu yêu cầu chỉ ra biện pháp nhân hóa thì đề thi này bị sai.
Bởi lẽ, nhân hóa là biến vật vô tri, vô giác mang những đặc điểm của con người. Ở đây “con diều sáo” là vật vô tri nhưng “lộn nhào” ở đây chỉ là một động từ để miêu tả sự di chuyển của con diều ở trong gió ở trên không chứ không hề có nhân hóa”.
Một giáo viên khác dạy Văn trên địa bàn Hà Nội cũng cho hay: “Với một đề thi tuyển sinh chính thức, nên lựa chọn những câu hỏi đảm bảo sự chặt chẽ trong cả hình thức diễn đạt lẫn nội dung. Muốn thế, phải tìm được những nét đặc sắc trong nội dung, trong nghệ thuật của tác phẩm để tập trung khai thác. Tránh đặt những dạng câu hỏi theo công thức và tỏ ra gượng ép khi đặt vào các văn bản (ngữ liệu) khác nhau”.
Liên quan đến vấn đề trên, chiều 29/5, chia sẻ với PV Infonet qua điện thoại, ông Nguyễn Viết Hiển – Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cho hay: “Đề thi và đáp án môn Ngữ Văn trường THPT Chuyên Thái Bình chúng tôi đã công bố chính thức trên website của Sở GD&ĐT Thái Bình. Văn chương thì có chuyên gia nói thế này nói thế khác”.
Khi PV đặt câu hỏi "vậy đề thi này đúng hay sai" thì vị Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết: “Phóng viên về tận nơi, chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản sau chứ giờ tôi không khẳng định đúng sai”.