Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, về việc thể chế hóa chủ trương Nghị quyết 18 của Trung ương, trong đó định hướng tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Từ thực tiễn, đại biểu đề nghị cần phải xem xét một cách thấu đáo. Cần phải nhận thức rõ vấn đề tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân, có đề cập đến vấn đề thỏa thuận về chuyển nhượng quyền sử dụng.
Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc rất kỹ để thể chế hóa chủ trương này, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ hơn, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động.
Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, thể chế, quan điểm của Trung ương phải trên tinh thần tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân trong việc quyết định quyền sử dụng đất (giao cho doanh nghiệp góp vốn, định giá).
Tuy nhiên, về giá phải thống nhất một mức giá theo quy định của giá nhà nước, để đảm bảo sự công bằng, minh bạch; đồng thời cần quan tâm đến cơ chế và kiểm soát thỏa thuận này như thế nào.
Đại biểu còn góp ý về việc bố trí tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, đại biểu đề nghị bám sát vào quan điểm xuyên suốt, đó là nơi ở mới phải bằng hoặc thấp hơn cũ và phải thể chế thật kỹ vấn đề này. Quy định của pháp luật phải chặt chẽ phải có nơi tái định cư, đưa vào Luật điều cấm nếu chưa bố trí tái định cư thì dứt khoát không được thu hồi đất.
Đại biểu Đào Hồng Vận - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, đối với các dự án án phát triển kinh tế - xã hội, nếu thỏa thuận được với người dân là rất tốt và người dân đồng thuận. Tuy nhiên phải trao đổi rất kỹ. Đại biểu Đào Hồng Vận thắc mắc Bộ Tài nguyên và môi trường có khảo sát, đánh giá các dự án theo Điều 73 của Luật Đất đai năm 2013 hay chưa?
Hiện nay tại địa phương của đại biểu rất khó thực hiện và đang gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư khi bỏ ra một số tiền lớn để đền bù nhưng không thể đưa dự án vào thực hiện do một số người dân đòi giá thỏa thuận rất cao, gấp nhiều lần so với người đã thỏa thuận và đền bù trước đó.
Như vậy, đại biểu cho rằng, nếu chấp thuận đền bù thì sẽ gây mâu thuẫn ngay trong nội bộ người dân vì người được cao, người lại thấp. Vì vậy, đại biểu Đào Hồng Vận đề nghị Quốc hội nghiên cứu.
"Mặt khác, đối với dự án phát triển đô thị, nhà ở thương mại đấu giá sử dụng đất, theo dự thảo, việc lựa chọn nhà đầu tư qua hình thức đấu giá đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và Nhà nước trực tiếp đấu giá đất ở. Vì vậy, Nhà nước phải tổ chức giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch đấu giá". Đại biểu Đào Hồng Vận cho biết.
Theo Đại biểu Đào Hồng Vận, nếu như vậy Nhà nước sẽ khó thực hiện việc thỏa thuận, và Nhà nước có thể thu hồi đất, nhưng giá đền bù, hỗ trợ phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu tranh luận về hướng giải quyết ách tắc khi không thực hiện được thoả thuận, đại biểu Dương Văn Phước - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, có đại biểu đưa ra một thực tế nhà đầu tư không thỏa thuận được với người dân, trong khi cộng đồng khu dân cư đã đồng thuận.
Đại biểu nêu rõ đây là một thực tế nhưng chưa đưa ra được hướng giải quyết. Sự thỏa thuận trên tinh thần thương lượng là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Theo đại biểu, nguyên nhân của vấn đề không hẳn do người dân đòi hỏi giá quá cao mà bản chất là việc xác định giá đất chưa được quy định cụ thể. Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) phải giải quyết được vấn đề phát huy nguồn lực, phát huy quyền sử dụng đất và phải thương mại hóa quyền sử dụng đất. Đồng thời cũng sử dụng quyền năng của chủ sở hữu về đất đai của Nhà nước để giải quyết được việc cản trở nguồn lực đất đai.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, từ thực tiễn công tác, cần hết sức hạn chế cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án có sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo Đại biểu Phạm Văn Thịnh, việc duy trì cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã tạo ra sự mất công bằng giữa những người có đất nông nghiệp mà Nhà nước thu hồi với người được thỏa thuận giữa những người có đất trong cùng một dự án thỏa thuận.
Cơ chế này cũng khiến cho các dự án thuộc diện thỏa thuận không có thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng khiến nhiều dự án dở dang, bỏ đất hoang hóa, ảnh hưởng rất xấu để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước. Cơ chế thỏa thuận đã tạo ra những điều vô lý, mất công bằng xã hội.
Để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án thỏa thuận theo Luật Đất đai năm 2013, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị bổ sung thêm trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với các dự án thuộc diện thỏa thuận mà đã đạt 80% về diện tích điều này phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 18-NQ/TW.
Sau khi Nhà nước thu hồi thì cần rà soát nâng mức bồi thường, hỗ trợ cho người dân cho phù hợp; đồng thời thực hiện triệt để việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá công khai, minh bạch. Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Thịnh cũng đề nghị dự thảo Luật này nên nghiên cứu bổ sung hình thức là quyền sử dụng đất ở có thời hạn.
Theo đại biểu, việc nhà nước giao chứng nhận quyền sử dụng đất ở có thời hạn sẽ đem lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, đối với các dự án có quyền sử dụng đất ở có thời hạn sẽ hạn chế đầu cơ đất, phân lô bán nền mà khuyến khích đầu tư giá trị của tài sản trên đất.
Thứ hai, kéo giảm giá đất ở. Thứ ba, quý đất và quyền sở hữu của Nhà nước sẽ không mất đi mà ngày càng mở rộng, tạo điều kiện cho Nhà nước thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được thuận lợi.