Nhưng khi ngành hàng không cuối cùng cũng được khởi động lại, các phi công sẽ cần phải tăng tốc để bắt kịp với các yêu cầu mới.
Không chỉ là quay trở lại với công việc hàng ngày, các phi công sẽ phải cải thiện các kĩ năng trên boong máy bay, đảm bảo tuân thủ các qui định an toàn nghiêm ngặt được siết chặt hơn bởi ngành hàng không.
Và điều này đang hình thành một thách thức mới, khi các phi công trên thế giới vẫn đang phải ở nhà, để tuân thủ qui tắc an toàn xã hội.
"Phi công luôn đòi hỏi phải được đào tạo thường xuyên và đáp ứng được qui tắc 3 lần, để để có thể vận hành máy bay", ông Brian Strutton thuộc Hiệp hội Phi công Hàng không Anh (BALPA) - đại diện cho lợi ích của tất cả các phi công tại Anh, nhận định.
Qui tắc 3 lần có nghĩa là phi công phải thực hiện thành công 3 lần cất cánh và hạ cánh trong vòng 90 ngày trước đó - một trong số này họ phải sử dụng thiết bị buồng lái tự động.
Để đủ điều kiện bay cả ngày lẫn đêm, phi công thương mại cũng cần phải thực hiện thành công 3 lần cất cánh và hạ cánh vào ban đêm trong vòng 90 ngày, ngoài 3 lần cất cánh và hạ cánh ban ngày.
Không chỉ vậy, các phi công còn phải trải qua những kiểm tra hàng năm khác.
Các đợt kiểm tra thường niên điển hình có bài kiểm tra trình độ giấy phép, phi công sẽ phải thông qua hàng năm, để giữ được giấy phép phi công của mình.
Ngoài ra, hãng hàng không cũng phải thực hiện bài kiểm tra trình độ hoạt động cứ mỗi 6 tháng.
"Hầu hết các bài kiểm tra này có thể được thực hiện trong mô hình giả lập 'cấp D' ", ông Adam Twidell, một phi công lâu năm kiêm CEO của PrivateFly – công ty đặt chỗ máy bay phản lực theo yêu cầu.
Mô hình giả lập sẽ tạo ra những tình huống thực nhất, giống thật nhất, để phi công thực hiện kiểm tra như đang bay thật.
Mô hình mô phỏng này cũng rất quan trọng, để giúp các phi công duy trì và mài dũa kĩ năng bay sắc bén hơn.
Nhưng khi liên quan đến việc xếp hạng, đào tạo và cấp chứng chỉ, phi công cần phải thực hiện các mô hình mô phỏng chuyến bay thực tế nhất, với qui mô như một máy bay thông thường.
Với tình hình dịch bệnh diễn ra ngày một phức tạp, các trung tâm huấn luyện và cung cấp các thiết bị mô phỏng đều đã đóng cửa.
Còn một vấn đề khác nữa là quá trình huấn luyện, kiểm tra luôn phải có người hướng dẫn và người quan sát bên cạnh, các phi công phụ cũng cần phải có mặt. Điều thực sự khó thực hiện, do các qui định khoảng cách an toàn xã hội hiện nay.
"Nhu cầu sử dụng các thiết bị giả lập sẽ tăng đáng kể, khi các hãng hàng không bắt đầu quay trở lại hoạt động, ông Twidell nhận định với CNN Travel, "và họ sẽ không thể thực hiện điều đó ngay khi họ muốn".
Chi phí cũng là một nhân tố tác động rất lớn.
Thuê thiết bị bay giả lập có giá 300- 400 USD/giờ, chưa tính chi phí cho các nhân viên cần thiết trong quá trình sử dụng.
Hơn nữa, các phi công cũng phải trải qua các yêu cầu huấn luyện về xử lí đám cháy và khói thường xuyên.
Còn có các khóa học sơ cứu và khóa quản lí nhân sự phi hành đoàn, đào tạo cách đánh giá hiệu quả làm việc của các thành viên phi hành đoàn như một nhóm tập thể.
Kết hợp sự phức tạp của đủ các loại hình đào tạo và chứng chỉ khác nhau, cùng số lượng các phi hành đoàn trên thế giới, không khó để hình dung được thách thức này không hề nhỏ.
Hiện trên thế giới có hơn 290.000 phi công được cấp phép hành nghề, đang ở trong nhà để tuân thủ các qui định ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan.
Các cơ quan quản lí nới lỏng qui định
Để giúp giảm bớt áp lực các chứng chỉ và xếp hạng y tế của phi công hết hạn, các yếu tố bổ sung để cấp phép phi công bay các loại máy bay cụ thể, các cơ quan quản lí trên toàn thế giới đã gia hạn thời gian hiệu lực của các loại giấy tờ này.
Ở châu Âu, Cơ quan An toàn Hàng không EU (EASA) đã gia hạn thời hạn cho một số yêu cầu giấy phép nhất định, với điều kiện mỗi hãng hàng không tại đây phải đưa ra kế hoạch đào tạo phi công chi tiết.
EASA sẽ đánh giá kế hoạch đào tạo được trình, nếu được xác định có tính khả thi cao, sẽ gia hạn thời hạn giấy tờ cho phi công của hãng.
Tại Mỹ, trợ lí cố vấn trưởng của Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) – bà Naomi Tsuda, đã tuyên bố: "Do các tình huống đặc biệt liên quan đến đại dịch, FAA sẽ không đưa ra các hành động pháp lí cho các phi công, trong các trường hợp không tuân thủ các tiêu chuẩn về thời gian chứng nhận y tế".
"Nếu chứng chỉ của họ hết hạn trong khoảng từ ngày 31/3 đến ngày 30/6 năm 2020", bà nói thêm.
"FAA sẽ xem xét lại quyết định này khi tình hình thay đổi, chúng tôi sẽ xác định liệu có cần gia hạn hoặc có thêm các hành động khác, để giải quyết những thách thức liên quan đến cơn đại dịch này hay không", bà Tsuda tuyên bố trong buổi thông cáo Chính sách thực thi của FAA.
Tại Anh, Cơ quan Hàng không Dân dụng, cùng với EASA, đã miễn áp dụng thời hạn hiệu lực thông thường cho các giấy phép, chứng chỉ và xếp hạng hết hạn trước ngày 31/10 năm 2020. Áp dụng cho tất cả các nhà khai thác bay, phi hành đoàn, chuyên gia hướng dẫn đào tạo và giám sát viên trong lĩnh vực vận chuyển hàng không thương mại.
"Hơn 40 hãng hàng không đã đình chỉ toàn bộ đội bay của mình, và phần lớn các hãng khác đã đình chỉ 80-90% đội bay", Sam Sprules - CEO tại cơ quan tuyển dụng phi công Aeroprof Professional – cho biết.
"Con số này chưa từng xảy ra trước đây", ông nói. "Bạn có thể mường tượng được số phi công đang ở trên mặt đất lớn như nào".
Chuyên gia Sprules tiết lộ rằng rất nhiều phi hành đoàn đang phải nhận mức lương tối thiểu, hoặc được yêu cầu nghỉ phép không lương trong một vài tháng tiếp theo.
Ở nhiều quốc gia, các hãng hàng không đang hoạt động dựa trên các chương trình trợ cấp, hoặc thay hãng trả lương cho nhân viên.
Kịch bản xấu nhất cho các phi hành đoàn thiếu may mắn là họ sẽ bị sa thải.
Phi công dừng bay đang làm gì?
Các phi công cần có các bài huấn luyện bay mô phỏng để duy trì kĩ năng của mình. Vậy trong giai đoạn "mắc kẹt" tại nhà như hiện tại, họ có thể làm gì để giữ vững kĩ năng của mình?
Bà Karlene Petitt – nữ phi công tàu bay Boeing 777 Mỹ, và là tác giả của cuốn Bình thường hóa sự sai lệch: Mối đe dọa đối với an toàn hàng không, đã chia sẻ với CNN rằng các phi công có thể sử dụng thời gian nghỉ ngơi này để cải thiện các kiến thức còn thiếu.
Bà cho rằng trong thời đại mà nhiều lĩnh vực đang dần được tự động hóa, các phi công cần nắm được các kiến thức cập nhật về cải tiến công nghệ trong ngành hàng không. Từ đó nắm vững các qui trình vận hành các công nghệ mới khi điều khiển máy bay.
"Bạn sẽ bắt đầu quên những thứ mà bạn biết nếu không thường xuyên sử dụng chúng. Nếu có thể giữ được nó, thì bạn sẽ không mất đi sự thành thạo trong công việc của mình", bà nói.
"Điều gì có thể tuyệt vời hơn việc các hãng cung cấp công cụ đào tạo trực tuyến giúp chúng tôi có thể luyện tập và duy trì sự thành thạo của bản thân trong giai đoạn này, chuẩn bị cho khi quay trở lại bầu trời cơ chứ", bà nói thêm.
Bà Petitt chia sẻ rằng đưa ra các công cụ này cũng sẽ giúp các hãng theo dõi và quan sát những phi công nào thực sự có luyện tập.
Bà Petitt chia sẻ trước đây, bà đã tạo các thẻ ghi nhớ các nút vận hành boong máy bay bằng giấy, được gọi là "huấn luyện viên giấy", sau đó treo lên tường nhà để thực hành các thủ tục buồng lái khi rảnh rỗi.
"Chúng tôi đã sử dụng phương pháp này từ nhiều năm trước. Bạn chỉ cần thực hiện kết hợp chạm vào nút giả, chúng sẽ giúp bạn nhớ các thủ tục nhanh hơn".
Vấn đề về sức khỏe tinh thần
Joji Waites - Chuyên gia an toàn bay của BALPA, trả lời phỏng vấn với CNN, rằng: "BALPA luôn đảm bảo các phi hành đoàn vẫn đang bay (vận chuyển hàng hóa, thiết bị y tế, các công dân hồi hương và một vài dịch vụ khác) được trang bị đủ đồ bảo hộ khi cần thiết, và luôn kiểm tra làm sạch máy thường xuyên".
"Đối với những nhân sự không bay -đang tạm nghỉ - sẽ được yêu cầu giữ sức khỏe bản thân", ông Waites nói.
Ngoài việc cải thiện các kĩ năng và ghi nhớ các thủ tục, phi công cũng cần giữ cho tâm trí của họ ở trạng thái tốt nhất.
Với lịch trình bay dày đặc, các phi hành đoàn vốn đã quen với tốc độ làm việc nhanh chóng, qua giai đoạn cách li kéo dài hàng tuần, có thể sẽ bị ngợp khi quay trở lại làm việc.
Chuyên gia Waites tuyên bố BALPA đã chia sẻ những lời khuyên về sức khỏe tâm thần và sức khỏe nói chung do Tổ chức từ thiện MIND và Bộ Y tế công cộng Anh đưa ra, với các thành viên.
"Sắp tới sẽ có một qui định mới, dự kiến được đưa ra vào cuối tháng 8 năm nay cho các hãng hàng không, yêu cầu họ phải có mạng lưới hỗ trợ ngang hàng được các phi công thực hiện, để nâng cao nhận thức về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần".
Ông Waites nhận định: "Phi công thường không quen việc ở yên một chỗ. Chúng tôi đang lên kế hoạch trước cho thời điểm khi mọi thứ quay trở lại trục xoay cũ, và các chuyến bay bắt đầu cách cánh trở lại".
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020