Số liệu thống kê của FiinGroup đối với nhóm 20 nhà phát hành niêm yết có số dư nợ trái phiếu lớn nhất cho thấy, hệ số tổng vay nợ/vốn chủ sở hữu bình quân ở mức tương đối thấp là 1,0 lần, song hệ số nợ vay/EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) bình quân lại ở mức khá cao là 6,99 lần.
FiinGroup cũng lưu ý rằng hệ số nợ vay thực tế có thể cao hơn nếu bóc tách và điều chỉnh để tính thêm các khoản phải trả có tính chất trả lãi vay như các khoản hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác hoặc khách hàng.
Tổng giá trị EBITDA của 20 doanh nghiệp này đang đáp ứng 63,15% số nợ vay đáo hạn trong 12 tháng tới, bao gồm cả vay ngân hàng lẫn vay trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Bên cạnh đó, một số nhà phát hành niêm yết sử dụng đòn bẩy không quá cao nhưng dòng tiền và năng lực tín dụng có dấu hiệu suy yếu, vài doanh nghiệp còn có khả năng đối mặt với rủi ro thanh khoản trong ngắn hạn nếu không duy trì được mức độ lợi nhuận hoặc các kênh huy động vốn mới vẫn khó khăn như hiện nay.
Rủi ro này cũng lớn hơn khi được đặt trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhiều ngành đang có triển vọng kém tích cực trong năm 2023.
Song, kết quả đánh giá cũng cho thấy tỷ lệ chi trả lãi vay (ICR) bình quân của nhóm vẫn đạt 3,74 lần. Điều này đồng nghĩa vẫn có các doanh nghiệp sở hữu khả năng chống chịu tương đối tốt trong ngắn hạn và có thể khôi phục nếu vượt qua giai đoạn tới nếu như các kênh huy động vốn được khai thông.
FiinGroup cũng ghi nhận sự phân hóa lớn về chất lượng tín dụng giữa các doanh nghiệp trong nhóm. Dù thuộc nhóm phát hành TPDN lớn nhất thị trường, một số nhà phát hành vẫn có hồ sơ kinh doanh và hồ sơ tài chính tốt để có thể thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ nợ.
Ngoài ra, các nhà phát hành niêm yết nên thường xuyên thực hiện công bố thông tin định kỳ để nhà đầu tư có thể chủ động phần nào đánh giá cho các quyết định đầu tư, theo dõi và tăng cường trao đổi trong giai đoạn khó khăn, từ đó cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ.
Top 20 tổ chức phát hành là doanh nghiệp chưa niêm yết hiện đang có số dư lưu hành chiếm 25,76% tổng giá trị TPDN phi ngân hàng, tức chiếm 17,39% giá trị đang lưu hành trên toàn thị trường, trong đó có 12 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản.
FiinGroup nhận thấy thị trường vẫn tồn tại nhiều điểm mù về thông tin có khả năng gây bất lợi đến các trái chủ nắm giữ các trái phiếu trên. Hầu hết các nhà phát hành không kê khai hoặc cập nhật các thông tin, tình hình tài chính cơ bản trên thị trường.
Do đó, trái chủ mua trung gian từ công ty chứng khoán (chiếm 22,49% cơ cấu nhà đầu tư) hầu như không thể tự đánh giá sức khỏe tín dụng và theo dõi được năng lực trả nợ của doanh nghiệp.
Giải pháp khả thi để giảm thiểu rủi ro TPDN là khuyến khích các nhà phát hành cung cấp bản cáo bạch đầy đủ cho các trái chủ, đồng thời các cơ quan quản lý cần làm việc với các chủ thể này nhằm ban hành các hướng dẫn cụ thể về xử lý vấn đề thanh toán trễ và thu xếp nợ TPDN.
Nói thêm về các doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản dân cư, tính đến ngày 30/10, 83,14% giá trị TPDN của ngành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, phần đông là các công ty dự án hoặc mới thành lập khó tiếp cận được tín dụng ngân hàng. Đây cũng là đối tượng thường xuyên khuyết thông tin trên thị trường.
Theo FiinGroup, ảnh hưởng có tính hệ thống đến danh mục trái phiếu của hệ thống ngân hàng không lớn nếu chỉ dựa thuần túy trên quy mô trái phiếu. Các ngân hàng hiện nay giữ danh mục trái phiếu doanh nghiệp (phi ngân hàng) quy mô 284.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,47% trên tổng tài sản sinh lời, tính đến ngày 30/6/2022.
Trong nửa đầu năm, nhiều ngân hàng tăng cường phân bổ thêm tỷ trọng vào chứng khoán đầu tư để tối ưu hóa hiệu suất sử dụng vốn khi mà tốc độ huy động vốn còn nhanh hơn tăng trưởng tín dụng. Trước các biến động của thị trường TPDN, xu hướng này sau đó đã có dấu hiệu đảo chiều nhằm giảm bớt rủi ro, ngoài ra cũng để tạo dư địa cho vay ở các tháng cuối năm khi “room” tín dụng cạn kiệt.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng lãi suất điều hành và nhiều thông tin bất lợi trên thị trường, lợi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) và TPDN đã đồng loạt quay đầu giảm giá trong thời gian qua do gia tăng cả lãi suất tham chiếu lẫn phần bù rủi ro.
FiinGroup dự báo danh mục trái phiếu của vài ngân hàng tiếp tục ghi nhận lỗ chưa thực hiện trong quý tới.
Trường hợp kênh TPDN không được sớm khai thông và tâm lý nhà đầu tư không được cải thiện sẽ tạo ra vấn đề thanh khoản lớn hơn. Các sự kiện vi phạm trái phiếu có thể tạo ảnh hưởng dây chuyền sang hệ thống tín dụng ngân hàng bởi một doanh nghiệp có khả năng cao rơi vào nhóm nợ xấu nếu vi phạm nghĩa vụ nợ.
Tuy nhiên, rủi ro tín dụng trong hệ thống sẽ có sự phân hóa rõ rệt, ít ảnh hưởng tới các ngân hàng có quy mô nắm giữ TPDN nhỏ so với tổng tài sản có sinh lãi, chất lượng TPDN đa dạng và được thẩm định rủi ro kỹ lưỡng. Đây cũng không phải một vấn đề lớn nếu ngân hàng có trích lập dự phòng giảm giá đầy đủ.