Doanh nghiệp gạo gửi đơn cầu cứu khẩn Thủ tướng lần thứ 4

Cho rằng cơ quan hải quan đang kéo dài thời gian, gây thiệt hại thêm cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ngày 17/4, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tiếp tục có “Đơn đề nghị giải quyết khẩn cấp” (lần thứ 4) gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành.

Trong đơn, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, kiến nghị đến Thủ tướng một vấn đề nữa, là cơ quan hải quan sẽ chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng nhưng sẽ lại cho thông quan một cách “trả đũa”, đó là đưa gạo vào luồng đỏ.

Theo ông Bình, luồng đỏ thì phải qua cân, mở container ra, đảo gạo…, mà như vậy thì tiến độ thông quan sẽ rất chậm, kéo dài và chi phí phải phát sinh thêm mỗi container không dưới 1,9 triệu đồng, tiếp tục gây thiệt hại cho doanh nghiệp (DN).

“Vừa là DN vừa là thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tôi tha thiết kính mong Thủ tướng Chính phủ giải quyết thấu đáo vấn đề này, không để hải quan lại sẽ vin vào các quy định của ngành… để rồi các DN lại tiếp tục phản ánh khiếu nại và các bộ ngành lại báo cáo Chính phủ… Hậu quả DN vẫn thiệt hại, mà trước ngày 24/3/2020 các DN thông quan XK gạo không bị mất", ông Bình viết.

Doanh nghiệp gạo gửi đơn cầu cứu khẩn Thủ tướng lần thứ 4 - Ảnh 1.

Việc bị "mắc kẹt" ở cảng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đứng ngồi không yên. Trong ảnh: Một điểm tập kết gạo tại Tiền Giang. (Ảnh: CK).

Trước đó, trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ lần thứ 3 vào hôm qua (16/4), đại diện DN này cho rằng, khoảng 300.000 tấn gạo nằm ở cảng lại tiếp tục chờ, và ngành lúa gạo Việt Nam lại tiếp tục mất đi mỗi ngày khoảng 50 tỉ đồng (trước đó từ ngày 24/3/2020 đến ngày 11/4/2020 ngành lúa, gạo bị thiệt hại khoảng 600 tỉ đồng); chưa kể đến những thiệt hại kéo theo đến ngày xuất gạo đi được khi nhận hàng chất lượng gạo xuống cấp sẽ bị đối tác nước ngoài khiếu kiện sau này...).

Theo ông Bình, các việc làm của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và các trả lời báo chí, các công văn của các bộ vừa qua chỉ là những "thủ thuật" kéo dài, tiếp tục gây thiệt hại đến ngành lúa gạo Việt Nam. Riêng công ty của ông Bình cũng đã bị một khách hàng nước ngoài gửi thư yêu cầu trả tiền cọc và bồi thường hợp đồng…

Nói thêm về việc mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia (hoặc 300.000 tấn cho năm 2020) để Chính phủ thực hiện chính sách an sinh xã hội, ông Bình cho rằng đây là việc làm thường xuyên hàng năm của Bộ Tài chính theo thể lệ, đã thực hiện nhiều năm theo luật đấu thầu, mà Bộ Tài Chính quy định.

“Nếu ai trúng thầu mà không kí hợp đồng thì mất tiền kí quỹ, Bộ Tài Chính mở thầu mới. Đó là luật mà đã làm theo luật là không sai. 

Tại cuộc họp liên bộ, lãnh đạo 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng 20 DN xuất khẩu gạo lớn ngày 26/3/2020, tất cả cùng có ý kiến: Bộ Tài Chính mở thầu mới mua gạo khoảng 10.000 đồng/kg là có ngay 300.000 tấn; mà gạo dự trữ quốc gia mua 10.000 đồng/kg là rẻ nhất so với gạo nội địa mà người tiêu dùng cả nước đang phải mua (thấp nhất nhiều năm nay ở thị trường người tiêu dùng phải mua cũng 11.000 đồng/kg)” – ông Bình cho biết.


chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.