Cụ thể, trong đơn, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung Trung An, có trụ sở tại Cần Thơ cho biết: Vào lúc 14 giờ 46 phút, thứ Bảy ngày 11/4/2020, công ty Trung An nhận được Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 (Quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương – PV) và công văn số 0361/XNK-NS ngày 10/4/2020 để thực hiện theo công văn số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/04/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Ngay sau đó công ty đã túc trực trên máy tính để mở tờ khai cho những lô hàng khai dang dở từ ngày 24/3 (nhân viên trực đến 21 giờ đêm 11/4), nhưng hệ thống phần mềm Hải quan điện tử không mở. Công ty cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn có liên quan về việc mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan hàng gạo của Hải quan.
Công ty lên hệ thống phần mềm Hải quan điện tử VNACCS để lấy thông tin tờ khai thì chỉ nhận được hệ thống báo như sau: “Thực hiện không thành công, kết thúc bất thường được phát hiện ở trung tâm”. Đến sáng Chủ Nhật (12/4), công ty tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai thì hệ thống công bố là đã đủ chỉ tiêu.
Ông Bình cho rằng việc làm của Hải quan là ‘không minh bạch’.
Ông dẫn lời của ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, khi trả lời báo chí chiều 12/4. Theo đó, ông Thắng cho biết: Do quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương được ban hành vào tối 10/4, rơi vào ngày cuối tuần (thứ Sáu) nên Cục Hải quan TP HCM chưa nhận được văn bản hướng dẫn thực hiện…
Sớm nhất ngày 13/4 (thứ Hai) Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan mới có văn bản hướng dẫn cho Cục Hải quan các tỉnh thành. Khi có thông tin cụ thể, Cục Hải quan thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu gạo.
Theo đại diện Công ty Trung An, từ trước ngày 24/3/2020 đến nay, công ty đã phải tạm dừng đăng kí và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu đã và đang trên đường lên cảng (các doanh nghiệp khác cũng vậy). Hiện tại đang có mấy trăm ngàn tấn gạo đã nằm tại các cảng đang chờ thông quan (danh sách, số container các doanh nghiệp nhận về để đóng gạo hãng tàu, cảng, Bộ Công Thương đều nắm rất rõ).
“Nếu Hải quan cho mở tờ khai thì việc đầu tiên phải cho các lô gạo của các doanh nghiệp đã và đang khai dở dang xuất khẩu, sau đó mới cho khai mới. Việc rất đơn giản vậy mà Hải quan không thực hiện, mà chỉ trong 3 giờ đồng hồ lúc đêm khuya đã cho khai hết 400.000 tấn. Việc làm của Hải quan như vậy có đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không?” – đại diện Công ty Trung An viết, đồng thời đề nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét có biện pháp ngăn chăn gấp…
Ông Bình kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương có biện pháp ngăn chặn gấp việc làm trên của Hải quan để tránh thêm một “Dịch Covid thứ hai” xảy ra là Dịch Trục lợi chính sách của lợi ích nhóm”.
Còn ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc ngành hàng lúa gạo của Tập đoàn Tân Long-T&T Group, cho biết các công văn về cho phép xuất khẩu gạo đến từ chiều thứ 7 (ngày 11/4), nhưng gần như ít doanh nghiệp biết mà chỉ nắm được qua trao đổi với nhau.
“Chúng tôi đã cho nhân viên canh 24/24 để mở tờ khai hải quan, nhưng cũng chỉ lấy được số tờ khai, chứ không đi được đến bước cuối cùng", ông Trung nói.
“Các thông tin cho biết cổng sẽ mở từ 23 giờ 30 ngày 11/4, nhưng thực tế chỉ mở 0 giờ đến 3 giờ sáng 12/4, và lúc đó đã thông là đã 389 nghìn tấn, còn 11.000 tấn họ dừng lại. Chưa kể thời gian trên, mạng liên lục cắc bụp rất kỳ lạ”, ông Trung nói.
“Việc chỉ mở cửa từ 0 giờ đến 3 giờ sáng 12/4, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đến 5-6 giờ ngủ dậy đọc tín đó mà hết hồn, chết đứng như Từ Hải”, ông Trung bức xúc.
Cũng theo ông Trung, hiện Tân Long-T&T Group có gần 6.900 tấn đã vào container, bị kẹt do lệnh tạm dừng xuất khẩu ngày 24/3, nay chỉ chờ khai thực tế để xuất, nhưng nay lại tiếp tục ứ lại.
“Các hợp đồng khác đã kí kết dự định giao trong tháng 4 này cũng nghẽn ứ lại. Những con số này này cũng đã báo cáo cụ thể khi làm việc với của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp”, ông Trung nói.
Ông Trung tính toán: “Với lượng gạo trên, tính phí lưu container 50 USD/container, chúng tôi mất khoảng 14.000 USD/ngày (gần 300 triệu đồng/ngày). Chưa kể, hơn 4.000 tấn gạo đang bị ùn lại lênh đênh trên sà lan, mỗi ngày chi phí mất 120 triệu đồng, doanh nghiệp sao chịu nổi”.
Hiện có nhiều doanh nghiệp với hàng tồn cỡ 1-2 nghìn tấn, đã đóng sẵn đóng đợt 26/3 đến nay đã gần 20 ngày rồi, cũng không khai xuất được lô nào.
Theo tìm hiểu của PV Tiền phong, nhiều doanh nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã "chậm chân" đăng kí tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo, sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020.
Theo Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 về việc công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương thì tại Cần Thơ có 13/41 doanh nghiệp được phép xuất hơn 77.000 tấn gạo trong tháng 4 này. Trước đó các đơn vị này đã thực hiện kí kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài và đăng kí khai hải quan đầy đủ.
Tuy nhiên, trong hôm qua (12/4) một số doanh nghiệp ở Cần Thơ cho biết số lượng 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 được thông báo đã đủ số hạn ngạch và tạm dừng khai báo hải quan và thông quan.
Hiện các doanh nghiệp vẫn còn lượng lớn lưu kho chưa được phân bổ hạn ngạch xuất khẩu, trong khi đó, số nợ cho vay của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn đã lên tới 7.700 tỷ đồng...
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020